Thái Lan hợp pháp hóa cần sa y tế - lợi hay hại?

18/02/2019 09:15

Vào tháng 12/2018, Thái Lan là quốc gia đầu tiên của Đông Nam Á đưa ra dự thảo để hợp pháp hóa việc sử dụng cần sa cho mục đích y tế. Cho dù các quy định đang được soạn thảo, có nhiều dấu hiệu cho thấy nhiều quốc gia trong khu vực đang xem xét một động thái tương tự, trong số đó có Malaysia và Philippines.

 Lực lượng phòng chống ma túy Thái Lan liên tục mở các chiến dịch truy quét việc trồng cần sa bất hợp pháp

Cần sa y tế là loại thuốc có thể điều trị nhiều bệnh, bao gồm Parkinson, hen suyễn, mất ngủ, tự kỷ và thậm chí là ung thư. Nhưng những công dụng giảm đau và chữa bệnh này được phép sử dụng ở mức độ nào. Và việc sử dụng chất ma túy - dù biết nếu kéo dài sẽ có hại cho sức khỏe - có nên được hợp pháp hóa?

Mấu chốt của cuộc tranh cãi

Mấu chốt của cuộc tranh cãi là do cần sa chứa 2 thành phần chính: Tetrahydrocannabinol (THC), thành phần chính gây kích thích thần kinh, dễ dẫn đến nghiện và cannabidiol (CBD), cho thấy những hứa hẹn về y học. Nghiên cứu cần sa y tế tập trung vào việc tách 2 yếu tố này và chủ yếu sử dụng CBD.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu đã phê duyệt một số sản phẩm của CBD, chẳng hạn như thuốc kiểm soát cơn đau và chứng động kinh với tác dụng đã được chứng minh. Các chứng bệnh khác cũng có thể sử dụng CBD như bệnh đa xơ cứng, “với người bệnh thường xuyên bị co cứng cơ gây ra rất nhiều đau đớn”, bác sĩ gây mê Nicholas Chua, Chủ tịch Hiệp hội Đau Singapore nhấn mạnh. Ông cũng liệt kê nghiên cứu đang được thực hiện trong các lĩnh vực như đau nửa đầu, tăng nhãn áp và kiểm soát đau do ung thư, nhưng chuyên gia này khẳng định, thực tế là chúng ta không có nhiều bằng chứng cho thấy lợi ích của cần sa y tế vượt xa rủi ro của nó, vì vậy, có khả năng nảy sinh nhiều vấn đề, dù là về mặt y tế trong ngắn hạn hay về mặt xã hội trong dài hạn.

“Cần sa vẫn là một loại ma túy bất hợp pháp. Chúng tôi sẽ làm cho công chúng hiểu rằng nó chỉ nhằm mục đích y tế chứ không phải để giải trí. Cần sa không được sử dụng một cách tự do. Người sử dụng vẫn phạm luật trừ khi anh ta là bệnh nhân và cần sa được bác sĩ kê toa để sử dụng cho điều trị y tế”, ông Niyom Termsrisuk (Tổng thư ký Văn phòng cơ quan phòng chống ma túy quốc gia Thái Lan) cho biết.

Tuy nhiên, Thái Lan và các chuyên gia của họ sẵn sàng thử nghiệm cần sa y tế, vì tin rằng những nỗ lực của họ một ngày nào đó sẽ đem lại kết quả. “Nó có thể chữa được một số bệnh và triệu chứng, chẳng hạn như vết bầm tím hay các cơn đau... Chúng ta nên hỗ trợ phía sử dụng vì mục đích y tế và kiểm soát mặt lợi dụng để giải trí... Tôi không ủng hộ sử dụng cần sa vì mục đích giải trí”, Tiến sĩ Sarita Pinmanee, người đứng đầu tổ nghiên cứu về cây gai dầu và cần sa tại Trạm Nông nghiệp Hoàng gia Pang Da, huyện Samoeng, tỉnh Chiang Mai cho biết.

