Từ vụ nữ sinh Ngân hàng bị sát hại: Cảnh báo về ma túy

27/10/2020 17:51

Mới đây, vụ án nữ sinh trường Học viên Ngân hàng bị sát hại lại gióng lên một hồi chuông cảnh báo về tác hại của ma túy làm trầm trọng thêm tình hình tội phạm và việc quản lý người nghiện tại cộng đồng.

Nghi phạm chính Nguyễn Xuân Trung

Hai nghi phạm bị bắt giữ là Nguyễn Xuân Trung (SN 1985, trú tại xã Văn Phú, huyện Thường Tín) và Nguyễn Văn Quân (SN 1983, trú tại xã Quất Động, huyện Thường Tín). Cả hai đều nghiện ma túy.

Lời khai ban đầu của Nguyễn Xuân Trung thể hiện, chiều 23/10, Trung rủ Quân đi trộm cắp tài sản. Sau khi lấy được bộ cốp pha của 1 công trình xây dựng tại xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, hai tên gian đi tìm nơi tiêu thụ. Trên đường đi, Trung trông thấy em Hiền đang đứng gần bờ sông Nhuệ, ngồi trên xe đạp điện nghe điện thoại di động. Lập tức, Nguyễn Xuân Trung quay lại, bàn bạc với đối tượng Quân việc cướp điện thoại, xe đạp điện của nữ sinh tội nghiệp. Chính tên Trung đã đẩy nạn nhân xuống sông để thực hiện đến cùng hành vi tàn ác.

Thực tế, trong thời gian qua, rất nhiều các vụ án đặc biệt nghiêm trọng do các đối tượng nghiện ma túy gây ra, điển hình như vụ án nữ sinh giao gà chấn động năm 2019. Có thể nói ma túy khiến các đối tượng mất nhân tính, là nguyên nhân của các loại tội phạm, gây phức tạp tình hình an ninh trật tự.

Người sử dụng, nghiện ma túy thường gắn với hành vi phạm tội

Theo Bộ Công an, thời gian qua do chưa có cơ chế quản lý người sử dụng trái phép ma túy, nhất là từ khi Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) có hiệu lực, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy không bị xử lý hình sự nên tình hình sử dụng trái phép chất ma túy có xu hướng gia tăng.

Trong giai đoạn từ năm 2009 - 2018, trên phạm vi cả nước có 365.293 người sử dụng trái phép chất ma túy, trong số này có 56.122 người vi phạm pháp luật, phạm tội chiếm tỷ lệ 15,36%, có 5.337 người gây bất ổn về an ninh, trật tự trên địa bàn chiếm tỷ lệ 1,46%, có 27.655 người đang chấp hành án tại các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ chiếm tỷ lệ 7.57%.

Đây là bức tranh tương đối toàn diện về tình hình người sử dụng ma túy ảnh hưởng như thế nào đối với an ninh, trật tự đối với các địa phương, đặc biệt vấn đề này gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận quần chúng nhân dân thời qua.

Đối với người nghiện, kết quả khảo sát, thống kê của lực lượng Công an cho thấy, năm 2009 cả nước có 146.731 người nghiện có hồ sơ quản lý, đến tháng 12/2019 cả nước có 235.314 người nghiện có hồ sơ quản lý (tăng 60%).

Tuy nhiên, con số thực tế còn lớn hơn rất nhiều. Số người nghiện, nghi nghiện cao và hiện chủ yếu đang ở ngoài xã hội.

Người sử dụng ma túy, người nghiện chính là những nguyên nhân gây mất an ninh, trật tự, phát sinh nhiều loại tội phạm khác như: giết người, cướp, trộm cắp, hủy hoại tài sản, cố ý gây thương tích.... và làm gia tăng nguồn “cầu” về ma túy.

Theo thống kê của Công an TPHCM, có từ 35% đến 40% tội phạm bị bắt giữ có sử dụng ma túy, trong đó 50 % đến 60% tội phạm cướp giật bị bắt có sử dụng ma túy.

