Trung tâm cai nghiện tư nhân giúp người lạc lối ở Afghanistan

15/01/2019 19:37

Nhiều người coi Laila Haidari, 40 tuổi như tội phạm mặc dù cô chưa bao giờ phạm tội. Cô điều hành trung tâm cai nghiện ma túy tư nhân đầu tiên ở Afghanistan. “Những người nghiện đến trung tâm của chúng tôi thường bị coi là tội phạm nguy hiểm và vì thế, tôi cũng bị coi là tội phạm”, Laila Haidari nói.

Nhiều người nghiện sống dưới cây cầu Pul-e Sokhta ở phía Tây Kabul, Afghanistan

Giúp cai nghiện cho gần 4.800 người

Trại cai nghiện có tên là “Mother Camp”, nằm ở Kabul. Cái tên này do những người cai nghiện ma túy đầu tiên tại trung tâm đặt. “Tôi đã chăm sóc họ chu đáo. Dọn dẹp phòng ở,  nấu ăn cho họ mỗi ngày. Sợi dây tình cảm ngày càng gắn kết và họ gọi tôi là mẹ”, Haidari nói.

Bất chấp sự phản đối và những lời đe dọa đến tính mạng, Haidari vẫn quyết tâm mở trung tâm cai nghiện ma túy tư nhân 8 năm trước đây. Cô đã sử dụng toàn bộ tiền tiết kiệm của mình để thuê đất mở trung tâm cai nghiện. Đồ nội thất và nhiều vật dụng trong trại do người thân và bạn bè của Haidari tặng.
 
 “Tôi quyết định mở trung tâm cai nghiện sau khi chứng kiến anh trai mình rơi vào cảnh nghiện ngập. Tôi đã chăm sóc và giúp anh trai bình phục trong một thời gian ngắn. Anh ấy xứng đáng được giúp đỡ vì đó là người đàn ông tốt. Nhiều người nghiện là người tốt bị lầm đường, lạc lối. Họ xứng đáng được trao cơ hội thứ hai”, Haidari nói.

Afghanistan là nơi sản xuất thuốc phiện lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 80% lượng thuốc phiện thế giới. Tháng 11-2017, một báo cáo của Liên hợp quốc cho biết, sản lượng thuốc phiện được sản xuất tại Afghanistan đã tăng 87% so với 12 tháng trước đó. Đây là mức tăng cao kỷ lục, bất chấp nỗ lực của Mỹ trong việc ngăn chặn nạn sản xuất ma túy trong gần 2 thập kỷ qua.

Đến nay, Mother Camp đã giúp cai nghiện cho gần 4.800 người Afghanistan. Chỉ tính riêng trong năm 2018, Mother Camp đã tiếp nhận 117 người nghiện mới. Hầu hết trong số họ sống dưới cây cầu Pul-e-Sokhta - nơi được biết đến với cộng đồng vô gia cư khá đông ở Kabul, Afghanistan. Mother Camp có sức chứa 25 người trong cùng một thời điểm. Tuy nhiên, trại cai nghiện luôn trong tình trạng quá tải, lên đến 40 người.

Haidari cho biết, cô và các cộng sự của mình luôn cố gắng theo dõi các học viên của trung tâm sau cai nghiện. Tuy nhiên, phần lớn người nghiện vô gia cư nên việc theo dõi không dễ dàng. Khoảng 20% những người rời khỏi trung tâm sẽ “biến mất khỏi màn hình radar”, trong khi đó, một số người tái nghiện và quay trở lại.
 
Mỗi người nghiện thường ở lại trung tâm từ 30 đến 40 ngày. Khi đến Mother Camp, họ sẽ nhận được sự giúp đỡ của các tình nguyện viên. Người nghiện được khuyến khích tham gia hoạt động nhóm, các cuộc họp và nhiều hoạt động khác để quên đi cơn nghiện.

Khó khăn chồng chất

Haidari chia sẻ, một trong những khó khăn lớn nhất của trung tâm là kinh phí điều hành. Mother Camp cần từ 1.500 đến 3.000 USD/tháng để duy trì hoạt động, tùy thuộc vào số lượng học viên. Chi phí này do Haidari và gia đình, bạn bè cô chi trả. Cô chưa bao giờ nhận tiền từ Chính phủ hoặc các tổ chức quốc tế. Ở Afghanistan, người nghiện ma túy bị coi là gây phiền toái. Các quỹ từ thiện giúp người nghiện không nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân.

Khó khăn nhất là những năm đầu tiên, Haidari đã chi tất cả tiền tiết kiệm của mình cho dự án này. Để giải quyết bài toán kinh phí, năm 2011, Haidari quyết định mở một nhà hàng có tên là “Taj Begum” với ý nghĩa “Vương miện của nữ hoàng”. Tất cả các hoạt động của nhà hàng đều do học viên của trung tâm đảm nhận. Haidari từng lo lắng rằng, không ai ghé thăm nhà hàng của những học viên cai nghiện. Tuy nhiên, đã có nhiều khách đến Taj Begum, chủ yếu là những người Afghanistan trẻ tuổi, có học thức, sẵn sàng hỗ trợ công việc của trung tâm.

Haidari chia sẻ, có những người nói rằng, cô đang tạo ra giá trị vô đạo đức. Một số người nói rằng, cô điều hành một nhà thổ, thậm chí có cả những lời đe dọa về cái chết. Bất chấp những mối đe dọa và chỉ trích, Haidari vẫn quyết tâm theo đuổi con đường mà mình đã chọn. “Đơn giản là họ xứng đáng được cứu thoát khỏi ma túy”, Haidari nói.

Người dân Afghanistan trở thành nạn nhân tồi tệ nhất của cuộc chiến chống ma túy thất bại. Kết quả khảo sát về tình trạng sử dụng ma túy ở Afghanistan vào năm 2015 cho hay, có khoảng 2,9 triệu người nghiện tại quốc gia 35 triệu người này. Các trung tâm cai nghiện do Chính phủ điều hành không thể đáp ứng nhu cầu thực tế. Có 115 trung tâm cai nghiện ở Afghanistan, trong đó tại Kabul có 27 trung tâm, tất cả đều quá tải.

Top