Giới chuyên gia nước này đều hiểu rằng, cần sa là một loại cây mọc trong tự nhiên. Tuy nhiên, nó có những tác động tiêu cực và con người nếu lạm dụng có thể bị nghiện. Tuy nhiên, nó có thể được sử dụng cho mục đích y tế. Điểm cốt yếu là làm thế nào để tối ưu hóa việc sử dụng vì lợi ích của xã hội và quốc gia. Và với giới thực thi pháp luật, cũng còn một câu hỏi hóc búa, đó là không có cách nào để có thể phân biệt việc sử dụng cần sa giải trí với cần sa được sử dụng cho mục đích y tế vì kết quả xét nghiệm ma túy là như nhau.

Lý giải động thái của Thái Lan

Thái Lan đi đến quyết định hợp pháp hóa sử dụng cần sa cho mục đích y tế, trước hết xuất phát điểm từ việc triệt phá cây cần sa là một “trận chiến” khó khăn. Tại nước này, nhiều tộc người vẫn sử dụng nó như một hình thức y học dân gian - một tập tục ăn sâu vào văn hóa của họ qua nhiều thế hệ.

Tiến sĩ Panthep Phuaphongphan, Trưởng khoa của Viện Y học Tích hợp và Chống lão hóa thuộc Đại học Rangsit cho biết: “Chúng tôi đã thu thập được những công thức y học cổ truyền về việc sử dụng cần sa trong chữa bệnh từ 300 năm trước”. Cũng theo ông Panthep Phuaphongphan, như nhiều nước châu Á khác, trong thế kỷ 20, việc sử dụng cần sa chữa bệnh là bất hợp pháp ở Thái Lan nên những công thức này biến mất, do đó cần phải “tìm hiểu lại” và “đánh giá lại những công thức đó”, đặc biệt là sự rủi ro, nguy hiểm nhất trong liều lượng.

Trong giới y học Thái Lan, một trong những người tiên phong thúc đẩy hợp pháp hóa cần sa y tế là bác sĩ Somnuk Siripanthong, một nhà tư vấn trị liệu ung thư và miễn dịch tại Trung tâm y tế Panacee ở Bangkok. Dù các nghiên cứu và bằng chứng không chặt chẽ nhưng bản thân ông đã chứng kiến nhiều câu chuyện về lợi ích chữa bệnh của thuốc phiện.

Đơn cử trường hợp của bệnh nhân Chalor Nuchyangkul, căn bệnh ung thư đại tràng giai đoạn cuối đã khiến cho viên cảnh sát nghỉ hưu này “không còn lựa chọn nào khác” là sử dụng dầu thuốc phiện. “Đó là thuốc ngoài luồng, là trái phép nhưng tốt hay xấu tôi cũng phải thử”, ông Chalor thừa nhận sau khi ngừng hóa trị chỉ vì gặp những tác dụng phụ “kinh khủng”.

Kỳ lạ là chỉ sau 90 ngày, kết quả xét nghiệm cho thấy không phát hiện tế bào ung thư nữa. Qua ví dụ này, Tiến sỹ Somnuk cho rằng: “Các tài liệu y khoa nói rằng anh phải phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị. Một số người chi hàng triệu baht cho các phương pháp điều trị này, nhưng họ vẫn chết. Nhưng với cần sa, dù có dựa trên nghiên cứu hay không, vẫn có bệnh nhân sử dụng mà vẫn sống”.

Với tính pháp lý được thừa nhận, cần sa y tế có tiềm năng trở thành cây trồng có giá trị xuất khẩu trong ngành công nghiệp được gọi là “Cơn sốt vàng xanh”. Thị trường cần sa hợp pháp hóa toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên 56 tỷ USD vào năm 2025, theo hãng tư vấn kinh doanh Grand View Research. Và những người ủng hộ cho rằng thị trường cần sa hợp pháp của Thái Lan có thể đạt 5 tỷ USD vào năm 2024.

