Việt Nam đã kịp thời chuyển đổi mô hình điều trị ARV chi trả qua BHYT

25/01/2020 14:45

Ứng phó với nguồn viện trợ quốc tế cắt giảm nhanh chóng, đặc biệt là với thuốc điều trị ARV, Việt Nam đã kịp thời chuyển đổi mô hình điều trị ARV từ các chương trình dự án tài trợ sang chi trả qua bảo hiểm y tế (BHYT).

 BHYT chính là phao cứu sinh cho người nhiễm HIV. Ảnh: Thùy Chi

Hơn 42 nghìn bệnh nhân đang điều trị ARV qua BHYT

PSG.TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS – Bộ Y tế cho biết: “Trong tổng số 142 nghìn bệnh nhân đang điều trị ARV thì chúng ta đã chuyển đổi thành công hơn 42 nghìn bệnh nhân chỉ trong có 6 tháng, từ tháng 3/2019 đến tháng 9/2019”.

Theo PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long, “đây là thành công mà nhiều nước trên thế giới muốn tìm hiểu và học tập. Chúng ta sẽ tiếp tục chuyển đổi sang BHYT theo lộ trình cắt giảm của thuốc viện trợ để bảo đảm rằng khi không có thuốc viện trợ thì bệnh nhân vẫn tiếp tục được điều trị thuốc ARV đầy đủ và liên tục”.

Theo số liệu thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, kể từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam vào tháng 12/1990, hiện cả nước có hơn 200 nghìn người nhiễm HIV còn sống, lũy tích đến nay hơn 100 nghìn người tử vong do AIDS. Tại 51 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tham gia BHYT đạt hơn 90%; 9 tỉnh có tỷ lệ dưới 90%, thấp nhất là TPHCM (80%). Nhiều tỉnh, thành phố đạt 100% bệnh nhân đang điều trị ARV có thẻ BHYT như Ninh Thuận, Lai Châu, Cao Bằng, Cà Mau...

Trong năm 2019, các cơ sở y tế đã đấu thầu và mua sắm thành công thuốc ARV nguồn BHYT cho 48 nghìn bệnh nhân. Đến hết tháng 10 đã có hơn 41 nghìn bệnh nhân nhận thuốc. Dự kiến trong năm 2020 sẽ cung ứng cho 103 nghìn bệnh nhân.

Đến hết quý II/2019, cả nước đã có 96% cơ sở điều trị HIV/AIDS kiện toàn và ký hợp đồng cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh BHYT. Các cơ sở còn lại chưa đủ điều kiện để kiện toàn và ký hợp đồng với cơ quan BHYT sẽ được duy trì nguồn thuốc từ các chương trình dự án và hoàn thiện tiếp công tác kiện toàn. Sau khi không còn các nguồn thuốc miễn phí, các cơ sở này nếu không hoàn thiện công tác kiện toàn sẽ phải chuyển bệnh nhân sang các cơ sở khám chữa bệnh BHYT khác.

Với những nỗ lực từ Chính phủ và hỗ trợ mạnh mẽ của các tổ chức quốc tế, đến hết tháng 9/2019, cả nước đang điều trị thuốc kháng virus ARV cho trên 142 nghìn người nhiễm HIV, tăng gần 280 lần so với năm 2004. Trung bình mỗi năm có trên 10 nghìn người nhiễm HIV được đưa vào điều trị ARV. Số ngày chờ từ khi đăng ký điều trị cho đến khi được điều trị ARV đã giảm từ trên 350 ngày năm 2011 xuống còn 0 ngày vào năm 2018.

Người nhiễm HIV đã được đưa vào điều trị ARV trong ngày với thời gian từ khi có xét nghiệm sàng lọc HIV dương tính cho đến khi được khẳng định nhiễm HIV và điều trị ARV có nơi chỉ còn có 6,5 giờ. Việc cấp phát thuốc ARV tối đa 90 ngày sử dụng đã được thực hiện cho người nhiễm điều trị thuốc ARV ổn định.

Song song với việc mở rộng độ bao phủ điều trị ARV, chất lượng điều trị ARV cũng được cải thiện và nâng cao dần qua các năm. Kết quả xét nghiệm tải lượng HIV trong 3 năm gần đây cho thấy, hiệu quả chương trình điều trị được duy trì cao liên tục qua các năm.

