“Thánh địa ma túy” xứ Nghệ (kỳ 1): Bản làng điêu đứng, gia đình tan nát vì 'cái chết trắng'

19/05/2019 16:49

Từng được mệnh danh là “cửa ngõ” ma túy ở miền Tây xứ Nghệ, Tương Dương cũng là nơi sản sinh các ông trùm khét tiếng làm chao đảo cả vùng đất này trong những năm đầu thập niên 90. Vì thế, khi “cơn bão trắng” đi qua những bản từng được ví là “thánh địa” ma túy phải hứng chịu những hệ lụy vô cùng thê thảm. Nhờ sự quyết tâm của chính quyền địa phương và cơ quan công an giờ Tương Dương đang dần “hồi sinh”, nụ cười trẻ thơ đã bắt đầu trở lại...

Trong bản phần lớn là phụ nữ và người lớn tuổi.

Nghiện ma túy, nhiễm HIV, rồi lại dấn thân vào con đường mua bán để có tiền, có thuốc thỏa mãn cơn nghiện là cái vòng luẩn quẩn ở “thánh địa” ma túy xứ Nghệ. Người bị bắt, kẻ bị phạt tù, mãn hạn lại quay lại con đường cũ không phải là hiếm. Nhiều gia đình cả mấy thế hệ đều bị bắt hoặc chết vì ma túy, những đứa trẻ bơ vơ nheo nhóc không nhà.

Bi kịch ở “bản không chồng”

Bản Xốp Mạt, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An nằm cạnh lòng hồ thủy điện Nậm Nơn thơ mộng. Những mái ngói đỏ đang dần thay thế những tấm tôn lợp Fibro xi măng nằm san sát nhau, cùng với một số công trình phúc lợi đang dần hoàn thiện khiến cho nhiều người lần đầu bước chân vào bản cảm giác được sự yên bình và hạnh phúc nơi đây.

Thế nhưng càng đi vào sâu thì những ánh mắt lạ, nghi hoặc và đầy cảnh giác từ những phụ nữ lớn tuổi khiến những vị khách lạ giật mình. Trong bản không có tiếng cười đùa, điều đáng nói là bóng dáng người đàn ông rất hiếm. 

Trưởng bản Lô Văn Phê cho biết: “Ngày trước bản Xốp Mạt ở bên kia cầu treo, có đường tiểu ngạch đi biên giới, lại có đường độc đạo nối ra QL7 về xuôi nên trở thành “cửa ngõ” của ma túy. Đặc biệt, rừng già bao phủ, người bên ngoài vào bản phải đi hơn 10km đường độc đạo, vì thế mà các trùm ma túy có đất lộng hành. Đã có thời gian ma túy tàn phá, khiến nhiều người đã chết, nhiều người lâm vào cảnh tù tội, bao nhiêu đứa trẻ phải chịu cảnh mồ côi”.

Một phần để “cách ly” dân bản với ma túy, chính quyền địa phương đã quyết định chuyển toàn bộ bản Xốp Mạt từ bên kia cầu sang bên này cầu, vừa gần với chính quyền, lại xa con đường lên đỉnh Pù Lôm. Nhiều lần một số người có đề đạt muốn quay về vị trí cũ, những xét nếu quay về thì tình trạng nghiện ngập lại có nguy cơ tái diễn nên xã nhất quyết không đồng ý.

Thế nhưng, tuy là di dời đến nơi khác nhưng hệ lụy ma túy thì vẫn nguyên như cũ. Hoàn cảnh bà Lương Thị Hồng (68 tuổi) là một điển hình. Chồng mất từ sớm, con trai và con dâu đều bị đi tù vì dính vào buôn bán, vận chuyển ma túy, một mình phải chăm sóc 2 người cháu nhỏ. Cuộc sống vốn đã vất vả, cách đây không lâu bà Hồng tiếp tục nhận nuôi thêm 2 cháu bé nữa, do bố mẹ chúng đã đi tù vì ma túy.

“Sau khi bố mẹ bị đi tù, chúng sống khổ quá nên tôi đưa về nuôi. Hoàn cảnh cũng như nhau, lại quen biết nên thương lắm. Biết là mình không có cơm ăn nhưng còn hơn để 2 cháu sống vật vờ khi không có sự chăm sóc của bố mẹ. Thôi thì cứ rau cháo qua ngày, cầm cự đến lúc bố mẹ các cháu trở về”, bà Hồng thở dài.

Em Lương Thị May Nguyệt (13 tuổi) cũng là chị cả trong nhà nên cũng bạo dạn nhất. Nguyệt lầm lũi ra vườn hái rau, vào bếp nhóm lửa nấu, thay bà chăm các em... Như mọi đứa trẻ khác, Nguyệt không được đi học, cũng không hiểu nỗi đau thiếu vắng bố mẹ, bởi “trong bản ai cũng như vậy”.

