Tiếp cận dự phòng và điều trị nghiện ma túy cho trẻ em và vị thành niên

28/01/2020 09:35

Rối loạn tâm thần do sử dụng ma túy sẽ là một gánh nặng cho xã hội nếu không được điều trị kịp thời do ảnh hưởng nghiêm trọng đến các chức năng xã hội và ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống cá nhân, gia đình, xã hội.

 Khám sức khỏe cho người điều trị cai nghiện ma túy. Ảnh internet

Câu chuyện dự phòng

Tháng trước, một người bạn ở TP. Hà Nội gọi điện hỏi xin tài liệu truyền thông về giáo dục dự phòng sử dụng ma túy cho học sinh phổ thông trung học, vì con anh đang học lớp 11, cô giáo chủ nhiệm lớp nhờ phụ huynh con làm ở cơ quan phòng chống tệ nạn xã hội xin cho ít tài liệu truyền thông. Tôi chỉ cho anh đến mấy dự án về phòng chống ma túy cho thanh thiếu niên để xin tài liệu. Hai tuần sau gặp lại anh trong một hội thảo về sửa đổi bổ sung Luật ma túy và Luật xử lý vi phạm hành chính do Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tổ chức giữa tháng 12/2019, anh nói đã không xin được tài liệu nào, các dự án chỉ làm can thiệp cho người đã nghiện rồi. Vấn đề ở đây là người trong nghề còn không có nguồn thông tin phù hợp, tin cậy thì người khác làm thế nào.

Câu chuyện không chỉ dừng lại ở đó, một anh bạn khác cũng nói, nếu người vị thành niên nghiện ma túy mà lại bảo là đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì gay, mất hết cơ hội vào đời, người nghiện ma túy hay bị coi là người nghiện ma túy thì có mà “ tiền đồ tối đen như mực”, trong khi người ta có thể điều trị và phục hồi lại hoàn toàn về sức khỏe và hành vi. Chỉ có trên 10% số người sử dụng là cần điều trị thì Luật phòng chống ma túy lại quy định người nghiện ma túy là người sử dụng ma túy và bị lệ thuộc, rồi đưa vào cai nghiện tập trung, chẳng khác nào áp dụng tình trạng nghiện của trên 10% số người ấy cho tất cả 100% số người sử dụng, mà sử dụng thì không lệ thuộc, chỉ nghiện mới lệ thuộc.

Ở trong phòng hội thảo, bài trình bày của bác sĩ Lê Văn Khánh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH) đang nêu: Luật phòng chống ma túy quy định phòng, chống thông qua tuyên truyền về tác hại của ma túy, các quy định pháp luật và giao trách nhiệm cho các đoàn thể, các cơ quan báo chí. Điều này thì chưa đủ.

Đề nghị việc sửa Luật ma túy lần này cần bổ sung quy định cụ thể về dự phòng sử dụng ma túy, bao gồm dự phổ cập cho toàn dân, dự phòng chọn lọc cho nhóm có nguy cơ cao và can thiệp dự phòng cho cá nhân người đã bắt đầu sử dụng ma túy để không phát triển thành nghiện hay lệ thuộc. Theo đó, việc dự phòng sẽ phải có các chương trình, có cán bộ được đào tạo, dự phòng theo độ tuổi, theo bối cảnh cụ thể như trong gia đình, trường học, nơi làm việc, cơ sở y tế, nơi vui chơi giải trí…các biện pháp dự phòng này hiện nay đã có hướng dẫn của Liên Hợp Quốc, chỉ dự phòng thông qua nêu tác hại hay các quy định xử lý người nghiện ma túy thì rất hình thức, không thấm được vào đối tượng cần dự phòng.

Tôi liên tưởng đến một kết quả nghiên cứu trong 2 năm 2016-2017 của Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) với Đại học Y Hà Nội, trong số 584 em  sử dụng ma túy từ 16-24 tuổi ở 3 thành phố Hà Nội, Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh, cứ 10 em sử dụng ma túy thì có 3 em có tới 4/10 trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu như bị lạm dụng thể chất nghiêm trọng, lạm dụng tinh thần và tái diễn; lạm dụng tình dục, bố mẹ chia ly, mẹ bị bạo hành, không được quan tâm, yêu thương, trong gia đình có người nghiên rượu hoặc ma túy...

