Vì sao bệnh nhân HIV chưa “mặn mà” với BHYT ?

22/12/2014 16:30

Nhiều ý kiến cho rằng, người nhiễm HIV không “mặn mà” với BHYT bởi phần lớn họ do hoàn cảnh khó khăn, không có hộ khẩu, đồng thời cũng chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của BHYT.

Thăm khám bệnh nhân HIV/AIDS tại TPHCM.

Trong bối cảnh nguồn tài trợ nước ngoài dành cho công tác phòng chống HIV/AIDS ngày càng cắt giảm, bảo hiểm y tế (BHYT) được coi là một trong những giải pháp cấp bách để duy trì điều trị bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS.

Tuy nhiên, sau 1 năm thí điểm tại TPHCM, chương trình BHYT đang gặp phải một số khó khăn vướng mắc khi lượng bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS tham gia bảo hiểm còn hạn chế; số bệnh nhân nhiễm HIV đăng ký BHYT chỉ ở mức 35%.

Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Trưởng trạm y tế phường 16 (quận 8, TPHCM) cho hay, rất hiếm bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS đến điều trị bằng BHYT. Từ năm 2013, đơn vị đã triển khai khám chữa bệnh bằng BHYT cho người nhiễm HIV nhưng theo thống kê chỉ có một vài trường hợp sử dụng thẻ BHYT khi đến khám và điều trị.

Tương tự tại quận Thủ Đức - đơn vị triển khai BHYT cho người nhiễm HIV tại 11 trạm y tế trên địa bàn, đến nay cũng chỉ 30 - 50% số bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS tại mỗi trạm y tế tham gia BHYT và 70% trong số đó sử dụng dịch vụ và được BHYT chi trả. Như vậy, theo thống kê có khoảng 700/21.000 bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS của quận 8 và quận Thủ Đức (2 quận thí điểm thí điểm BHYT cho bệnh nhân HIV) tham gia BHYT.

Lý giải nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này nhiều ý kiến cho rằng, người nhiễm HIV không mặn mà với thẻ BHYT bởi phần lớn họ do hoàn cảnh khó khăn, không có hộ khẩu, đồng thời cũng chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của BHYT.

Ông Trần Hưng Phong, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự Phòng quận 8 khẳng định, nguyên nhân dẫn đến việc khám và điều trị cho bệnh nhân HVI/AIDS kém hiệu quả vì trạm y tế thiếu thuốc điều trị, thiếu trang thiết bị hiện đại và đội ngũ bác sĩ chuyên sâu; bên cạnh đó, do sợ bị lộ danh tính khi tới trạm y tế điều trị nên đa số người nhiễm HIV đến các phòng khám ngoại trú khám và điều trị bệnh. Trong khi tại các phòng khám ngoại trú này lại không được ký BHYT.

Thực tế cho thấy, nếu áp dụng BHYT trong khám và điều trị bệnh bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS sẽ giảm được một khoản chi phí đáng kể. Cụ thể, điều trị ở phác đồ 1 nếu tính ra thì một tháng cũng phải hết khoảng gần 1 triệu tiền thuốc và các xét nghiệm. Còn đối với những người nhiễm HIV điều trị ở phác đồ bậc 2 thì chi phí lên tới 3 - 4 triệu đồng/tháng.

Đặc biệt, hiện nay nguồn tài trợ của nước ngoài đối với bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS bị cắt giảm đáng kể nên một số dịch vụ bệnh nhân phải trả bình thường nếu không có BHYT. Trong trường hợp có thẻ BHYT, bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS được sử dụng các dịch vụ khám bệnh, xét nghiệm chẩn đoán HIV, thuốc điều trị kháng HIV, các bệnh nhiễm trùng cơ hội... Bên cạnh đó, người nhiễm HIV/AIDS còn được BHYT chi trả cho các dịch vụ khám và điều trị như những bệnh nhân bình thường khác.

Theo các chuyên gia y tế, để người nhiễm HIV thực sự được tiếp cận với BHYT cơ quan quản lý nhà nước cần hoàn thiện hệ thống hướng dẫn thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT đối với người nhiễm HIV/AIDS. Đồng thời, củng cố hệ thống tổ chức dịch vụ điều trị HIV/AIDS đặt tại các bệnh viện nhằm hỗ trợ người nhiễm HIV. Điều quan trọng nhất, phải tập trung tuyên truyền chính sách BHYT cho người nhiễm HIV để họ nhận thức được tầm quan trọng khi tham gia BHYT.

Top