Tình hình ma túy, HIV vùng dân tộc thiểu số và miền núi diễn biến phức tạp

19/08/2019 14:43

Theo Ủy ban Dân tộc, trong 6 tháng đầu năm, tình hình tội phạm, tệ nạn ma tuý, HIV/AIDS, mại dâm và mua bán người vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm buôn bán, vận chuyển ma túy.

Tiêm chích ma túy là nhóm đối tượng mắc HIV cao ở vùng miền núi. Ảnh minh họa

Tình hình tội phạm ma tuý tập trung tại các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lạng Sơn, Nghệ An, Thanh Hoá, Bình Thuận và Kon Tum. 6 tháng đầu năm, ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các lực lượng chức năng đã bắt khoảng 400 vụ, hơn 500 đối tượng, trong đó có các đối tượng là người dân tộc thiểu số.

Các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý liên tỉnh, qua biên giới hoạt động với quy mô lớn, tính chất tinh vi, khép kín hơn. Hoạt động bán lẻ ma tuý diễn ra phức tạp tại các địa bàn tập trung nhiều người nghiện. Đồng bào dân tộc thiểu số do hiểu biết về pháp luật còn hạn chế dễ bị lợi dụng để vận chuyển trái phép chất ma tuý.

Do vậy, các địa phương đã đẩy mạnh phong trào toàn dân phát hiện, tố giác người sử dụng, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý. Tổ chức các hoạt động phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm về ma tuý ở các xã, phường, thị trấn, thành phố đặc biệt ở các xã giáp biên giới, góp phần xây dựng mô hình xã không có tệ nạn ma tuý.

Ngoài ra, tình hình tội phạm mua bán người nói chung và mua bán phụ nữ, trẻ em nói riêng diễn biến ngày càng phức tạp; tính chất và thủ đoạn hoạt động ngày càng nghiêm trọng, tinh vi, xảo quyệt; nhiều trường hợp có tổ chức chặt chẽ và có tính xuyên quốc gia.

Qua công tác nắm tình hình, phối hợp giữa Công an và Bộ đội Biên phòng cùng với quá trình phối hợp khảo sát tình hình liên quan đến mua bán người tại các tỉnh có biên giới cho thấy có rất nhiều phụ nữ và trẻ em bị đưa sang bên kia biên giới với nhiều mục đích khác nhau như làm tiếp viên nhà hàng, nhân viên khách sạn, cơ sở mát xa, cắt tóc gội đầu thư giãn…

Tình hình nhiễm HIV chủ yếu là nam giới, tuy nhiên nữ giới bị nhiễm ngày càng tăng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; lây nhiễm chủ yếu qua tiêm chích ma tuý, tình dục không an toàn và trong độ tuổi từ 13-49 tuổi. Vì vậy, cần tiếp tục tăng cường các hoạt động thông tin tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS, điều trị bằng thuốc ARV cho bệnh nhân AIDS; phổ biến sâu rộng chủ trương, chính sách mới về công tác cai nghiện ma tuý, điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone. Bên cạnh đó, sự phối hợp quản lý giữa nhà trường và gia đình đối với học sinh, sinh viên nhất là những học sinh cá biệt, chưa chặt chẽ cũng là nguyên nhân của tình trạng sử dụng ma tuý và lây nhiễm HIV/AIDS trong giới trẻ.

Tại các địa phương, việc thi đua thực hiện công tác xây dựng làng, bản, xóm, ấp, phum, sóc lành mạnh không có tệ nạn ma tuý, mại dâm và thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống ở khu dân cư”. Phối hợp thực hiện lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, giúp đỡ người sau cai nghiện ma tuý, gái mại dâm tái hoà nhập cộng đồng ổn định đời sống.

Mặc dù tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn do kinh phí đầu tư phòng chống HIV/AIDS bị cắt giảm và sự thay đổi về quy định sử dụng kinh phí của Chương trình Mục tiêu y tế-dân số trong tình hình mới nhưng ngành y tế tại các tỉnh đã nỗ lực triển khai các hoạt động phòng chống HIV/AIDS nhằm mục tiêu khống chế, không để HIV lan rộng trong cộng đồng.

Trong 6 tháng đầu năm, Uỷ ban Dân tộc đã quan tâm chỉ đạo các Vụ, đơn vị bám sát kế hoạch để triển khai nhiệm vụ được giao. Ban Dân tộc các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức tuyên truyền, vận động, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống ma tuý đến đồng bào dân tộc thiểu số qua các phương tiện thông tin và đội ngũ người có uy tín, già làng, trưởng bản, chức sắc, tôn giáo…; tuyên truyền, vận động đồng bào tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống ma tuý HIV/AIDS, mại dâm và mua bán người. Hình thức tuyên truyền, vận động được đổi mới, nội dung được cập nhật thường xuyên, do đó nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về công tác này đã được nâng lên rõ rệt.

Trong thời gian tới, Uỷ ban Dân tộc tăng cường củng cố vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở cơ sở trong việc đấu tranh, ngăn ngừa tệ nạn, tội phạm ma tuý, mại dâm và mua bán người.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến từng người dân trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng chống ma tuý, mại dâm, mua bán người. Đồng thời tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc, nhằm phát triển kinh tế-xã hội, văn hoá, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên các đoàn thể, học sinh, sinh viên và đồng bào các dân tộc thiểu số về công tác phòng, chống các tệ nạn xã hội.

Top