Xâm hại tình dục trẻ em: Nạn nhân không chỉ là bé gái

05/05/2015 13:32

Nếu không được hỗ trợ và giúp đỡ, những cậu bé bị xâm hại có thể trở thành chủ thể của tội phạm xâm hại tình dục trẻ em khi lớn lên. Phải làm gì khi cộng đồng vẫn chưa có nhận thức đúng về những nạn nhân mới của loại tội phạm này.

Một tối cuối tuần khu vực hồ Hoàn Kiếm, người qua lại tấp nập, thỉnh thoảng lại bắt gặp những nhóm người hát cho nhau nghe, tập thể dục, xen lẫn trong đó là những nam thiếu niên ở độ tuổi 13-15. Không ít trong số này đã và đang là đích nhắm của những gã trai bệnh hoạn.

Nhiều chiêu dẫn dụ 

Xâm hại tình dục ở trẻ em có thể xảy ra ở bất kỳ nền văn hóa, chủng tộc nào. Đã nhiều năm thực hiện hoạt động hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, ông Michael Brosowski - người sáng lập và là Trưởng văn phòng Dự án tổ chức trẻ em Rồng Xanh, một tổ chức phi Chính phủ của Australia đăng ký hoạt động tại Việt Nam từ năm 2004 đã có nhiều cơ hội tiếp xúc với trẻ em đường phố, trẻ khuyết tật và nạn nhân của buôn bán người. Từ việc hỗ trợ đưa các em về Trung tâm Rồng Xanh, gia đình, trường học, các nhân viên của Tổ chức Rồng Xanh nhận thấy, cùng với sự phát triển của xã hội, hơn 10 năm qua, trẻ em đường phố phải đối diện nhiều hơn với những nguy cơ bị xâm hại tình dục. 

Nguyễn Tuấn Đức quê ở Thanh Miện, Hải Dương là một trong số đó. Đức đã kể lại quãng đời 3 năm phiêu bạt của mình bằng một giọng rất thản nhiên: “Lần đầu tiên, cháu gặp một người đàn ông ngoài 30 tuổi và được đề nghị quan hệ tình dục. Cháu không biết đó là gì và được ông ta hướng dẫn. Sau đó ông ta trả cháu tiền. Cũng hơi mệt một chút nhưng bù lại mấy ngày sau đó cháu có đủ tiền ăn. Lần sau vẫn người đàn ông đó tìm đến, cháu không muốn đi nhưng bất lực vì không tìm được cái gì để ăn. Một vài anh lớn nói với cháu là ông ta tử tế, họ có thể giúp mình chỗ ở và tiền ăn. Thế nên cháu đành một lần nữa phục vụ ông ta”. Nguyễn Tuấn Đức không phải là trường hợp cá biệt. Ngày càng nhiều những người đàn ông đồng tính tìm đến với trẻ em trai sống lang thang trên đường phố, những đứa trẻ buộc phải chấp nhận “bán thân nuôi miệng”. 

Thậm chí gần đây, một số người đồng tính hoặc những kẻ môi giới cho người đồng tính đã nhắm đến trẻ em tại các trung tâm bảo trợ xã hội. Chúng còn đi tới các tổ chức từ thiện với tư cách là tình nguyện viên, sử dụng Facebook, một số trang mạng đặc biệt khác và những “phòng chat” trên mạng để gặp gỡ và tiếp cận những trẻ em nam mà chúng có thể trả tiền để được quan hệ tình dục.

Ảnh minh hoạ

Hậu quả lâu dài

Trẻ bị xâm hại tình dục không chỉ bị tổn thương trên cơ thể và những hậu quả nhất thời mà có thể bị ảnh hưởng lâu dài về sau, từ nhẹ nhàng đến những rối loạn rất nghiêm trọng, không chỉ liên quan đến sức khỏe sinh sản mà còn liên quan đến khả năng học tập, hòa nhập gia đình, xã hội cũng như đối với sức khỏe tâm thần của trẻ. Ông Trần Hòa Bình, xã Hùng Thắng, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng có một đứa cháu lang thang ở Hà Nội nhiều năm sau đó được hỗ trợ đưa về quê đã không nhận ra nổi cháu mình. Lúc mới về nhà, do không còn người thân, Trần Văn Luân (cháu ông Bình) ở cùng nhà với ông Bình. Lúc nào gặp người nhà, Luân cũng sợ hãi, xấu hổ, đôi khi hoảng loạn và có những lúc ngồi trong xó lặng thinh. Trong câu chuyện với Luân, ông Bình nhận thấy em có những ý nghĩ tiêu cực hoặc những hành vi mất kiểm soát, nhiều khi ngây dại như một đứa trẻ lên ba. Sau nhiều thời gian được ông động viên gần gũi, Luân mới dần thay đổi tâm tính và bớt xa lánh mọi người.

Không bị trói buộc đau đớn về mặt thể chất, cũng không bị giam giữ sau những cánh cửa như trẻ em gái, nhưng hậu quả mà trẻ em trai phải gánh chịu khi bị xâm hại tình dục đó là sự trói buộc về tâm lý. Phần nhiều trong số các em đã suy nghĩ “mình là một kẻ tồi tệ vì quan hệ tình dục với những người đàn ông”. Chu Thanh Hùng, một nạn nhân đang được Tổ chức Rồng Xanh giúp đỡ thừa nhận: “Cháu cảm thấy xấu hổ và thấy mình vô giá trị. Gia đình sẽ không bao giờ chấp nhận một đứa hư đốn như cháu. Cháu sẽ chẳng làm được gì nếu không tiếp tục quan hệ tình dục với những người đã cho cháu tiền vì chẳng ai muốn giúp đỡ một kẻ bệnh hoạn”.

Theo PGS.TS, Thiếu tướng Nguyễn Văn Nhật, Phó Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân, qua nhiều năm nghiên cứu về những trẻ em nam bị xâm hại cho thấy, trẻ bị xâm hại tình dục có thể tiếp tục bị người khác xâm hại trong suốt quãng đời còn lại. Vì bị xâm hại từ ngày còn nhỏ, chúng có thể lớn lên và tin rằng tình dục là cách duy nhất để thể hiện cảm xúc và sự an toàn. Có em trở thành người có cái nhìn lệch lạc về tình dục, sống trong vòng luẩn quẩn của lạm dụng tình dục và bạo hành. Nếu không được hỗ trợ và giúp đỡ, những cậu bé bị xâm hại có thể trở thành chủ thể của tội phạm xâm hại tình dục trẻ em khi lớn lên. Tổn thương gây ra do hành vi xâm hại tình dục không chỉ làm tổn thương đến trẻ và gia đình mà chúng còn ảnh hưởng tiêu cực đến cả cộng đồng. 

Tình trạng rủ rê trẻ em nam “bán dâm” đang là hồi chuông báo động cho sự suy đồi đạo đức ở một bộ phận người đồng tính và những kẻ môi giới, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội. Nhận thức của xã hội về vấn đề này còn hạn chế, nên hiện nay loại tội phạm này chưa bị phát hiện nhiều. Đa số trẻ em nam bị lạm dụng tình dục đều là trẻ lang thang nên không tố cáo những kẻ đã phạm tội. Còn những nạn nhân ở trong gia đình có giáo dục thì lại không dám tố cáo vì bị đe dọa hoặc mặc cảm và lo ngại ảnh hưởng đến danh dự. Trong khi đó, luật cũng chưa được điều chỉnh kịp thời với sự phát triển của loại tội phạm mới này. Vậy đâu mới là biện pháp ngăn chặn hữu hiệu?
Top