Tuyên chiến với nạn quấy rối tình dục tại các nhà máy

21/09/2018 10:00

Trong năm 2018, Chương trình Better Work Việt Nam, một sáng kiến chung của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới), đã công bố một chiến lược giới 5 năm toàn diện để trao quyền cho phụ nữ, giảm thiểu nạn quấy rối tình dục cũng như chênh lệch về tiền lương theo giới trong ngành dệt may.

Ảnh minh họa. Nguồn internet

Chiến lược mới này nhằm thúc đẩy trao quyền kinh tế của phụ nữ thông qua những sáng kiến có mục tiêu trong các nhà máy dệt may và thông qua việc tăng cường những chính sách và thông lệ ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế.

Theo ILO, tại Việt Nam, mặc dù phát triển kinh tế đã cách mạng hóa những tiêu chuẩn ba thế hệ sống chung dưới một mái nhà, những thách thức vẫn còn tồn tại, đặc trưng bởi những câu tục ngữ phổ biến của Việt Nam như: “làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu”.

Những giả định nguy hiểm coi phụ nữ là những mục tiêu chính đáng và tự nhiên gây chú ý về tình dục không mong muốn vẫn còn phổ biến trong xã hội, trong khi đó nạn nhân lại thường bị đổ lỗi.

Mặc dù Việt Nam chưa có những số liệu chính thức về quấy rối tình dục tại nơi làm việc, theo một cuộc khảo sát do Văn phòng ILO tại Việt Nam thực hiện vào năm 2015, 17% trong số 150 ứng viên cho các vị trí quản lý tầm trung được phỏng vấn cho biết bản thân họ hay ai đó ở nơi làm việc mà họ biết đã bị cấp trên “đề nghị trao đổi tình dục để đổi lấy một số lợi ích khác tại nơi làm việc”

CARE, một tổ chức quốc tế hoạt động nhằm ngăn chặn bạo lực về giới có trụ sở tại Hà Nội, cho biết 78% nạn nhân của nạn quấy rối tình dục tại nơi làm việc là phụ nữ.

Những cuộc điện thoại tục tĩu, tin nhắn khiêu dâm, bình phẩm về tình dục, quan tâm tình dục không mong muốn, nhìn chằm chằm, trực tiếp đề nghị quan hệ tình dục tại nơi làm việc hay bên ngoài và rình rập là những hành vi quấy rối mà lao động nữ thường xuyên gặp phải.

Các doanh nghiệp sản xuất nước ngoài và trong nước đầu tư lớn vào ngành dệt may trong nước, hiện là nước xuất khẩu dệt may sang Hoa Kỳ lớn thứ hai sau Trung Quốc. Cùng với uy tín lớn về mức độ hiệu quả, khoảng 6.000 nhà máy của Việt Nam đem lại những hệ thống sản xuất được thiết lập tốt và nhân viên làm việc hiệu quả hàng đầu.

Nhưng trong một ngành mà phụ nữ chiếm đa số với khoảng 3,5 triệu lao động mà chỉ có một số ít phụ nữ ở vị trí quản lý, vẫn còn hiếm có những khiếu nại về quấy rối tình dục.

Một nghiên cứu về quấy rối tình dục tại nơi làm việc do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và ILO thực hiện cho thấy nỗi sợ bị trả thù khiến cho nạn nhân không dám lên tiếng tố cáo, chưa nói đến báo cáo sự việc một cách chính thức.

“Nhóm của chúng tôi đã nghe rất nhiều câu chuyện trong quá trình tư vấn tại nhà máy nhưng người lao động e ngại không dám báo cáo”, ông David Williams, Cán bộ Kỹ thuật của Chương trình Better Work Việt Nam (Chương trình Việc làm tốt hơn)  cho biết. “Phụ nữ thiếu kiến thức về quyền lợi của họ cũng như những quy trình thủ tục mà họ cần thực hiện ở cấp nhà máy để xử lý những sự vụ như vậy”.

Kể từ giai đoạn khởi động, Chương trình Better Work Việt Nam đã hỗ trợ hơn 530 nhà máy với tổng số lao động là 738.000 người – hơn một phần tư tổng số lao động trong toàn ngành. 80% lao động là nữ. Mặc dù hầu hết các nhà máy hợp tác với Chương trình Better Work Việt Nam có nội quy và chính sách về quấy rối tình dục, những quy định này thường chỉ tồn tại trên giấy tờ trong khi người lao động thậm chí là quản lý cấp cao cũng thường không biết đến sự tồn tại của chúng.

Một định nghĩa mang tính pháp lý không rõ ràng về quấy rối tình dục khiến vấn đề này càng phức tạp hơn. Để người sử dụng lao động có cơ hội hiểu rõ hơn về vấn đề này và xây dựng các chính sách thực tế hơn, ILO và các tổ chức quốc tế khác đang thúc đẩy  để Việt Nam có thể đưa ra một định nghĩa cụ thể hơn về quấy rối tình dục trong Bộ luật Lao động.

Bà Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc Chương trình Better Work Việt Nam, cho biết: “Chương trình Better Work Việt Nam cùng với các chương trình khác của ILO và các đối tác quốc gia của chúng tôi đã xây dựng những hướng dẫn dành cho người sử dụng lao động về quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Điều mà chúng tôi cần hiện giờ là làm việc với các nhà máy để biến những hướng dẫn này thành những chính sách và hành động thực tế, đồng thời cũng giúp người lao động hiểu được quyền của họ và lên tiếng tố cáo khi họ bị quấy rối”.

Top