Tìm thấy dấu vết cần sa trong ngôi đền cổ ở Israel

05/06/2020 08:35

Mới đây, các nhà khảo cổ Israel đã tìm thấy tàn dư cần sa trên các cổ vật từ một ngôi đền cổ ở miền nam Israel. Điều này đã cung cấp bằng chứng đầu tiên về việc sử dụng các chất gây ảo giác trong tôn giáo Do Thái cổ đại.

Ảnh bàn thờ nhìn từ trên cao, nơi các nhà nghiên cứu tìm thấy dấu vết của cần sa và phân động vật

Khai quật khảo cổ học tại Tel Arad, nằm khoảng 60 km về phía nam Jerusalem, trong những năm 1960 đã phát hiện ra một thành trì thuộc vương quốc cổ xưa của Judah, trong đó có một đền thờ nhỏ có nhiều nét tương đồng với đền thánh ở Jerusalem.

Nhưng trong nhiều thập kỷ, vẫn chưa thể xác định rõ thành phần hợp chất màu đen được tìm thấy trên hai bàn thờ đá thuộc khu bảo tồn bên trong của ngôi đền - hiện được đang được đặt tại Bảo tàng Israel ở Jerusalem.

Tuy nhiên, mới đây, phân tích hóa học về hợp chất màu đen này được tiến hành tại Đại học Do Thái và Viện Technion của Israel đã phát hiện ra rằng một bàn thờ có chứa các hợp chất tác động tới thần kinh được tìm thấy trong cần sa, và bàn thờ còn lại có dấu vết của trầm hương - một trong những thành phần được đề cập trong Kinh thánh dành cho việc tế lễ tại Đền thờ Do Thái cổ đại.

Các nhà nghiên cứu đã công bố phát hiện này vào cuối tháng 5 trên tạp chí học thuật Tel Aviv - tạp chí của Viện Khảo cổ học của Đại học Tel Aviv.

Nhà khảo cổ học Eran Arie, người phụ trách khảo cổ học tại Bảo tàng Israel ở Jerusalem và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết phát hiện này là ''một cuộc cách mạng'', vì đây là bằng chứng sớm nhất về việc sử dụng cần sa ở vùng Cận Đông cổ đại và "lần đầu tiên chúng ta nhìn thấy chất gây ảo giác trong tôn giáo Judah".

Theo nhà khảo cổ Eran Arie, không có bằng chứng nào về việc cần sa được trồng tại địa phương vào thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên. Điều này cho thấy đã có việc nhập khẩu cần sa trên các tuyến đường thương mại vào thời kỳ này.

Top