Tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch HIV/AIDS

07/07/2020 17:58

Nhằm đẩy mạnh các biện pháp phòng chống, dịch HIV/AIDS, Hà Nội đã triển khai toàn diện và hiệu quả các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS như can thiệp truyền thông, dự phòng đến chăm sóc, điều trị HIV/AIDS...

 Đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch HIV/AIDS. Ảnh: Thiện Tâm

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, đến 31/5/2020, lũy tích số người nhiễm HIV là 29.333 người. Trong đó có 23.184 người nhiễm HIV còn sống, 6.306 trường hợp đã tử vong. 100% quận/huyện thành phố Hà Nội đều có người nhiễm HIV, 581/584 xã/phường/thị trấn đã phát hiện người nhiễm HIV (99,5%). Số nhiễm HIV phát hiện mới và cập nhật 5 tháng năm 2020 là 665 người, chủ yếu là nam giới chiếm 75,3%, ở mọi lứa tuổi, độ tuổi trẻ từ 15-25 chiếm 23,8%...

Xác định công tác tuyên truyền có vai trò quan trọng trong phòng chống dịch HIV/AIDS, các hoạt động truyền thông được đẩy mạnh. Điển hình Tháng chiến dịch truyền thông cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2020 đã treo 96 pa nơ thông điệp truyền thông về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trên các trục đường chính của thành phố; truyền thông phòng chống AIDS qua nhiều hình thức trực tiếp và gián tiếp, đến 30/6/2020 đã thực hiện 8.086 lượt truyền thông.

Bên cạnh đó, các hoạt động can thiệp được đẩy mạnh, chương trình bao cao su, bơm kim tiêm đã triển khai phân phát miễn phí ở 30 quận, huyện. Đến hết 30/6/2020, toàn thành phố Hà Nội đã cấp phát 692.710 bơm kim tiêm cho 4.385 người nghiện chích ma túy (đạt 70% so với kế hoạch năm 2020); đã cấp phát 631.830 bao cao su miễn phí cho 9.969 người nguy cơ cao (4.941 người nghiện chích ma túy, 932 phụ nữ mại dâm (đạt 75% kế hoạch năm 2020), 2.254 người nam có quan hệ tình dục đồng giới (đạt 41 % kế hoạch năm 2020), 1.841 vợ/chồng/bạn tình của người nhiễm HIV) qua các cơ sở y tế như trạm y tế, cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV, phòng khám ngoại trú… và nhân viên tiếp cận cộng đồng của các chương trình, dự án.

Đối với công tác xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV, thành phố duy trì 73 phòng xét nghiệm sàng lọc, năm 2019, đã có 11 cơ sở y tế được cấp chứng nhận đủ điều kiện xét nghiệm HIV, gồm 6 bệnh viện thành phố và 5 trung tâm y tế quận/huyện. Tổng số 115.868 người được xét nghiệm HIV 5 tháng 2020, trong đó 43.524 trường hợp xét nghiệm tại các trung tâm Y tế quận/huyện/thị xã và 72.344 trường hợp xét nghiệm tại các bệnh viện), phát hiện được 844 trường hợp dương tính.

Công tác chăm sóc điều trị HIV/AIDS được đẩy mạnh, 100% các cơ sở điều trị HIV/AIDS được giám sát hỗ trợ kỹ thuật về điều trị HIV/AIDS; 100% bệnh nhân Lao/HIV bắt đầu được điều trị ARV trong quá trình điều trị lao. 84,6%  bệnh nhân Lao/HIV bắt đầu được điều trị lao trong quá trình điều trị ARV; 100% trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV còn sống được điều trị dự phòng bằng thuốc ARV; 8.170/9.828 (83,1%) người nhiễm HIV/AIDS đang điều trị ARV có thẻ BHYT, tăng so với cuối năm 2019…

Tuy nhiên, công tácphòng chống, dịch HIV/AIDS vẫn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 và chính phủ áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội; tình trạng kỳ thị với HIV vẫn còn, đây là rào cản chính làm người có nguy cơ và người nhiễm HIV không muốn tiếp cận dịch vụ xét nghiệm, điều trị và dự phòng lây nhiễm HIV. Bên cạnh đó, hiện toàn thành phố có 17 cơ sở điều trị Methadone mới bao phủ được 15/30 quận, huyện, thị xã khiến việc một số bệnh nhân phải di chuyển khoảng cách khá xa để đến được cơ sở điều trị uống thuốc hằng ngày. Tình trạng bệnh nhân sử dụng thêm các chất gây nghiện tổng hợp như Methamphetamine (hàng đá), ketamine, estacy (thuốc lắc),... ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị, tuân thủ điều trị của bệnh nhân…

Vì vậy, trong thời gian tới để đẩy mạnh các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, Hà Nội cần tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đảm thực hiện mục tiêu khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư hướng đến mục tiêu 90-90-90. Đồng thời tăng cường sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền các cấp đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS, huy động sự tham gia của các ban ngành, đoàn thể và của toàn xã hội vào công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Đẩy mạnh và mở rộng các hoạt động chuyên môn, đặc biệt là dự phòng, can thiệp giảm tác hại, truyền thông thay đổi hành vi, giảm kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV. Phối hợp liên ngành trong tổ chức triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone theo đúng quy định hiện hành và đảm bảo an ninh trật tự trên địa; duy trì hoạt động của các cơ sở điều trị methadone đảm bảo 100% kinh phí xét nghiệm cơ bản, khám và theo dõi điều trị cho bệnh nhân thuộc đối tượng chính sách; mở rộng nâng cao chất lượng công tác điều trị HIV/AIDS...
Top