Trong khi nếu có đến 4 trải nghiệm tiêu cực sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng ở tuổi trưởng thành. Theo kết quả thống kê gần đây của Tổng Cục thống kê, 60% người sử dụng ma túy lần đầu tiên ở tuổi ở độ tuổi 15-25 tuổi. Kết quả nghiên cứu khoa học, não của con người sẽ phát triển hoàn thiện đến năm 25 tuổi, vì vậy, nếu sử dụng ma túy ở tuổi trẻ em và vị thành niên thì sự tổn thương của não càng nhiều. Vì vậy, muốn dự phòng sử dụng ma túy thì cần dự phòng từ thời kỳ thơ ấu, thiếu nhi, trước vị thành niên, bởi thanh thiếu niên là một giai đoạn phát triển đặc biệt và đóng vai trò quan tỏng trong việc hình thành và phát triển một cá nhân ổn định về thể chất, tinh thần và xã hội sau  này.

Cai nghiện tại cơ sở bắt buộc liệu có phù hợp với trẻ em và người vị thành niên nghiện ma túy?

Một điều nữa cũng không ít ý kiến trao đổi và đưa ra các đề xuất khác nhau, đó là việc đưa  trẻ em và người vị thành niên nghiện ma túy vào cai nghiện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc. Nhiều ý kiến cho rằng, mấy năm gần đây các tỉnh, thành phố không đưa các em từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi nghiện ma túy vào cai nghiện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, và lo ngại rằng điều này có thể dẫn đến việc các em tiếp tục sử dụng ma túy, mức độ nghiện sẽ nặng hơn và khó cai hơn, rồi không  quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính thì không có chế tài thực hiện. Thành phố Hồ Chí Minh có Trung tâm Thanh thiếu niên 2 chuyên tiếp nhận trẻ em nghiện ma túy, trước đâ thường xuyên có trên 100 em cai nghiện nội trú nhưng hiện nay con số này giảm đáng kể.

Đối chiếu với quy định pháp luật, Điều 96 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là cho người từ đủ 18 tuổi trở lên, nhưng theo Điều 29 Luật Phòng chống ma túy thì người nghiện ma túy từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi đã cai nghiện tại gia đình hoặc cộng đồng hoặc bị áp dụng nhiều lần biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn nhưng vẫn nghiện hoặc không có nơi cư trú ổn định thì đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc dành riêng cho họ và không coi là biện pháp xử lý vi phạm hành chính. 

Thực tế, có khoảng 50 % thanh thiếu niên sử dụng ma túy có rối loạn tâm thần do sử dụng ma túy trong khi cơ sở cai nghiện bắt buộc hiện chưa có đủ điều kiện để có thể điều trị tốt. Một nghiên cứu cắt ngang do Bộ môn tâm thần trường Đại học Y Hà Nội và Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) thực hiện tháng 5-6/2019, trong số 319 em sử dụng ma túy phổ biện hiện nay (Heroin, Methaphetamine, Cần sa, MDMA/ thuốc lắc), tự nguyện tham gia nghiên cứu, trong độ tuổi 14-24, sống tại Hà Nội cho thấy, có 42% mắc rối loạn trầm cảm, biểu hiện như buồn chán, giảm thích thú, rối loạn giấc ngủ, khó tập trung, cảm giác tội lỗi, chậm chạp; 26,3 % có ý nghĩ tự sát; 43,8 % có hoang tưởng, ảo giác (nghe, nhìn thấy những thứ không có thật), trong đó người sử dụng Methphetamine (đá) là có tỷ lệ trầm cảm, loạn thần cao nhất.

Việc đưa trẻ em và người vị thành niên vào cai nghiện tại cơ sở bắt buộc là không có hiệu quả do ảnh hưởng của môi trường mà còn tác động tiêu cực đến hành vi, nhân cách, sự tự tin và khả năng thích ứng của các em khi trở về cộng đồng, chưa kể đến các triệu chứng rối loạn tâm thần là phổ biến ở người sử dụng ma túy.

Rối loạn tâm thần do sử dụng ma túy sẽ là một gánh nặng cho xã hội nếu không được điều trị kịp thời do ảnh hưởng nghiêm trọng đến các chức năng xã hội và ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống cá nhân, gia đình, xã hội. Vì vậy, Luật Phòng, chống ma túy và Luật xử lý vi phạm hành chính sửa đổi tới đây cần điều chỉnh để không đưa trẻ em và người vị thành niên nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Nếu chúng ta không bắt đầu thay đổi cách tiếp cận xử trí vấn đề nghiện ma túy tập trung vào biện pháp xử phạt hành chính bằng các biện pháp điều trị dựa trên bằng chứng thì chúng ta cũng sẽ không bắt đầu có những kết quả và hiệu quả kinh tế, xã hội, an ninh trật tự đối với vấn đề nghiện ma túy hiện nay.
Top