Vụ việc ‘nhân bản’ que thử xét nghiệm HIV, viêm gan B: Trách nhiệm chính thuộc về ai?

12/12/2019 15:40

Sự việc rúng động liên quan đến hành vi gian lận, bớt xén vật tư y tế tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội khiến dư luận không khỏi bức xúc.

 Hình ảnh kỹ thuật viên của khoa Vi sinh y học, BV đa khoa Xanh Pôn cắt đôi các que thử được camera ghi lại

Bước đầu Bệnh viện Xanh Pôn giải trình chỉ có 40 que thử bị cắt trong vòng 3 tháng qua và chỉ có que thử HIV bị cắt. Đây cũng chỉ là thử nghiệm của khoa, kết quả hoàn toàn độc lập với kết quả trả cho bệnh nhân. Số que được cắt đôi là phần mẫu do công ty TNHH Thương mại dịch vụ kỹ thuật Lục Tỉnh – đơn vị cung cấp que test nhanh cho BV tặng thêm.

Trước sự việc này, một cán bộ của công ty Lục Tỉnh xác nhận, hình ảnh que thử bị cắt đôi được báo chí phản ánh đúng là sản phẩm của công ty. Công ty rất bất ngờ vì chưa bao giờ có khuyến cáo về việc cắt đôi bộ test như vậy, kể cả khuyến cáo thử nghiệm.

“Dù là hàng khuyến mại, hàng mẫu, hàng tặng, hàng làm thật cho bệnh nhân, hàng dùng thử hay bất cứ loại hàng gì cũng không bao giờ được phép cắt ra như vậy vì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm”, cán bộ công ty Lục Tỉnh nhấn mạnh.

Vị này tiếp tục khẳng định: “Chúng tôi không bao giờ đồng ý, càng làm thử nghiệm, chúng tôi càng không bao giờ cho cắt ra bởi như vậy thì kết quả thử nghiệm sẽ không chính xác thì thử nghiệm để làm gì. Việc cắt ra chắc chắn không được phép".

Do đó, việc cắt đôi que thử HIV, viêm gan B dù để thử nghiệm hay để xét nghiệm cho bệnh nhân thì bệnh viện đã làm sai hoàn toàn. Làm sai như vậy thì bệnh viện phải chịu trách nhiệm

Vị này cũng đặt câu hỏi, một kỹ thuật viên xét nghiệm chắc chắn biết không được phép cắt đôi que test nhưng tại sao họ lại làm vậy thì không thể hiểu được.

Phía công ty Lục tỉnh cho biết, tất cả các lô hàng giao nhận với Bệnh viện Xanh Pôn đều có đầy đủ chứng từ gồm 2 bản, mỗi bên giữ một bản.

Hiện vẫn còn rất nhiều câu hỏi bị bỏ ngỏ xung quanh sự việc này, phía BV Xanh Pôn cho biết vẫn đang tiếp tục điều tra, làm rõ và khi có kết quả sẽ thông báo tới tất cả cơ quan báo chí.

Chia sẻ ý kiến về vụ việc “nhân bản” que thử HIV đang gây xôn xao dư luận, ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế cho hay, đây là sự việc chưa từng có. Do đó, cần phải xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật.

“Phía Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã làm việc với Sở Y tế Hà Nội tổ chức đoàn kiểm tra và báo cáo sự việc về cục Phòng, chống HIV/AIDS”, ông Cảnh thông tin.

Nói thêm về quan điểm của Cục, ông Cảnh cho hay: “Chúng tôi cũng lưu tâm xử lý quyết liệt, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đã có công văn hoả tốc gửi Sở Y tế Hà Nội, yêu cầu đơn vị vào cuộc tiến hành xác minh thông tin nhân viên bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn gian lận trong xét nghiệm y tế và kiểm điểm, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định pháp luật”.

Hiện tại, cục Phòng, chống HIV/AIDS cũng cho biết đang chờ báo cáo từ sở Y tế Hà Nội về vụ việc. “Sự việc đã xảy ra và cần chờ có báo cáo đầy đủ. Còn về quy trình kỹ thuật như báo chí phản ánh trong video là sai quy trình kỹ thuật, không được phép làm như vậy”, ông Cảnh cho hay.

