Tội phạm mua bán người: Không trừ người thân!

25/09/2018 14:09

Theo báo cáo của Bộ Công an, nạn nhân của tội phạm mua bán người thường bị bán ra nước ngoài chiếm trên 98%, trong đó chủ yếu là sang Trung Quốc (trên 90%). Đa số nạn nhân là phụ nữ khi bị lừa bán ra nước ngoài bị cưỡng ép kết hôn làm vợ người dân bản địa và bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động. Đối tượng phạm tội đa dạng, có đối tượng là chính người thân của nạn nhân và bản thân họ cũng từng là nạn nhân. Bộ Công an cảnh báo tội phạm mua bán người tiếp tục diễn biến phức và do nhiều nguyên nhân.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai phối hợp với Biên phòng Trung Quốc giải cứu các cô gái bị buôn bán. Ảnh: CAND

Về khách quan, những năm qua, nước ta tiếp tục tăng cường mở cửa hội nhập quốc tế và khu vực toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…nên việc đi lại, thông thương, giao lưu quốc tế của người dân ngày càng thuận lợi, cũng là điều kiện để đối tượng tội phạm lừa bán người qua biên giới.

Tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, phân hóa giàu nghèo, chênh lệch phát triển giữa thành thị và nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn; tình trạng thiếu việc làm, trình độ dân trí thấp, thiếu hiểu biết nên một bộ phận người dân, nhất là phụ nữ, trẻ em người dân tộc thiểu số do tác động của phong tục, tập quán dân tộc (thăm thân, kéo vợ…) nhẹ dạ, cả tin, dễ bị đối tượng phạm tội dụ dỗ, lừa gạt.

Khu vực biên giới đất liền trải dài 25 tỉnh với trên 4.000 km, tiếp giáp với 3 nước là Lào, Campuchia và Trung Quốc, nhiều đường mòn, đường tiểu ngạch, lối tắt qua lại, nhất là biên giới Việt Nam – Trung Quốc mang đậm nét về mối quan hệ dân tộc, thân tộc lâu đời, cùng với những đặc điểm, yếu tố đặc thù về địa lý, tự nhiên, kinh tế-xã hội là núi liền núi, sông liền sông, rất thuận lợi cho nhân dân hai bên biên giới qua lại giao lưu buôn bán, thăm thân.

Những năm gần đây, Trung Quốc đang thực hiện nhiều cơ chế thúc đẩy phát triển kinh tế biên mậu và xây dựng hạ tầng ở khu vực biên giới đối diện như nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, chợ biên giới, trang trại, hầm mỏ và khuyến khích di giãn dân ra cư trú ở sát biên giới, từ đó hình thành nhiều loại hình dịch vụ như karaoke, tẩm quất, massage…kéo theo các tệ nạn xã hội nảy sinh khó kiểm soát, phát sinh nhiều người tham gia và thu hút người dân sang lao động làm thuê.

Bên cạnh đó, việc cưới vợ ở Trung Quốc còn nhiều hủ tục, chính sách dân số của Trung Quốc dẫn đến tình trạng mất cân bằng về giới tính (tỷ lệ chênh lệch nam nhiều hơn nữ rất cao, nhất là số nam giới trong độ tuổi kết hôn không có khả năng lấy vợ trong nước, có nhu cầu lấy vợ người Việt Nam).

Tình hình mua bán người trên thế giới và khu vực cũng tác động đến trong nước, siêu lợi nhuận thu được từ hoạt động mua bán người cũng là một nguyên nhân cơ bản (ước tính mỗi năm các tổ chức tội phạm mua bán người thu về khoảng 150 tỷ USD). Theo đánh giá của cơ quan chức năng Liên Hợp Quốc, hiện nay trên thế giới có khoảng 244 triệu người di cư và vẫn tiếp tục tăng lên do ảnh hưởng của khủng bố, xung đột, bạo lực…, nhiều người trong số đó trở thành nạn nhân của khoảng 510 đường dây mua bán người trên thế giới (152 quốc gia có nạn nhân bị mua bán), cứ 10 người di cư vào châu Âu thì có 9 người là nạn nhân của các đường dây buôn người; mỗi năm có khoảng gần 10.000 ca ghép nội tạng trái phép có sự tham gia của các tổ chức tội phạm buôn người. Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, nhất là các nước Tiểu vùng sông Mê – kông (trong đó có Việt Nam) là điểm nóng của tình trạng mua bán người và di cư bất hợp pháp, có số nạn nhân bị mua bán cao nhất (năm 2015) là 11,7 triệu người, chiếm khoảng 70% (55% là phụ nữ, trẻ em gái; 45% là nam giới).

