Việt Nam đã cứu được gần nửa triệu người khỏi bị nhiễm HIV

22/11/2017 16:59

Đó là khẳng định của bà Marie-Odile Emond, Giám đốc Quốc gia Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam (UNAIDS) tại buổi mít tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1/12) do TP. Hà Nội tổ chức ngày 22/11 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu tại lễ mít tinh. Ảnh: Thùy Chi

Tới dự buổi lễ có GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, thành viên Ủy ban quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy mại dâm; ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm TP.Hà Nội. Đại diện các sở, ban ngành, các quận huyện và đông đảo các tầng lớp tham dự buổi mít tinh.

Đại dịch HIV/AIDS vẫn đang tiếp tục là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế và trật tự an toàn xã hội và tương lai giống nòi của các dân tộc. Theo báo cáo của UNAIDS, cho đến nay thế giới đang có hơn 36,7 triệu người nhiễm HIV hiện còn sống và khoảng 35 triệu người đã tử vong do AIDS kể từ đầu vụ dịch. Ở Việt Nam số liệu báo cáo là hơn 200 nghìn người nhiễm HIV còn sống và hơn 90 nghìn người tử vong vì AIDS kể từ đầu vụ dịch.

Tại Hà Nội, tính đến ngày 30/9, thành Phố phát hiện 20.033 người nhiễm HIV còn sống và 4.683 người đã tử vong do AIDS. Số ca HIV/AIDS không chỉ tập trung trong một số nhóm người có hành vi nguy cơ cao như tiêm chích ma túy, mại dâm..., mà đã xuất hiện ở phụ nữ mang thai, trẻ em, bệnh nhân lao... Hiện nay, Hà Nội đã mở rộng diện sàng lọc HIV tại các xã, phường và kết hợp với các tổ chức phi chính phủ thực hiện xét nghiệm HIV tại cộng đồng. Trong 9 tháng năm 2017, Hà Nội đã phát hiện 982 trường hợp nhiễm HIV, 88 trường hợp tử vong.

Bà Marie-Odile Emond, Giám đốc Quốc gia Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam (UNAIDS)-Ảnh: Thùy Chi

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, trước diễn biến phức tạp của dịch HIV/AIDS, được sự quan tâm chỉ đạo của Thành ủy, Hội đồng nhân dân cùng với nỗ lực của thành phố và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước, thời gian qua, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các cấp, các ngành tích cực tổ chức triển khai các chương trình hành động phòng chống HIV/AIDS; thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 của Chính phủ cùng nhiều hoạt động khác: Xây dựng các mô hình truyền thông, thiết lập các mạng lưới can thiệp, tập trung vào 3 nhóm người có hành vi nguy cơ (người nghiện ma túy, người có hành vi mua/bán dâm, người có quan hệ tình dục đồng giới); thực hiện có hiệu quả chương trình 100% bao cao su, chương trình kim tiêm sạch và chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone... 

Để hưởng ứng Chiến dịch phòng chống AIDS toàn cầu, Ngày thế giới phòng chống AIDS (1/12) và Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2017 với chủ đề "Xét nghiệm HIV sớm - Hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020" (90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng bệnh của mình, 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV, 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp để sống khỏe mạnh và giảm nguy cơ lây truyền HIV sang người khác), Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, cần thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Hà Nội tổ chức Diễu hành hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS. Ảnh: Thùy Chi

Cụ thể, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Lê Hồng Sơn đề nghị các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân Thủ đô tiếp tục nâng cao nhận thức về phòng, chống HIV/AIDS. Tăng cường đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS bằng nguồn ngân sách địa phương, bảo đảm ngân sách hằng năm cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là cung cấp các dịch vụ điều trị bằng thuốc kháng virus cho người nhiễm HIV/AIDS, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone. Mặt khác, cần triển khai chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc chi trả dịch vụ điều trị HIV/AIDS từ Quỹ Bảo hiểm Y tế. 

Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn cho rằng, mỗi nhà lãnh đạo, mỗi tổ chức xã hội, mỗi gia đình, cộng đồng cần tăng cường sự hỗ trợ cho người nhiễm HIV/AIDS, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người bị nhiễm HIVAIDS; tạo điều kiện cho họ chủ động tham gia vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nhằm nâng cao ý thức phòng lây nhiễm cho gia đình và cộng đồng.
Top