Khi được hỏi, Nguyệt nói đơn giản: “Em biết bố mẹ đi tù vì ma túy, ở đây ai cũng vậy. Đến nay, em cũng không còn nhớ khuôn mặt bố mẹ mình như thế nào nữa”.

 

 

 

 

Khuôn mặt cô bé bình thản một cách lạ lùng. Nếu như ở gia đình khác, thiếu đi sự chăm sóc của người bố hoặc người mẹ thì cuộc sống sẽ vô cùng khó khăn. Nhưng nơi đây, sự thiếu thốn đó đã bám lấy từ lúc sinh ra, vì vậy ở lâu trở thành quen.

Cũng chính vì vậy, có thời gian bản Xốp Mạt được gọi bằng những cái tên vô cùng xót xa “bản mồ côi” hay “bản không chồng”. Đơn giản, những người đàn ông nơi đây không đi tù thì cũng đã chết do dính đến ma túy, số còn lại chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.

Ở Xốp Mạt, nhiều người vẫn truyền tai nhau bi kịch thê thảm nhất về vòng xoáy ma túy của gia đình chị Kha Thị Tích. Vốn có cuộc sống hạnh phúc với người chồng mạnh khỏe và 2 ngươi con. Thế nhưng khi “cơn bão” ma túy ập đến cũng là lúc chồng chị Tích không thoát khỏi cám dỗ, anh này nghiện ngập, rồi bị kết án tù chung thân.

Chồng đi tù, bỏ lại chị với 2 đứa con nhỏ dại, tại bản không thể làm được việc gì ra tiền nên chị liều lĩnh nhận xách ma túy thuê. Chuyện vỡ lở, Tích bị bắt và chịu án phạt 5 năm tù. Cũng trong thời gian này, do không ai chăm sóc nên 2 con của Tích đã phải lang thang khắp nơi để ăn xin, rồi từ đó không trở về bản nữa.

Dù còn nhỏ nhưng các em đã phải lao động để phụ giúp bà.

Những hệ lụy kéo dài

Trưởng bản Lô Văn Phê cho biết, không thể thống kê được số người chết do ma túy nhưng chắc chắn không hề nhỏ. Hiện bản chỉ có 44 hộ/155 nhân khẩu, nhưng đang có 13 người phải chấp hành án phạt tù liên quan đến ma túy. Ngay sát nhà vị Trưởng bản này đã có 4 người chết vì ma túy, để lại 3 đứa trẻ mồ côi.

Khó khăn của bản là rất thiếu việc làm, khó có khả năng cải thiện đời sống của cư dân. Người dân ở đây, chủ yếu chăn nuôi gia súc như: Lợn, dê, bò,... nhưng chia bình quân mỗi người chưa nổi một con, thu nhập không thể cao lên được. Việc làm nương rẫy bấp bênh, ít đàn ông nên chỉ có một số người đi đánh bắt cá. Toàn bản hiện đang có hơn 20 thanh niên đi làm công nhân bên ngoài, tuy nhiên công việc không ổn định.

“Xốp Mạt là điểm nóng về ma túy hàng chục năm, vì vậy dù hiện nay đã xóa bỏ được nhưng tiếng tăm có đến tận bây giờ. Các con nghiện vùng khác vẫn còn lui tới đây sử dụng và lôi kéo người dân. Thỉnh thoảng công an vẫn bắt được một số đối tượng vận chuyển ma túy trên địa bàn. Cùng với đó, các tệ nạn như HIV/AIDS, các bệnh về đường tình dục vẫn còn, điều đau đớn là cả cháu nhỏ cũng mắc phải”, Trưởng bản Xốp Mạt nói.

Ông Vi Văn Phúc, Chủ tịch UBND xã Lượng Minh cho biết, so với những năm trước đây, số tụ điểm ma túy lẫn số người nghiện trên địa bàn đã giảm nhiều nhưng những hệ lụy nó mang lại vẫn còn dai dẳng, bởi “cái chết trắng” đã ngự trị ở đây trên 30 năm nay.

Số liệu thống kê cho thấy, năm 2017, dân số của toàn xã Lượng Minh có 4.800 người thì số lượng người nghiện ma túy chiếm tới 172 người, trong đó 122 người đang có mặt tại địa phương, 68 người đang chấp hành án phạt tù liên quan đến mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy.

Năm qua đã đưa được 20 người đi cai nghiện bắt buộc tại các trung tâm, tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cho 12 người và cả xã tiếp nhận thêm 7 đối tượng tha tù trở về cùng 1 tội danh mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, nâng tổng số người đã chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương hiện nay là 37 người.

Cả bản hơn nửa là hộ nghèo

Trưởng bản Lô Văn Phê cho biết, theo thống kê thì hiện bản chỉ có 44 hộ nhưng có đến 26 hộ nghèo. Thời gian gần đây, do được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi, đường sá nên nhìn toàn cảnh thì bản cũng không quá khó khăn. Nhưng thực tế, do bình quân thu nhập quá thấp, ít lực lượng lao động nên hộ nghèo trong bản còn khá cao. 

 

Top