Hiện tại, chính phủ đã cho phép lập một số cơ sở trồng cây gai dầu ở một số huyện, bao gồm Samoeng, cách thành phố Chiang Mai, miền Bắc Thái Lan khoảng 50km. Việc thu hoạch được giám sát chặt chẽ và chỉ dành cho nghiên cứu và phát triển y học. Như tại Trạm Nông nghiệp Hoàng gia Pang Da, có 7 nhà kính trồng gai dầu mọc lên, mỗi nhà kính được khóa cẩn mật. Ngoài hệ thống an ninh để ngăn chặn nguy cơ bị lọt ra ngoài, trung tâm cũng quản lý rất chặt số liệu, thông tin về số lượng cây, chủng thực vật và mục đích trồng.

Tiến sỹ Jet Sirathraanon, Chủ tịch Ủy ban y tế công cộng của Hội đồng Lập pháp Quốc gia Thái Lan, cũng dự báo điều này tạo sự thúc đẩy du lịch cho Thái Lan, đặc biệt là những du khách đến Thái Lan vì mục đích trị liệu.

Đưa ra quyết định trên, chính quyền Thái Lan nhấn mạnh, cam kết của họ đối với cuộc chiến chống ma túy không suy chuyển. “Cần sa vẫn là một loại ma túy bất hợp pháp. Chúng tôi sẽ làm cho công chúng hiểu rằng nó chỉ nhằm mục đích y tế chứ không phải để giải trí”, ông Niyom Termsrisuk - Tổng thư ký Văn phòng cơ quan phòng chống ma túy quốc gia Thái Lan khẳng định. “Cần sa không được sử dụng một cách tự do. Người sử dụng vẫn phạm luật trừ khi anh ta là bệnh nhân và cần sa được bác sĩ kê toa để sử dụng cho điều trị y tế”. Cơ quan phòng chống ma túy Thái Lan cũng cho biết, quân đội nước này tiếp tục các hoạt động triệt phá việc trồng cần sa bất hợp pháp.

 Nhà kính thử nghiệm trồng cần sa y tế tại Trạm Nông nghiệp Hoàng gia Pang Da, huyện Samoeng, tỉnh Chiang Mai

Không để tội phạm ma túy lợi dụng

Trong nhiều thập kỷ, các quốc gia Đông Nam Á liên tục đấu tranh với nạn sản xuất và buôn lậu ma túy. Do đó, với các nhà quan sát, việc Thái Lan thúc đẩy hợp pháp hóa cần sa y tế trong bối cảnh các vụ phạm pháp về ma túy gia tăng là điều cần xem xét kỹ lưỡng hơn. “Những gì chúng ta chứng kiến ở Đông Nam Á là sự bùng nổ của buôn lậu ma túy. Sự đột biến đó diễn ra vô cùng nhanh chóng”, đại diện của cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc Jeremy Douglas nhận định. “Khu vực này hiện là nhà sản xuất methamphetamine lớn nhất thế giới. Rõ ràng, các băng đảng và tội phạm có tổ chức đi trước một vài bước”.

Lạm dụng và buôn bán ma túy vẫn là một hiểm họa đối với khu vực, nhất là với trọng điểm là vùng Tam giác vàng. Vì vậy, việc Thái Lan có động thái hợp pháp hóa cần sa y tế có là một bước ngoặt trong cuộc chiến chống ma túy trong khu vực?. “Các nhà chức trách lo ngại rằng nếu chọn giải pháp mềm hơn khi tiếp cận với một loại ma túy nào đó, người ta dễ cho rằng loại ma túy đó nói chung có thể chấp nhận được và không có hậu quả gì. Quan điểm của chúng tôi là, nếu muốn kiểm soát, các quốc gia có thể đưa ra các biện pháp về mặt sức khỏe, thực thi pháp luật, quy định hoặc bất cứ điều gì - để đảm bảo rằng nguồn cung cấp không thể được sử dụng và lạm dụng rộng rãi”, chuyên gia Jeremy Douglas nói.

Top