Trong 5 năm, khởi tố hơn 1.000 vụ án mua bán người

24/09/2018 13:00

Tội phạm mua bán người là loại tội phạm có độ ẩn cao, tồn tại dưới dạng nguy cơ và có khả năng xảy ra trên các địa bàn như khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc ít người… Mua bán người ở nước ta xảy ra dưới hai dạng là mua bán trong nước (từ nông thôn ra thành thị) và mua bán ra nước ngoài (chiếm trên 85% số vụ).

Theo thống kê của Bộ Công an tổng hợp số liệu từ 54/63 địa phương, từ năm 2012-2017, có 37 địa phương tiếp nhận 1.049 tin báo, tố giác tội phạm liên quan đến mua bán người, 100% tin báo, tố giác đã được xác minh, xử lý; trong đó đã kết thúc xác minh, xử lý 1.014 tin báo, tố giác (96,7%), đang tiếp tục giải quyết 35 tin báo, tố giác (3,3%).

Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố 1.021 vụ án, 2.035 bị can (chiếm 97,3% số tin báo, tố giác đã tiếp nhận, xử lý); kết luận điều tra chuyển Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đề nghị truy tố 812 vụ, 1.821 bị can, đạt tỷ lệ 79,5% số vụ, 89,5% số bị can; tạm đình chỉ điều tra 30 vụ án, 94 bị can (do hết thời hạn điều tra, bị can trốn chưa bắt được, đã ra quyết định truy nã)…; phục hồi điều tra 21 vụ, 33 bị can. Lý do: Bắt được bị can truy nã bỏ trốn. Số bị can bỏ trốn, truy nã: 160 (trong đó bắt được 92, chưa bắt được 68).

Trong 5 năm, Bộ Công an tiếp nhận hàng nghìn tin báo, tố giác tội phạm mua bán người. Ảnh minh họa

Tình hình, diễn biến tội phạm mua bán người

Trên thực tế, tội phạm mua bán người đã phát hiện xảy ra, có dấu hiệu xảy ra ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Nước ta không những là nơi xuất phát tội phạm nguồn mà còn là địa bàn trung chuyển mua bán người từ một số nước khác trong khu vực đi nước thứ ba. Mua bán người ở nước ta xảy ra dưới hai dạng là mua bán trong nước và mua bán người ra nước ngoài.

Tuy chưa có số liệu khảo sát cụ thể nhưng đã phát hiện, điều tra các vụ lừa bán nạn nhân từ nông thôn ra thành thị bán vào nhà hàng, quán karaoke, café trá hình hoặc massage ở các khu du lịch, khu công nghiệp hoặc ven tuyến quốc lộ để tổ chức hoạt động mại dâm, cưỡng bức lao động trên tàu cá hoạt động trên biển.

Việc mua bán người ra nước ngoài chiếm trên 85% số vụ mua bán người, tập trung chủ yếu qua các tuyến biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc, Campuchia, Lào, trong đó sang Trung Quốc chiếm trên 75%, sang Lào và Campuchia chiếm khoảng 11%, còn lại là mua bán người sang một số nước khác như Thái Lan, Malaysia, Nga… bằng đường bộ, đường không và đường biển.

Những năm gần đây, tình hình tội phạm mua bán người có chiều hướng phức tạp hơn khi xuất hiện đường dây mua bán người nước ngoài qua Việt Nam đi nước thứ 3 (do đối tượng người Việt Nam chủ mưu, cầm đầu) và tình trạng người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam hợp pháp hoặc bất hợp pháp, sau đó được tổ chức mua bán sang nước thứ 3.

Theo báo cáo từ địa phương, ngày 05/02/2018, Biên phòng An Giang bắt 01 đối tượng câu kết với các đối tượng khác ở Lạng Sơn lừa bán 2 phụ nữ Campuchia sang Trung Quốc. Cũng trong tháng 02/2018, Biên phòng Cao Bằng phát hiện 11 phụ nữ Indonesia nhập cảnh Việt Nam diện miễn thị thực đang được 2 đối tượng tổ chức xuất cảnh sang Trung Quốc lao động trái phép, nghi bị mua bán. Ngày 29/4/2018, Công an Tây Ninh bắt quả tang 02 đối tượng là chị em ruột cùng trú tại Gò Dầu (Tây Ninh) khi đang đưa 06 phụ nữ Campuchia sang Trung Quốc bán làm vợ người dân bản địa; 2 đối tượng khai nhận đã lừa bán trót lọt 6 nạn nhân khác.