Dưới góc độ pháp lý với Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS – thuộc Đoàn luật sư TP. Hà Nội nhận định, theo đúng như những gì mà các kênh thông tin, báo chí, truyền hình phản ánh thì hành vi của các nhân viên y tế này có thể gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Bởi vì, đây là quá trình xét nghiệm bệnh HIV và bệnh viêm gan B, việc bớt xén một cách trắng trợn có thể ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm. Nếu bệnh nhân dương tính với các bệnh này mà bị chẩn đoán nhầm thì sẽ để lại hậu quả khôn lường. Hành vi này không chỉ gây hậu quả như vậy mà còn là hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp, gây ảnh hưởng tới

Hành vi này mặc dù không được quy định rõ ràng, cụ thể thành một điều luật riêng, tuy nhiên vẫn có các điều luật liên quan, quy định chung để điều chỉnh. Cụ thể tại Điểm b Khoản 3, Điều 22, Nghị định 176 về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế do Chính phủ ban hành ngày 14/11/2013 thì hành vi Lợi dụng hoạt đồng phòng, chống HIV/AIDS để trục lợi hoặc thực hiện các hành vi trái pháp luật thì có thể bị xử phạt tới 20 triệu đồng. Điều luật này cũng không thể bao hàm được toàn bộ các nội dung mà các nhân viên này vi phạm, và chế tài xử phạt vẫn chưa đủ tính răn đe cần thiết.

Tuy nhiên, ngoài chịu trách nhiệm hành chính, những cá nhân vi phạm có thể bị xử lý bởi quy định nội bộ của tổ chức, bệnh viện đối với nhân viên làm việc theo hợp đồng; và bị xử lý theo Luật cán bộ, công chức, viên chức nếu là viên chức.

Trong vụ việc này, bà Phó phụ trách khoa Vi sinh y học đã bị tạm đình chỉ công tác để điều tra, nếu phát hiện có hành vi vi phạm người này có thể bị xử lý kỷ luật với mức kỷ luật cao nhất là buộc thôi việc theo Điều 13 Nghị định 27/2012/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 6/4/2012 quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức. Còn với hai nhân viên phụ trách việc xét nghiệm làm việc theo hợp đồng lao động với cơ sở y tế thì có thể bị chấm dứt Hợp đồng lao động, buộc bồi thường, khắc phục hậu quả.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, nguyên tắc xử lý của pháp luật luôn là nghiêm minh, công bằng, đúng người đúng tội. Nếu nói về việc trách nhiệm của bệnh viện Xanh Pôn, mặc dù bệnh biện không phải chịu trách nhiệm pháp lý liên quan nhưng vẫn phải chịu sự khiển trách từ cơ quan quản lý trong ngành y tế, đó là sở Y tế hoặc bộ Y tế về việc buông lỏng khâu thanh tra, quản lý nội bộ, dẫn đến tình trạng xảy ra những sự việc vi phạm pháp luật trong tổ chức cơ quan mình.

Còn trong những người thực hiện hành vi, cần phải xem xét vai trò của từng đối tượng trong vi phạm để xác định trách nhiệm. Theo điểm c, Điều 3, bộ Luật Hình sự năm 2015 về nguyên tắc xử lý thì cần nghiêm trị với người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, lợi dụng chức vụ quyền hạn để phạm tội.

Do đó, trong vụ việc này người nào có chức vụ, quyền hạn càng lớn, người nào đứng đầu, chỉ huy việc phạm tội thì phải chịu trách nhiệm cao nhất theo quy định của pháp luật. Những người còn lại là đồng phạm với vai trò người thực hiện, người giúp sức thì sẽ phải chịu trách nhiệm ít hơn.

Hiện tại, chưa thể nói rõ được xem có hay không người đứng đầu, và người đứng đầu là ai, cần phải có kết luận điều tra của cơ quan Cảnh sát điều tra thì mới có thể đưa ra nhận định chính xác.
Top