Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về phòng, chống ma túy

24/10/2020 15:22

Dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) và cụ thể hóa 3 nhóm chính sách được Chính phủ thông qua trong đề nghị xây dựng dự án Luật.

* Hỗ trợ xã hội để phòng, chống tái nghiện ma túy

* Khắc phục những bất cập trong các quy định phòng, chống ma túy

* Làm rõ những điểm mới trong dự luật phòng, chống ma túy sửa đổi

* Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi): Sẽ thêm cơ chế quản lý người sử dụng ma túy

Cụ thể, 3 chính sách của dự án Luật được đề xuất gồm: (1) Quy định cơ chế quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, (2) Xây dựng cơ chế, chính sách bảo đảm hiệu quả công tác cai nghiện bắt buộc và khuyến khích xã hội hóa công tác cai nghiện tự nguyện, (3) Xây dựng quy định về phòng, chống ma túy bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình - Ảnh: quochoi.vn

Chiều ngày 24/10, Quốc hội họp phiên toàn thể trực tuyến nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Sửa đổi luật nhằm nâng cao công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy. Quá trình triển khai thi hành Luật đã thu được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực phòng, chống ma túy. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập; một số quy định của Luật Phòng, chống ma túy hiện hành không thống nhất, đồng bộ với quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật Xử lý vi phạm hành chính mới được ban hành… do vậy đã ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng, chống ma túy. Bên cạnh đó, do sự thay đổi tình hình, một số quan hệ xã hội mới xuất hiện liên quan đến công tác phòng, chống ma túy nhưng chưa có quy định của luật để điều chỉnh.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu rõ, Chỉ thị số 36-CT/TW cả Bộ Chính trị về “Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy” xác định “sớm sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản pháp luật khác có liên quan theo hướng đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thực tiễn công tác phòng, chống ma túy, có chế tài nghiêm khắc hơn đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy”. Xuất phát từ những lý do nêu trên, việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy hiện hành là cần thiết.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, việc xây dựng Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về phòng, chống ma túy và khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008); phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống ma túy. Trong đó, lực lượng Công an nhân dân là nòng cốt, chủ trì công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; nâng cao nguồn lực cho công tác phòng, chống ma túy; quản lý tốt người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, góp phần ngăn chặn, đấu tranh từng bước loại trừ tệ nạn ma túy, tội phạm ma túy ra khỏi đời sống xã hội; ngăn chặn có hiệu quả nguồn ma túy thẩm lậu vào trong nước.

Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở quan điểm chỉ đạo là quán triệt và thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống ma túy; bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; phù hợp với thông lệ và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Mở rộng phạm vi điều chỉnh

Dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) và cụ thể hóa 3 nhóm chính sách được Chính phủ thông qua trong đề nghị xây dựng dự án Luật.

Theo Tờ trình dự án Luật, trên cơ sở kế thừa các Điều luật của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 sửa đổi, bổ sung năm 2008, dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) đã mở rộng phạm vi điều chỉnh và bổ sung nhiều nội dung mới so với Luật Phòng, chống ma túy hiện hành. Dự thảo Luật đã bổ sung tiêu đề cho tất cả các điều luật, sửa đổi, bổ sung một số khái niệm, nội dung đã có; xây dựng chương mới "Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy" (Chương IV); về cai nghiện ma túy quy định cụ thể nội dung nhà nước và ngân sách nhà nước đảm bảo xây dựng cơ sở cai nghiện công lập và tổ chức cai nghiện bắt buộc; hỗ trợ một phần kinh phí cho người nghiện cai nghiện tự nguyện. Khuyến khích người nghiện cai nghiện tự nguyện, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Khuyến khích thành lập cơ sở cai nghiện tư nhân. Các cá nhân, tổ chức đầu tư vào công tác cai nghiện được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật; biện pháp cai nghiện tại cộng đồng, gia đình theo hướng giao cho cơ quan có chuyên môn thực hiện, đảm bảo hiệu quả công tác cai nghiện; bãi bỏ biện pháp quản lý sau cai để phù hợp với quy định của Hiến pháp về quyền con người, thay biện pháp quản lý sau cai bằng công tác hỗ trợ xã hội sau cai nghiện và phòng, chống tái nghiện để khuyến khích, động viên người nghiện không tái nghiện.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Dự thảo Luật gồm 8 chương, 69 điều; so với Luật hiện hành có 15 điều mới, sửa đổi, bổ sung 47 điều, giữ nguyên 7 điều.

Trong đó, chương I là Những quy định chung, gồm 5 điều (từ Điều 1 đến Điều 5) quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; những hành vi bị nghiêm cấm và chính sách của Nhà nước về phòng, chống ma túy.

Chương II là Trách nhiệm phòng, chống ma túy, gồm 7 điều (từ Điều 6 đến Điều 12) quy định về trách nhiệm của cá nhân, gia đình; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức; chính sách đối với người tham gia phòng, chống ma túy và trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy.

Chương III là Kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, gồm 10 điều (từ Điều 13 đến Điều 22) quy định về quản lý các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.

Chương IV là Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, gồm 5 điều (từ Điều 23 đến Điều 27) quy định về xác định người sử dụng trái phép chất ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; trách nhiệm của người sử dụng trái phép chất ma túy; trách nhiệm của gia đình, cơ quan, tổ chức có liên quan; thống kê người sử dụng trái phép chất ma túy.

