Vì sao ngày càng triệt phá được nhiều vụ án có lượng ma túy khủng?

26/04/2019 10:27

Chỉ trong vòng 1 tuần của tháng 4 này, Bộ Công an cùng với Công an TP.HCM, Hà Tĩnh, Nghệ An liên tiếp triệt phá 3 vụ án ma túy “khủng” thu giữ gần 2 tấn ma túy. Điều gì dẫn đến việc hình thành nhiều vụ án ma túy lớn như vậy?

Đại tá Vũ Văn Hậu, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm ma túy, Bộ Công an

Thời gian gần đây, lực lượng công an liên tục triệt phá các đường dây buôn bán ma túy lớn trong đó có những chuyên án có số lượng ma túy lên đến cả tấn khiến dư luận giật mình. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Đại tá Vũ Văn Hậu, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy (Bộ Công an) về vấn đề này.

Thưa Đại tá, những năm trước đây, các vụ án ma túy lớn được triệt phá đa phần là ở các tỉnh biên giới phía Bắc. Nhưng thời gian qua, các vụ án ma túy lớn bị triệt phá lại ở các tỉnh miền Trung và miền Nam, liệu có sự dịch chuyển địa bàn ma túy không?

Đại tá Vũ Văn Hậu: Ngay trong những tháng đầu năm 2019, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy đã phối hợp với các địa phương tấn công quyết liệt, bóc gỡ các đường dây lớn dây ma túy lớn, thu hơn 3,2 tấn ma túy tổng hợp và trên 1.000 bánh heroin. Đây là kỷ lục trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm buôn bán ma túy.

Tuy nhiên, Việt Nam nằm ở địa chính trị phức tạp, gần các trung tâm ma túy lớn như Trăng lưỡi liềm vàng (Lưỡi liềm vàng nằm ở nút giao Trung, Nam và Tây Á, gồm: Afghanistan, Iran và Pakistan - PV), Tam giác vàng (Tam Giác Vàng là khu vực hiểm trở nằm giữa ba nước Lào, Thái Lan, Myanmar - PV)… Khi lực lượng cảnh sát tấn công mạnh khu vực Tây Bắc như Điện Biên, Sơn La thì các băng nhóm chùn tay nhưng không từ bỏ. Khi đánh mạnh khu này, chúng lại chuyển sang khu vực khác.

Qua đấu tranh, Bộ Công an đã phát hiện những đường dây liên vận quốc tế, chủ mưu ở nước ngoài như Myanma, Malaysia, thậm chí là Mỹ. Bộ đã phối hợp với nước bạn Lào với địa phương như Nghệ An tổ chức đợt cao điểm tấn công ma túy trên tuyến Nghệ An, Thanh Hóa và thu được thành công.

Nguồn của ma túy thường được cấp từ khu vực nào, thưa ông?

Đại tá Vũ Văn Hậu: Qua đấu tranh, chúng tôi phát hiện ma túy vào Việt Nam bằng nhiều đường, nhiều nguồn rồi chuyển ra nước ngoài tiêu thụ. Nhưng nguồn lớn nhất là từ khu vực Trăng lưỡi liêm vàng và Tam giác vàng và Việt Nam là một mắt xích trong các đường dây buôn bán ma túy quốc tế.

Ví như các vụ án ma túy vừa bị triệt phá thời gian qua, Bộ Công an đã xác định đây là đường dây lớn, đối tượng chủ mưu là người Trung Quốc đại lục và Đài Loan (Trung Quốc).

Thưa Đại tá, vì sao ngày càng có nhiều vụ án ma túy “khủng” trong khi hình phạt trong Bộ luật Hình sự rất nghiêm khắc cũng như công tác đấu tranh phòng chống ma túy của nước ta đều không khoan nhượng với loại tội phạm này?

Đại tá Vũ Văn Hậu: Bộ luật Hình sự 2015 có 13 điều quy định về tội ma túy với khung hình phạt cao nhất là tử hình. Theo luật hiện hành, nếu mua bán, vận chuyển từ 700g heroin trở lên sẽ bị tử hình. Như vậy, xét về số lượng, việc mua bán vận chuyển 700g heroin (chưa đến 1kg) so với 100kg hoặc thậm chí 1 tấn ma túy thì khung hình phạt là giống nhau. Các đối tượng buôn bán ma túy đều biết rõ hình phạt sẽ được áp dụng như thế nào nếu bị bắt nhưng chúng vẫn tham gia bởi lợi nhuận quá lớn. Hơn nữa, trước đây các vụ án chỉ phát hiện số lượng ít là do mua bán lẻ cho nhu cầu tiêu dùng. Còn hiện nay, các đối tượng đã thiết lập các đường dây ma túy lớn, đường dây ma túy xuyên quốc gia và được tổ chức chặt chẽ. Vì vậy, khi bắt được sẽ thu được số lượng ma túy lớn.