1.001 thủ đoạn lừa gạt, lợi dụng chính sách

Phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức, có sự câu kết chặt chẽ giữa người mua và người bán, môi giới, dẫn dắt, hình thành các đường dây tội phạm liên tỉnh và xuyên quốc gia. Tuy nhiên, khác với trước đây, khâu tiếp cận và làm quen với nạn nhân thay vì trực tiếp thì hiện nay xu hướng ngày càng nhiều đối tượng phạm tội thông qua các trang mạng xã hội và điện thoại thông minh để tiếp cận nạn nhân, hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp với nạn nhân nên công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn của các lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn.

Các đối tượng thường liên lạc, làm quen, kết bạn với nạn nhân qua mạng xã hội (do tính bảo mật cao, khó bị phát hiện, đảm bảo được bí mật thông tin cá nhân, đặc điểm nhận dạng…), sau đó nhờ các đối tượng quen biết trên địa bàn đưa dẫn hoặc qua điện thoại trực tiếp điều nạn nhân đến khu vực biên giới bán ra nước ngoài.

Có đối tượng tìm đến các phiên chợ vùng cao, cổng trường học, nhất là trường dân tộc nội trú khu vực biên giới để tiếp cận, làm quen với phụ nữ, học sinh, xin số điện thoại, kết bạn qua zalo, facebook, tán tỉnh, giả vờ yêu đương, rủ rê đi chơi, du lịch, mua sắm, đi làm thuê thu nhập cao, lừa các em gái ở các tỉnh đưa về thành phố bán vào nhà hàng, quán karaoke, massage ở các khu du lịch, khu công nghiệp hoặc ven tuyến quốc lộ để tổ chức hoạt động mại dâm, cưỡng bức lao động, cho vay lãi nặng hoặc móc nối với đối tượng người nước ngoài đưa nạn nhân qua biên giới bán sâu vào nội địa.

Có loại tội phạm lợi dụng sơ hở của pháp luật trong tư vấn, môi giới hôn nhân với người nước ngoài (thủ tục đơn giản)… các đối tượng tổ chức xem mặt, chọn vợ, tuyển lựa, dụ dỗ, lôi kéo các cô gái có hoàn cảnh gia đình khó khăn để môi giới lấy chồng nước ngoài hoặc xuất khẩu lao động đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao dưới hình thức du lịch hợp pháp, sau đó ở lại làm việc hoặc kết hôn với người dân bản địa hoặc lừa bán. Đặc biệt, có nhóm đối tượng còn thực hiện hành vi môi giới nhận trẻ em mới sinh làm con nuôi không làm thủ tục theo quy định của pháp luật để bán ra nước ngoài.

BĐBP Việt Nam tiếp nhận nạn nhân bị mua bán từ Trung Quốc trở về. Ảnh: CAND

Một số đối tượng giả danh lực lượng chức năng để lừa gạt, cưỡng ép nạn nhân. Đối tượng người Việt Nam dùng tên, hình ảnh đại diện giả trên facebook mặc lễ phục Bộ đội Biên phòng để làm quen, kết bạn và lừa bán nạn nhân; đối tượng người Trung Quốc giả danh Công an, Biên phòng Trung Quốc trà trộn kiểm tra, kiểm soát, theo dõi người qua lại biên giới, khi phát hiện phụ nữ Việt Nam đi lao động, thăm thân, đi chợ buôn bán,… hoặc phụ nữ, trẻ em làm nương, cắt cỏ ở khu vực giáp biên… thì yêu cầu kiểm tra giấy tờ, vờ cho đi nhờ xe, cưỡng ép hoặc manh động bắt cóc đưa sâu vào nội địa bán.

Lợi dụng chính sách mở, thông thoáng trong thủ tục xuất nhập cảnh, việc cấp hộ chiếu công dân và giấy thông hành qua biên giới thuận lợi, một số nước miễn thị thực…các đối tượng nước ngoài vào Việt Nam câu kết với đối tượng cò mồi, môi giới tổ chức nhiều vụ đưa người trái phép ra nước ngoài dưới dạng du lịch, thăm thân, lao động trái phép, thu giữ giấy tờ, hộ chiếu, không làm các thủ tục cư trú, bắt lao động cưỡng bức và lạm dụng tình dục hoặc môi giới qua nhiều khâu trung gian, sử dụng hộ chiếu, giấy thông hành, hướng dẫn nạn nhân tự vượt biên giới đi sâu vào nội địa nước ngoài; hoặc báo cơ quan chức năng nước sở tại kiểm tra, bắt giữ và trục xuất về nước hoặc dùng bạo lực khống chế đòi tiền chuộc; xuất hiện các đường dây môi giới lập tài khoản trên mạng với tên giả, dùng tiền làm mồi nhử, thông qua mạng lưới cò mồi đến các địa phương, nhất là miền núi, vùng sâu, vùng xa dụ dỗ, lôi kéo những người có nhu cầu xuất khẩu lao động với chi phí thấp, mức lương cao, thủ tục đơn giản, tổ chức xuất cảnh ra nước ngoài, sau đó bán để cưỡng bức lao động.