Sự phát triển mạnh mẽ của Internet, mạng xã hội và điện thoại thông minh (smartphone) với số lượng người dùng gia tăng, một mặt tác động xấu đến đạo đức xã hội, nhất là giới trẻ, học sinh, sinh viên; mặt khác, việc làm quen, tiếp xúc qua mạng ngày càng trở nên dễ dàng hơn, là cơ hội, điều kiện thuận lợi cho tội phạm mua bán người hoạt động.

Lợi nhuận thu được từ hoạt động mua bán vô cùng lớn, do vậy, tội phạm mua bán người rất khó ngăn chặn. Ảnh minh họa

Về chủ quan, việc giáo dục đạo đức và truyền thống văn hóa, dân tộc ở phạm vi gia đình cũng như toàn xã hội còn hạn chế làm cho một bộ phận dân cư sa vào lối sống vật chất, xem thường đạo lý, bất chấp pháp luật. Quản lý nhà nước, quản lý xã hội ở một số lĩnh vực còn bất cập, sơ hở, để tội phạm lợi dụng hoạt động, nhất là quản lý người nước ngoài, nhân khẩu, hộ khẩu, biên giới, cửa khẩu, xuất nhập cảnh, hôn nhân (xác nhận tình trạng độc thân để phụ nữ kết hôn với người nước ngoài), cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài… Lực lượng chức năng trực tiếp, chủ công, nòng cốt phòng, chống mua bán người (Công an, Biên phòng) mỏng, chủ yếu kiêm nhiệm, chưa có lực lượng chuyên trách, trong khi địa bàn rộng, nhiều lĩnh vực có nguy cơ xảy ra mua bán người. Một số địa phương, cơ sở chưa quan tâm coi trọng thực hiện công tác phòng, chống mua bán người, có tư tưởng cho rằng là nhiệm vụ của lực lượng chức năng.

Phân tích về tình hình nạn nhân cho thấy chủ yếu là phụ nữ, trẻ em (chiếm trên 90%) và đa số thuộc các dân tộc ít người (chiếm trên 80%), thường tập trung ở những vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, đa phần trong số họ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn (chiếm hơn 80%), chỉ làm ruộng hoặc không có việc làm (chiếm hơn 70%), gặp những chuyện éo le về gia đình, tình cảm, trình độ học vấn thấp (không biết chữ chiếm 37,2%), thiếu hiểu biết về xã hội và kỹ năng sống, tâm lý nhẹ dạ cả tin; hoặc một số cô gái trẻ, học sinh, sinh viên (chiếm khoảng 6,8%) thích hưởng thụ, ăn chơi, đua đòi, thiếu cảnh giác nên dễ tin theo lời hứa hẹn của đối tượng về việc làm ổn định, thu nhập cao hoặc lấy chồng nước ngoài khá giả, dẫn đến bị lừa bán. Nạn nhân bị bán ra nước ngoài chiếm trên 98%, trong đó chủ yếu là sang Trung Quốc (trên 90%). Đa số nạn nhân là phụ nữ khi bị lừa bán ra nước ngoài bị cưỡng ép kết hôn làm vợ người dân bản địa và bóc lột tình dục (chiếm gần 80%), cưỡng bức lao động….

Về đối tượng phạm tội: Chủ yếu là số đối tượng lưu manh chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự về tội mua bán người (chiếm khoảng 22%); người nước ngoài thông qua công ty môi giới vào Việt Nam dưới dạng thăm quan, du lịch, hoạt động kinh doanh rồi móc nối, câu kết với cò mồi, môi giới người Việt Nam, dẫn dắt hình thành những dường dây mua bán người xuyên quốc gia.

Một số người tự bán mình hoặc từng là nạn nhân hoặc lấy chồng người nước ngoài khi về thăm quê lại trở thành thủ phạm dụ dỗ, lừa bán phụ nữ, trẻ em khác, kể cả người thân trong gia đình; hoặc lợi dụng việc buôn bán, làm ăn qua biên giới hay kinh doanh các dịch vụ dọc biên giới để tham gia hoạt động phạm tội. Nhiều vụ án, đối tượng có mối quan hệ với nhau hoặc giữa đối tượng và nạn nhân có mối quan hệ quyết định. Từ năm 2012-2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố 1.021 vụ án, khởi tố 2.035 bị can về tội mua bán người.

Để phòng chống tội phạm mua bán người, đồng thời, tránh trở thành những nạn nhân của tội phạm mua bán người, bên cạnh sự nỗ lực của lực lượng chức năng, thì việc chủ động nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác của mỗi người dân là hết sức quan trọng.
Top