Chương V là Cai nghiện ma túy, gồm 20 điều (từ Điều 28 đến Điều 47) quy định về xác định tình trạng nghiện ma túy; chính sách của Nhà nước về cai nghiện ma túy; trách nhiệm của người nghiện ma túy, gia đình người nghiện ma túy; các biện pháp và hình thức cai nghiện ma túy; cơ sở cai nghiện ma túy; cơ sở cai nghiện ma túy công lập; thành lập, tổ chức hoạt động của cơ sở cai nghiện ma túy tư nhân.

Chương VI là Quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy, gồm 13 điều (từ Điều 48 đến Điều 60) quy định về nội dung quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy; phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy; trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế và các bộ, ngành có liên quan; về kiểm tra, thanh tra trong quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy.

Chương VII là Hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy, gồm 7 điều (từ Điều 61 đến Điều 67) quy định về nguyên tắc trong hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy; chính sách hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy; cơ sở pháp lý trong hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy; hợp tác quốc tế giải quyết các vụ việc cụ thể về ma túy; tương trợ tư pháp trong phòng, chống ma túy; thỏa thuận giữa các cơ quan tư pháp; chuyển giao hàng hóa có kiểm soát.

Chương VIII là Điều khoản thi hành, gồm 2 điều (Điều 68 và Điều 69) quy định về hiệu lực thi hành và trách nhiệm quy định chi tiết tại các điều, khoản được giao trong Luật.

Tác động của 3 nhóm chính sách

Trước đó, khi mở rộng phạm vi điều chỉnh dự án Luật, Bộ Công an đã có bản đánh giá tác động xã hội và tác động giới của 3 chính sách trong dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Cụ thể, đối với chính sách quy định cơ chế quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, về tác động xã hội, chính sách này nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong phòng, chống ma túy và phòng ngừa tội phạm, tệ nạn ma túy thông qua công tác quản lý người sử dụng ma túy; tăng cường một bước cơ chế hữu hiệu phòng, chống ma túy và phòng ngừa tệ nạn ma túy; có các biện pháp phòng ngừa thích hợp giúp người sử dụng ma túy không trở thành người nghiện ma túy; giảm thiểu hậu quả do người sử dụng ma túy gây ra cho xã hội; góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, giảm thiểu tình hình tội phạm liên quan đến sử dụng ma túy.

Về tác động giới, chính sách không có tác động về giới vì quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy được áp dụng chung cho cả nam và nữ. Nam và nữ có quyền bình đẳng như nhau trong việc thực hiện các quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy.

Đối với chính sách xây dựng cơ chế, chính sách bảo đảm hiệu quả công tác cai nghiện bắt buộc và khuyến khích xã hội hóa công tác cai nghiện tự nguyện, về tác động xã hội, chính sách góp phần nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện bắt buộc, đảm bảo cho người nghiện được áp dụng các biện pháp cai nghiện tốt nhất, góp phần giảm người nghiện ngoài xã hội, mang lại hiệu quả cao cho xã hội. Người nghiện hết nghiện, lao động sản xuất bình thường, tạo ra các sản phẩm cho xã hội và không phải mất chi phí cho việc mua chất ma túy để sử dụng, không ảnh hưởng đến kinh tế của người nghiện và gia đình của từng người nghiện. Người nghiện đã cai được nghiện sẽ không gây ảnh hưởng đến cộng đồng, từ đó tạo ra môi trường cộng đồng lành mạnh, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Đồng thời khuyến khích xã hội hóa công tác cai nghiện sẽ huy động được nguồn lực của xã hội trong công tác cai nghiện, giảm chi ngân sách cho công tác này. Tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, cụ thể, đầy đủ để thực hiện công tác cai nghiện tự nguyện và cai nghiện bắt buộc. Người nghiện ma túy có nhiều lựa chọn hơn, chế độ, chính sách tốt hơn trong việc cai nghiện để trở thành người có ích cho xã hội, tái hòa nhập lại cuộc sống xã hội. Huy động được nguồn lực xã hội để phục vụ công tác cai nghiện ma túy.

Về tác động giới, với công tác cai nghiện bắt buộc, về trình tự thủ tục đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thực hiện theo quy định trong Luật xử lý vi phạm hành chính. Khoản 2 Điều 96 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định không áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với: Người đang mang thai có chứng nhận của bệnh viện; Phụ nữ hoặc người duy nhất đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được UBND cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận. Điều này đảm đảm bảo quyền lợi cho nữ giới.

Đối với chính sách xây dựng quy định về phòng, chống ma túy đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, về tác động xã hội, chính sách này tạo ra cơ chế, chính sách để quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy, đồng thời, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu tranh phòng, chống ma túy thời gian qua; cải thiện và bảo đảm an sinh xã hội, sức khỏe cộng đồng; nhà nước kiểm soát và giảm được tình trạng mất an ninh, trật tự, tội phạm, bạo lực; môi trường xã hội văn minh hơn; an ninh, trật tự được bao đảm.

Đồng thời về phía người dân, chính sách này giảm tỷ lệ bệnh tật và tử vong do tội phạm, tệ nạn ma túy mang lại; nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của ma túy. Về phía doanh nghiệp, chính sách tạo ra sự nhìn nhận khách quan của doanh nghiệp đối với công tác phòng, chống ma túy.

Về tác động giới, chính sách không phân biệt đối xử, bất bình đẳng về giới đối với nam và nữ. Nội dung các quy định Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) được thống nhất với hệ thống pháp luật đảm bảo sự bình đẳng về giới trong Luật.

Top