Ngoài ra, còn có các thủ đoạn lợi dụng quy định về hiến, ghép tạng, các đối tượng tìm gặp những nạn nhân khó khăn kinh tế có nhu cầu bán thận, thương lượng mua với giá rẻ, làm giả giấy tờ, con dấu, sau đó bán cho những người bệnh với giá cao. Một số vụ án điển hình có thể kể đến như: Ngày 15/01/2016, Công an TP. Hà Nội khởi tố vụ án “Làm giả giấy tờ để mua bán thận” và đề nghị truy tố bị can Trần Văn Hiệp, SN 1971, trú tại Hà Nội; ngày 07/5/2016, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao chuyển hồ sơ cho Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế vụ án “Làm giả giấy tờ để mua bán thận” do đối tượng Nguyễn Việt Dũng (SN 1982, trú tại Hải Phòng) thực hiện, theo tài liệu điều tra, Dũng đã làm giả 24 bộ hồ sơ hiến, ghép thận.

Tăng cường các biện pháp phòng ngừa

Xác định là lực lượng nòng cốt trong công tác phòng, chống tội phạm mua bán người, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương xây dựng, triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ như:

(1) Xây dựng các kế hoạch nghiệp vụ, điều tra cơ bản, nắm tình hình tội phạm mua bán người và các đối tượng liên quan; triển khai các biện pháp nghiệp vụ kết hợp tuần tra, kiểm soát và quản lý địa bàn, quản lý xuất nhập cảnh qua biên giới; rà soát các đường dây, ổ nhóm, đối tượng nổi lên, số có tiền án, tiền sự, môi giới, cò mồi và nghi vấn hoạt động mua bán người; các trường hợp phụ nữ vắng mặt tại địa phương lâu ngày, lấy chồng nước ngoài, có con lai về thăm thân; số xuất nhập cảnh trái phép; số nạn nhân trở về địa phương để phân loại, tiến hành các biện pháp quản lý, gọi hỏi, răn đe, kiểm danh, kiểm diện đối tượng, xác lập đấu tranh chuyên án…, kịp thời phát hiện, ngăn chặn tội phạm mua bán người và lợi dụng đưa người di cư trái phép qua biên giới để lừa bán.

(2) Triển khai thực hiện các cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, trong đó có tội phạm mua bán người nhằm bảo đảm an ninh, trật tự các dịp lễ, Tết, các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội. Đặc biệt hằng năm (từ ngày 01/7 đến ngày 30/9) đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát Hình sự ban hành kế hoạch và tổ chức thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người trên toàn quốc, trọng tâm là các tuyến biên giới giữa Việt Nam với Campuchia, Lào và Trung Quốc.

Một đối tượng bị bắt giữ khi đang đưa người qua biên giới. Ảnh: TTXVN

(3) Chỉ đạo Tổng cục Cảnh sát xây dựng, ký Quy chế phối hợp với Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và Tổng cục Hải quan trong công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống mua bán người. Công an các đơn vị, địa phương đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng đẩy mạnh các mặt công tác nghiệp vụ nắm tình hình, điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng tình hình hoạt động tội phạm mua bán người, xác định tuyến, địa bàn trọng điểm, đối tượng nổi lên, xây dựng, phối hợp triển khai hàng chục kế hoạch nghiệp vụ.

Trong 6 năm qua, lực lượng Công an đã phối hợp với các ngành và địa phương 2 lần tổ chức khảo sát toàn quốc về tình hình liên quan đến đối tượng và nạn nhân của mua bán người. Trong đó, ngày 08/5/2013, tham mưu Ban Chỉ đạo 138/CP triển khai Kế hoạch số 114/KH-BCĐ về tổng điều tra, rà soát tình hình hoạt động tội phạm mua bán người và các đối tượng khác có liên quan giai đoạn 2008-2013. Đặc biệt, ngày 03/10/2016, Bộ Công an phối hợp Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành kế hoạch số 279 về tổ chức tổng điều tra, rà soát toàn quốc nạn nhân bị mua bán và các đối tượng khác có liên quan. Qua các khảo sát này đã phân tích, đánh giá và đưa ra nhiều nhận định mang tính đặc trưng nổi bật về nạn nhân bị mua bán; đánh giá đúng thực trạng, kết quả công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân; những thuận lợi, khó khăn bất cập, vướng mắc; đề ra các chính sách nhằm đảo bảo quyền và lợi ích của nạn nhân.

Top