BHYT rất quan trọng trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS

Trong bối cảnh hiện nay, BHYT có ý nghĩa rất quan trọng với ngành Y tế nói chung và công cuộc phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam nói riêng. Với bệnh nhân HIV/AIDS, điều trị ARV cần liên tục và suốt đời. Vì vậy, điều trị ARV thông qua BHYT sẽ là nguồn tài chính bền vững để người có HIV tiếp tục được điều trị với chi phí hợp lý.

Do đó, triển khai Quyết định 2188 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn, Bộ Y tế đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm mở rộng chi trả của Quỹ BHYT cho điều trị HIV/AIDS.

Cụ thể, ngành Y tế đã ban hành Thông tư 28 và Thông tư 08 hướng dẫn thực hiện Quyết định 2188 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã có văn bản hướng dẫn Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố thực hiện nhằm bảo đảm thống nhất việc thanh toán sử dụng thuốc ARV nguồn BHYT trên toàn hệ thống.

Ngoài ra, có nhiều văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế và của Cục Phòng, chống HIV/ AIDS hướng dẫn về lập kế hoạch, đôn đốc quyết toán sử dụng thuốc ARV nguồn BHYT của các cơ sở điều trị HIV/AIDS.

Ngành Y tế cũng đã tập trung mở rộng bao phủ BHYT trong bệnh nhân điều trị ARV: Tỷ lệ bao phủ BHYT trong bệnh nhân điều trị ARV dao động 90-91% trong năm 2019. Đến hết 30/9/2019 đã có 51 tỉnh thành phố có tỷ lệ tham gia BHYT đạt hơn 90%. Còn 9 tỉnh có tỷ lệ dưới 90% thấp nhất là TPHCM (80%).

Theo TS. Nguyễn Hoàng Long, việc tiếp cận 10% còn lại sẽ còn gặp khó khăn do kỳ thị và sợ phân biệt đối xử của người nhiễm HIV nên không muốn dùng BHYT, các bệnh nhân mới tham gia điều trị tại các bệnh viện trung ương và bệnh viện đa khoa tỉnh không muốn về các bệnh viện tuyến huyện để điều trị. Các bệnh nhân ngoại tỉnh còn khó khăn khi đăng ký các thủ tục tạm trú. Nhiều bệnh nhân mất giấy tờ tùy thân...

Để bảo đảm 100% người nhiễm HIV tham gia điều trị ARV qua BHYT, TS. Nguyễn Hoàng Long đề nghị, trong thời gian tới các tỉnh, thành phố tiếp tục tư vấn, truyền thông vận động người nhiễm HIV tham gia BHYT; tiếp tục vận động bảo đảm các nguồn tài chính cho hỗ trợ mua thẻ BHYT cho các đối tượng khó khăn (40/64 tỉnh, thành phố đã tự đảm bảo từ nguồn ngân sách địa phương); hỗ trợ các cơ sở điều trị có hệ thống dữ liệu kết nối trên toàn quốc để quản lý, cảnh báo tình trạng tham gia BHYT của các bệnh nhân có thẻ BHYT đang điều trị; kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS và cung ứng thuốc ARV nguồn BHYT.

Bộ Y tế tập trung vào một số nhiệm vụ trong cung ứng thuốc như sau: Điều phối các nguồn thuốc trong trường hợp thuốc ARV nguồn BHYT chưa cung ứng kịp. Theo lịch dự kiến là 1/1/2020; đưa một số phác đồ mới, hiệu quả vào danh muc mua sắm tập trung cấp quốc gia như TLD…; đôn đốc việc quyết toán sử dụng của các cơ sở điều trị HIV/AIDS; kiện toàn quản lý thông tin bệnh nhân và thông tin quản lý sử dụng các nguồn thuốc.

TS. Nguyễn Hoàng Long cho biết, ngành Y tế sẽ thực hiện thanh toán phần cùng chi trả thuốc ARV. Hiện nay 25/63 tỉnh, thành phố đã có nguồn ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí hỗ trợ phần cùng chi trả thuốc ARV nguồn BHYT. Các tỉnh còn lại đã có nguồn của dự án Qũy Toàn cầu và chương trình PEPFAR bảo đảm. Do đó, trong thời gian tới sẽ tiếp tục hướng dẫn và đôn đốc các tỉnh bảo đảm và phê duyệt từ nguồn ngân sách địa phương kinh phí hỗ trợ phần cùng chi trả thuốc ARV nguồn BHYT cho năm 2020 và các năm tiếp theo.
Top