Bên cạnh việc triệt phá các đường dây ma túy lớn thì gần đây, nhiều tụ điểm tổ chức sử dụng ma túy cũng được phát hiện. Rõ ràng, những nơi này đã cuốn nhiều thanh niên vào vòng xoáy của tệ nạn. Vậy, việc theo dõi, triệt phá các tụ điểm ma túy tại các địa phương được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Đại tá Vũ Văn Hậu: Đối với các tụ điểm mua bán ma túy hoặc tổ chức sở dụng ma túy tại các điểm kinh doanh có điều kiện (Bar, vũ trường) ngày càng nhức nhối. Việc quản lý, theo dõi phát hiện, xử lý các tụ điểm này trọng tâm thuộc trách nhiệm các cơ quan chức năng của các tỉnh, thành còn Cục chủ yếu tập trung đấu tranh trực tiếp đối với những tụ điểm nhức nhối, nổi cộm, có dấu hiệu bảo kê. Bên cạnh đó, trong công tác phối hợp, nếu địa phương gặp khó khăn hoặc liên quan đến các các vụ án liên tỉnh, quốc tế thì Cục sẽ vào cuộc hỗ trợ nhưng trách nhiệm chính là của công an các địa phương. Nếu địa phương nào để xảy ra vi phạm hoặc không xử lý được thì cấp ủy, chính quyền phải chịu trách nhiệm toàn bộ, còn Công an địa phương nếu không phát hiện ra thì Bộ Công an sẽ xử lý.

Với lợi nhuận rất lơn từ hoạt động mua bán ma túy mang lại cũng như hình phạt áp dụng đối với tội phạm này rất nghiêm khắc như vậy thì công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy thường gặp những khó khăn gì, thưa ông?

Đại tá Vũ Văn Hậu: Khó khăn nhất với cán bộ, chiến sĩ cảnh sát phòng chống ma túy là địa hình. Các đường dây tội phạm ma túy lớn hầu hết tập trung ở các tuyến biên giới. Đây là khu vực có địa hình phức tạp, đồi núi chênh vênh gây khó khăn cho công tác trinh sát cũng như triển khai lực lượng triệt phá. Vì vậy, tội phạm ma túy đã lợi dụng những yếu tố này tổ chức các hoạt động tập kết, vận chuyển ma túy...

Mặt khác, hiện nay hầu hết các đường dây ma túy lớn đều hoạt động xuyên quốc gia. Việt Nam dù hợp tác quốc tế đã có cố gắng nhưng hiệu quả chưa cao do đặc thù của mỗi nước. Trong khi đó, tội phạm ma túy lại lợi dụng chính sách, sự thông thoáng của nhà nước trong giao thương để phạm tội. Hơn nữa, đường biên giới Việt Nam dài, giáp với các nước có tình hình tội phạm ma túy phức tạp. Đó là chưa kể, khi cơ quan điều tra nghiên cứu các biện pháp đấu tranh ngăn chặn tội phạm ma túy thì các đối tượng mua bán ma túy cũng nghiên cứu lại các biện pháp đấu tranh của mình để tìm cách đối phó.

Để nâng cao hiệu quả phòng chống tội phạm ma túy thì cần những giải pháp gì, thưa ông?

Đại tá Vũ Văn Hậu: Để đạt được hiệu quả cao hơn thì phải đấu tranh giảm cung, giảm cầu và giảm hại.

Về giảm cung, Bộ sẽ phối hợp ngăn chặn nguồn ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam, chặt đứt đường dây tái trồng cây thuốc phiện.

Về giảm hại, hiện công tác cai nghiện và sử dụng methadone đang thực hiện cho kết quả tốt nhưng cần phải tiếp tục nâng cao hơn nữa.

Về giảm cầu, đây là vấn đề khó phải cần vào cuộc của cả xã hội chứ không chỉ riêng ngành công an. Mỗi người  dân phải hiểu được tác hại ghê gớm của ma túy, tạo "đề kháng" với ma túy, không sa vào lạm dụng, sử dụng ma túy. Gia đình luôn chăm lo, quản lý, giáo dục, động viên con em không sa vào ma túy. Khi cả xã hội đều vào cuộc đấu tranh với loại tội phạm và tệ nạn này thì việc ngăn chặn, đẩy lùi ma túy trong đời sống xã hội mới có hiệu quả bền vững.

Xin trân trọng cảm ơn Đại tá!

Top