Việt Nam tán thành Nghị quyết bảo vệ người đồng tính

28/09/2014 08:46

Ngày 26/9, tại Geneva (Thụy Sỹ), Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã thông qua Nghị quyết chống lại việc phân biệt đối xử và bạo lực đối với người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới (LGBT). Việt Nam là 1 trong 25 quốc gia bỏ phiếu tán thành thông qua Nghị quyết này.

Phòng họp của Hội đồng nhân quyền tại Geneva. Nguồn: BuzzFeed

Nghị quyết về “Xu hướng tính dục và bản dạng giới” (Resolution on sexual orientation and gender identity) được thông qua tại kỳ họp thứ 27 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc "với hành vi bạo lực và phân biệt đối xử trong tất cả các vùng lãnh thổ trên thế giới”, đồng thời cam kết tích cực tạo sự bình đẳng về giới tính cũng như khuynh hướng tính dục.

Nghị quyết cũng hoan nghênh "sự phát triển tích cực ở tất cả các cấp độ (toàn cầu, khu vực và quốc gia) trong cuộc chiến chống lại tình trạng bạo lực và phân biệt đối xử dựa trên khuynh hướng tình dục và bản sắc giới".

Ngoài Việt Nam, 24 quốc gia khác cũng bỏ phiếu tán thành thông qua Nghị quyết gồm: Argentina, Áo, Brazil, Costa Rica, Cuba, Cộng hòa Séc, Estonia, Pháp, Đức, Ireland, Ý, Nhật Bản, Mexico, Montenegro, Peru, Philippines, Nam Hàn Quốc, Romania, Nam Phi, Macedonia, Anh, Mỹ, Venezuela.

14 quốc gia phản đối Nghị quyết là: Algeria, Botwana, Bờ Biển Ngà, Ethiopia, Gabon, Indonesia, Kenya, Kuwait, Maldives, Morocco, Pakistan, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc ả rập, Nga.

Trong khi đó 7 nước gồm Burkina Faso, Trung Quốc, Congo, Kazakhstan, Namibia, Sierra Leone, Ấn Độ bỏ phiếu trắng trong việc thông qua Nghị quyết này.

Trước đó, để phản đối Nghị quyết, các nước chống đứng đầu là Ai Cập và các quốc gia thuộc Liên minh tổ chức hồi giáo đã giới thiệu 7 kiến nghị sửa đổi khác nhau với mục đích loại bỏ xu hướng tính dục và bản dạng giới ra khỏi nghị quyết. Trong phát biểu của mình, đại diện Pakistan cho rằng “việc sử dụng nghĩa rộng của từ ‘xu hướng tính dục’ có thể mang nghĩa hủy diệt, gây hại cho đạo Hồi…và cho giới trẻ của chúng tôi”. Đại diện của Saudi Arabia thì cho rằng bản thân Nghị quyết là một “sự vi phạm nhân quyền”.

Việt Nam là một trong 25 nước bỏ phiếu thuận. Nguồn: StarDaily

Các quốc gia này lập luận thay vì tập trung vào xu hướng tính dục và bản dạng giới, Nghị quyết cần quy định xóa bỏ phân biệt đối xử và bạo lực với mọi khác biệt từ sắc tộc, tôn giáo, chủng tộc, ngôn ngữ, hoàn cảnh xuất thân, quan điểm chính trị, quốc tịch và các tình trạng khác. Nếu chấp nhận thay đổi này đồng nghĩa biến Nghị quyết thành một Nghị quyết chung chung, vô nghĩa với LGBT, và thực chất là để “giết” Nghị quyết ban đầu bảo vệ quyền của LGBT. Tuy nhiên, Hội đồng Nhân quyền đã bỏ phiếu bác bỏ tất cả những đề xuất này.

Bà Jessica Stern, Giám đốc điều hành Ủy ban Quốc tế về quyền của người đồng tính (International Gay and Lesbian Human Rights Commission), cho biết: “Hội đồng Nhân quyền đã tiến một bước mang tính nền tảng, bằng việc tái khẳng định một trong những nguyên tắc chính của Liên Hợp Quốc, đó là mọi người đều bình đẳng về nhân phẩm và nhân quyền. Nghị quyết này đặt Liên Hợp Quốc vào con đường giải quyết sự phân biệt đối xử và bạo lực mà những người LGBT trên khắp thế giới đang phải gánh chịu hàng ngày”.

Nghị quyết này được trình trong bối cảnh có những tiến bộ về bảo vệ quyền của người LGBT ở Mỹ, Nam Mỹ, nhưng đồng thời có những bước lùi nghiêm trọng ở châu Phi, Nga và các nước Ả Rập. Trong những năm qua, một loạt nước châu Phi đã thông qua các đạo luật hà khắc, bao gồm cả hình thức tử hình, tù chung thân cho những người có quan hệ đồng giới. Chính vì vậy, ý nghĩa của việc Nghị quyết được thông qua càng to lớn.

Sự tán thành của đa số các nước với Nghị quyết này đảm bảo chủ đề về quyền của cộng đồng LGBT tiếp tục có mặt trong nghị trình làm việc của Hội đồng nhân quyền, và gửi một thông điệp ủng hộ mạnh mẽ đến những nạn nhân của bạo lực cũng như những cá nhân và tổ chức bảo vệ quyền của họ.

Top