UNODC và các nước tiểu vùng Mekong hợp tác chống tội phạm ma túy

19/11/2019 11:05

Văn phòng Liên Hợp Quốc về ma túy và tội phạm (UNODC) và các nước tiểu vùng Mekong mở rộng (gồm Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar và Trung Quốc) 5 quốc gia Đông Nam Á cùng với Trung Quốc đã nhất trí cải thiện hoạt động chia sẻ thông tin tình báo và các chiến dịch của cơ quan bảo vệ pháp luật nhằm triệt phá các tổ chức tội phạm ma túy xuyên quốc gia trong khu vực.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Ngày 15/11, tại Bangkok, Thái Lan, đã diễn ra Hội nghị cấp Bộ trưởng các nước thành viên Bản Thỏa thuận về hợp tác phòng, chống ma túy Tiểu vùng sông Mekong năm 1993.

Thông tin Hội nghị cho thấy khu vực Tam giác Vàng - gồm miền Bắc Myanmar và một phần của Thái Lan và Lào - từ lâu đã là một điểm nóng về sản xuất và buôn bán ma túy. Trong khi việc trồng cây thuốc phiện và sản xuất heroin đã có xu hướng giảm trong nhiều thập kỷ qua, khu vực này hiện vẫn là địa bàn chính của các tổ chức buôn bán ma túy ở châu Á - Thái Bình Dương. UNODC ước tính trong năm ngoái, các băng nhóm tội phạm tại đây đã buôn bán lượng ma túy tổng hợp lên tới 61,4 tỷ USD, tăng mạnh với con số ước tính 15 tỷ USD cách đây 5 năm.

Thủ đoạn cất giấu và vận chuyển ma túy của các tổ chức tội phạm ma túy xuyên quốc gia tại Đông Nam Á ngày càng tinh vi. Chúng thường xuyên thay đổi lộ trình và cách thức giấu ma túy để qua mặt lực lượng chức năng. Đơn cử như băng nhóm Sam Gor đã vận chuyển trót lọt hàng tấn ma túy từ khu vực Tam giác Vàng đến nhiều nước khác nhau như Nhật Bản, New Zealand... Tiền thu được từ buôn bán ma túy cũng nhanh chóng được hợp pháp hóa dưới các khoản đầu tư làm ăn, kinh doanh tại nhiều nước khu vực Mekong.

"Việc tiếp tục mở rộng buôn bán ma túy tổng hợp ở khu vực sông Mê Kông không chỉ đơn giản là một cuộc khủng hoảng đối với chính khu vực, mà giờ đây nó là một vấn đề quốc tế. Tội phạm có tổ chức đã chứng minh rằng chúng có thể duy trì sản xuất ma tuý ngay cả khi các phòng thí nghiệm bị tịch thu và tiền chất mới có thể được sử dụng khi những thứ khác không có sẵn", Giám đốc UNODC khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương Jeremy Douglas lưu ý.

Tại Hội nghị, thay mặt Đoàn đại biểu Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương đã có bài phát biểu quan trọng chia sẻ thông tin, hình hình và nỗ lực công tác phòng, chống ma túy tại Việt Nam và khuyến nghị phương hướng hợp tác thời gian tới, trong đó nhấn mạnh các nước thành viên tiếp tục củng cố và đẩy mạnh thực hiện các nội dung trong cơ chế hợp tác song phương, đa phương hiện nay về phòng, chống ma túy.

Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung Bangkok về vấn đề ma túy và thông qua “Kế hoạch hành động tiểu vùng lần thứ XI” thể hiện quyết tâm của các nước ở tiểu vùng trong việc chung tay giải quyết vấn đề ma túy.

Theo đó, 6 nước tiểu vùng đã hợp và nhất trí chia sẻ thông tin tình báo thường xuyên hơn; phối hợp tốt hơn để tiến hành các cuộc điều tra xuyên biên giới cũng như triển khai Chiến dịch cao điểm đồng loạt tấn công trấn áp tội phạm trên tuyến biên giới 6 nước trong cùng thời điểm. Dự kiến chiến dịch sẽ diễn ra trong 3 tháng, bắt đầu từ cuối tháng 12/2019.

Ngoài ra, các nước cũng nhất trí phối hợp cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục phòng ngừa, phát hiện và thu giữ các loại hóa chất đang được sử dụng như tiền chất ma túy.

Top