Trị liệu gia đình cho thanh thiếu niên gặp vấn đề liên quan đến sử dụng chất

28/05/2020 09:00

Theo thông tin từ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội, trong khuôn khổ hoạt động do SAMHSA va UNODC tài trợ, trường Đại học Y Hà Nội phối hợp với Cơ sở Cai nghiện ma túy số 5 Hà Nội triển khai nghiên cứu “Đánh giá tính khả thi của can thiệp trị liệu gia đình đối với thanh thiếu niên mắc rối loạn sử dụng chất”.

Tư vấn trị liệu gia đình cho thanh thiếu niên gặp vấn đề liên quan đến sử dụng chất. Ảnh CSCNMT số 5

Nghiên cứu được triển khai từ tháng 3 đến tháng 9/2020.

Theo Tiêu chuẩn quốc tế về Điều trị Rối loạn sử dụng ma túy do UNODC và WHO biên soạn, cách tiếp cận điều trị hướng vào gia đình đã được chứng minh là hiệu quả trong việc cải thiện sự tham gia điều trị, giảm sử dụng ma túy và tăng cường sự tham gia vào chăm sóc sau khi ra viện so với với việc chăm sóc chỉ tập trung vào mỗi cá nhân người bệnh.

Cách tiếp cận điều trị hướng vào gia đình là đặc biệt hữu ích trong việc giáo dục bệnh nhân và người nhà bệnh nhân về bản chất của nghiện ma túy và quá trình hồi phục.

Một tiếp cận điều trị hướng vào gia đình hiệu quả được xác định bao gồm: Trị liệu hành vi đôi lứa (BCT), chiến lược trị liệu gia đình (BSFT), trị liệu đa hệ thống và trị liệu gia đình đa chiều (MDFT)

MDFT dường như có hiệu quả đặc biệt trong điều trị nghiện cần sa ở vị thành niên. Điều trị hành vi đôi lứa đã được kiểm chứng nhiều hơn trong bối cảnh điều trị nghiện rượu, nhưng cũng có thể đóng một vai trò trong điều trị lệ thuộc vào ma túy.

Hợp tác với gia đình có thể hữu ích khi bệnh nhân từ chối tham gia vào điều trị, bằng cách sử dụng các cách tiếp cận như liệu pháp gia đình đơn phương hoặc tập huấn gia đình và củng cố cộng đồng.

Tại cơ sở cai nghiện ma túy số 5 Hà Nội, nội dung các buổi trị liệu được chia làm 8 buổi với các hình thức đánh giá và can thiệp (trị liệu) bao gồm cung cấp cho học viên và gia đình các kiến thức cơ bản và hiệu quả như: Làm quen với gia đình, giới thiệu về hoạt động can thiệp trị liệu gia đình; đánh giá gia đình; kỹ năng giao tiếp giữa thanh thiếu niên với các thành viên trong gia đình; kỹ năng từ chối sử dụng chất gây nghiện; ý tưởng củng cố từ phương pháp tiếp cận củng cố cộng đồng vị thành niên; đặt mục tiêu và theo dõi mục tiêu; hướng dẫn kỹ năng giao tiếp và kỹ năng giải quyết vấn đề; đưa ra các hoạt động xã hội và giải trí; kết thúc đánh giá xem xét các mục tiêu ban đầu của từng thành viên gia đình và thảo luận về các lĩnh vực cần tập trung trong tương lai.

Top