Tín dụng cho người yếu thế: Cần tạo cơ chế thông thoáng

19/01/2018 16:05

Theo ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐTB&XH, để tăng số người được vay vốn của Nhà nước và sử dụng hiệu quả, cần tạo ra cơ chế thông thoáng hơn, tăng mức vốn cho vay cho phù hợp với mức cho vay hộ nghèo hiện nay.

* Tình nguyện viên với việc hỗ trợ người yếu thế vay vốn

* Kinh nghiệm hỗ trợ, giúp đỡ người yếu thế vay vốn phát triển sinh kế

* Phối hợp hỗ trợ tín dụng cho người yếu thế

Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội-Ảnh: Nhật Thy

Sau 2 năm triển khai, việc cho vay vốn đối với cá nhân, hộ gia đình người nhiễm HIV, người bán dâm hoàn lương, người sau cai nghiện ma túy theo Quyết định 29/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đạt được một số kết quả khả quan. Nhiều người được vay vốn đã có kế hoạch phát triển sinh kế, mang lại thu nhập cho gia đình, ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, như công tác tuyên truyền nên đối tượng vay vốn chưa biết đến chính sách này, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, dân tộc, miền núi. Ở một số nơi chưa thật sự tin tưởng người vay nên không tạo điều kiện. Cá biệt có nơi trả lời với người vay rằng hết vốn hoặc kế hoạch kinh doanh của họ không khả thi để không giải quyết cho vay. Cán bộ thiếu chuyên môn, không được tập huấn. Trình tự, thủ tục cho vay giống như hoặc khắt khe hơn cho đối tượng người nghèo vay.

Mặt khác, việc thông báo công khai danh sách đối tượng vay vốn tại điểm giao dịch xã, phường, thị trấn ít nhiều làm cho người được vay vốn mặc cảm, e ngại không dám tiếp cận nguồn vốn vay, nhất là người nhiễm HIV/AIDS, người bán dâm hoàn lương. Qua kết quả khảo sát thì nhu cầu vay vốn của người bán dâm tương đối cao, tuy nhiên quy định việc xác nhận một người không còn bán dâm gây khó khăn, trong khi người vay không có một giấy tờ gì có thể chứng minh, mà chỉ có người bán dâm tự nhận rằng mình không còn bán dâm nữa. Do đó nếu không thật sự quan tâm, gần gũi sẽ rất ít người đứng ra xác nhận cho, đặc biệt là chủ tịch UBND cấp xã. Một số khác là người sau cai nghiện, chỉ được vay qua hộ gia đình nhưng gia đình không đứng ra bảo lãnh làm hồ sơ vay nên không tiếp cận được với nguồn vốn vay... số tiền đối tượng yếu thế được vay còn thấp, chỉ tối đa 30 triệu đồng đối với hộ gia đình và 20 triệu đồng đối với cá nhân nên nhiều người không muốn vay.

Cần tạo cơ chế thông thoáng

Theo ông Nguyễn Xuân Lập, để tăng số người được vay vốn của Nhà nước và sử dụng hiệu quả, cần tạo ra cơ chế thông thoáng hơn, tăng mức vốn cho vay cho phù hợp với mức cho vay hộ nghèo hiện nay. Mở rộng mục đích vay vốn như vay để khám chữa bệnh, học tập của con cái, giải quyết những nhu cầu thiết yếu… Bổ sung kinh phí tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng lập kế hoạch sản xuất kinh doanh, kỹ năng sử dụng vốn vay cho đội ngũ cán bộ, cần hướng nghiệp, đào tạo nghề cho các đối tượng có nhu cầu vay vốn nhưng chưa có nghề hoặc chưa được đào tạo nghề.

Bên cạnh đó, nghiên cứu, thí điểm việc đơn giản hóa thủ tục cho vay, nhất là đối với người nhiễm HIV và người bán dâm tạo điều kiện cho nhiều người yếu thế tiếp cận với nguồn vốn từ ngân sách nhà nước. Thí điểm ủy thác cho vay vốn cho một Thành viên Tổ Tiết kiệm và vay vốn phù hợp, hoặc Nhóm cộng đồng trên địa bàn để phát huy vai trò, khả năng quản lý của tổ chức xã hội, tạo điều kiện tốt cho vốn dễ dàng đến các nhóm người đặc thù, nhất là người bán dâm, người nhiễm HIV...

Top