Thiếu tướng Phan Anh Minh, nguyên Phó giám đốc, thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM cho rằng, trong tương tác tội phạm, tệ nạn ma túy và tình hình an ninh trật tự, thì thành tố người nghiện là thành tố trung tâm, chủ lực và nguy hiểm nhất. Năm 2008 và 2013 có tỷ lệ phạm pháp hình sự trên địa bàn Thành phố cao nhất và khi soi lại nguyên nhân thì thấy rằng đây là lúc Nghị quyết 16/2008 về quản lý sau cai nghiện và Luật Xử lý vi phạm hành chính gây tồn đọng, số người nghiện trong cộng đồng không đưa đi cai được thì phạm pháp hình sự ngay lập tức gia tăng.

Trong khi đó, công tác cai nghiện vẫn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ tái nghiện sau khi cai nghiện vẫn ở mức cao. Từ khi thực hiện Đề án Đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 nhằm nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện vào năm 2013 đến nay, tỷ lệ người tái nghiện sau khi cai nghiện bắt buộc đã giảm nhưng vẫn ở mức cao từ 70% đến 80%.

Theo báo cáo của Hà Nội, tỷ lệ tái nghiện sau 6 tháng, 1 năm, 3 năm ngày càng tăng, đến năm thứ 4, thì không còn tìm thấy người nào … chưa tái nghiện!. Thực tế này cho thấy công tác cai nghiện đang gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt là chính sách cho người nghiện tái hòa nhập cộng đồng.

Ông Phùng Quang Thức, Chi Cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở LĐTB&XH TP. Hà Nội) cho rằng, những chính sách cho những người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng được học nghề, được tìm kiếm việc làm và có những việc làm ổn định trong tổ chức, trong doanh nghiệp, trong những cơ sở kinh tế, hầu như cho đến bây giờ trên thực tế chưa được thực hiện hiệu quả. Làm sao để thu hút các doanh nghiệp, cơ sở kinh tế người ta tiếp nhận người sau cai nghiện vào làm việc vẫn là vấn đề khó khăn.

Như vậy, số người nghiện ma túy chưa giảm theo các mục tiêu, yêu cầu đề ra; việc cai nghiện ma túy chưa đạt hiệu quả cao, tỷ lệ tái nghiện còn cao… vẫn đang là những vấn đề nhức nhối đặt ra cho công tác quản lý nhà nước hiện nay.

Theo Thượng tá Ngô Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an, dự báo trong những năm tới, tình hình tội phạm và nạn nghiện hút ma túy ở nước ta vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường do áp lực của tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy trên thế giới cùng các nước trong khu vực luôn gia tăng. Điều này tác động tiêu cực đến an ninh, trật tự, cũng như hậu quả gây ra đối với xã hội.

Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi nền kinh tế trong nước từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ kéo theo quá trình đô thị hóa, dịch chuyển lao động và quá trình “thành thị hóa” thanh niên nông thôn, cũng như sự phát triển nhanh chóng các loại hình dịch vụ nhạy cảm (vũ trường, quán bar, nhà hàng, karaoke..) sẽ tác động, lôi kéo người trẻ sử dụng trái phép chất ma túy, gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm cho xã hội.

Do vậy, bên cạnh quy định về quản lý người nghiện ma túy như hiện nay thì cần phải có cơ chế để quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, từ đó phòng ngừa, ngăn chặn hậu quả của việc sử dụng trái phép chất ma túy gây ra cho xã hội.

Hiện Bộ Công an đang tham mưu xây dựng, sửa đổi, bổ sung Luật phòng chống ma túy năm 2000, trong đó bổ sung nội dung quan trọng về quản lý người sử dụng ma túy, người nghiện để tạo cơ sở pháp lý nâng cao hiệu quả công tác này.

Ngoài ra, tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại của ma túy, nhất là ma túy tổng hợp đối với thanh, thiếu niên. Tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể cùng phối hợp tham gia công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phát hiện, tố giác tội phạm và tệ nạn ma túy; cảm hóa, quản lý, giáo dục người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư; quản lý, giáo dục con em không tham gia vào tệ nạn ma túy; tham gia công tác cai nghiệm và quản lý sau cai, giúp đỡ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng; phối hợp với các ngành chức năng (Lao động, Thương binh và Xã hội, Y tế…) tiếp tục nghiên cứu các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện và quản lý sau cai, góp phần làm giảm số người nghiện hiện nay.
Top