Việt Nam là nước có tốc độ giảm HIV nhiễm mới nhanh nhất trong khu vực

01/12/2020 15:51

Theo báo cáo của Chương trình phối hợp phòng, chống HIV/AIDS của Liên Hợp Quốc (UNAIDS) tại Việt Nam, Việt Nam là nước có tốc độ giảm HIV nhiễm mới nhanh nhất trong khu vực. Ước tính, số ca nhiễm mới HIV năm 2018 đã giảm 64% so với năm 2010.

 

 Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu. Ảnh: Thùy Chi

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã cho biết thông tin trên tại Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS và Hội nghị trực tuyến Tổng kết 30 năm phòng, chống HIV/AIDS do Bộ Y tế tổ chức sáng 1/12.

Khẳng định những thành tựu to lớn của Việt Nam trong công tác phòng, chống HIV/AIDS sau 30 năm, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh: “Chúng ta đã đạt được những kết quả to lớn trong công tác phòng chống HIV/AIDS. Đặc biệt, số nhiễm HIV, mắc AIDS và tử vong liên quan đến HIV/AIDS đã giảm 2/3 trong hơn 15 năm qua. Năm 2006-2007, mỗi năm phát hiện được trên 30.000 người nhiễm HIV thì hiện nay mỗi năm chỉ còn phát hiện được khoảng 8.000 người đến 10.000 người”.

Cũng theo ước tính của các chuyên gia, trong 15 năm qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam đã tránh cho khoảng 0,5 triệu người không bị nhiễm HIV và khoảng 200.000 người không bị tử vong do HIV/AIDS. Việt Nam đã kiểm soát được tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,3% như mục tiêu Chiến lược quốc gia đã đề ra.

Ngoài ra, các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đã giúp giảm tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS; góp phần đáng kể vào ổn định trật tự, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội nói chung của các địa phương và đất nước.

Mặc dù công tác phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được nhiều thành công rất đáng ghi nhận trong thời gian qua, tuy nhiên công tác này vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, HIV/AIDS vẫn là vấn đề, sức khỏe cộng đồng quan trọng, là một trong những nguyên nhân mắc bệnh tật và tử vong hàng đầu ở Việt Nam. “Ước tính, Việt Nam hiện có 230.000 người nhiễm HIV, đứng thứ 4 so với các nước khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, mỗi năm vẫn phát hiện thêm khoảng 10.000 trường hợp nhiễm HIV mới, còn rất xa so với mục tiêu “Chấm dứt dịch bệnh AIDS” là dưới 1.000 trường hợp nhiễm HIV mới/năm. Các hành vi lây nhiễm HIV gần đây có những diến biến phức tạp, đặc biệt là tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp, lây truyền HIV qua đường tình dục và tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới tăng nhanh. Ngoài ra, với tiến bộ trong điều trị HIV/AIDS, số người nhiễm HIV cần được chăm sóc, điều trị tiếp tục tăng cao”, Thứ trưởng Tuyên lưu ý.

Đề xuất giải pháp phòng, chống HIV/AIDS, Thứ trưởng Tuyên cho rằng, trong 10 năm tới, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan AIDS, chấm dứt dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030, giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, Chiến lược Quốc gia cũng đã đưa ra 18 chỉ tiêu cần đạt và 11 nhóm giải pháp cần triển khai thực hiện. Trong đó, chú trọng công tác mở rộng các hoạt động chuyên môn có hiệu quả, bao gồm: Triển khai rộng rãi các biện pháp can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV; mở rộng và đang dạng hóa các hình thức xét nghiệm, phát hiện HIV; mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS.

Đẩy mạnh các giải pháp, chính sách tài chính bền vững cho công tác phòng chống HIV/AIDS; tiếp tục quan tâm đầu tư cho phòng chống HIV/AIDS. Đặc biệt, theo Quyết định 1246 của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2021, tất cả các tỉnh/thành cần phê duyệt Đề án hoặc kế hoạch bảo đảm tài chính để thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS tại địa phương mình, đồng thời phân bổ kinh phí hàng năm theo kế hoạch được duyệt.
Top