Thái Bình: Điều trị cai nghiện, lao động trị liệu đạt hiệu quả nổi bật

15/11/2018 14:08

Tệ nạn ma tuý, mại dâm và tình hình dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp, khó lường; tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp trên địa bàn có xu hướng tăng, nhất là bộ phận giới trẻ tiềm ẩn nhiều hệ lụy phức tạp. Các hình thức cai nghiện tại cộng đồng, quản lý sau cai có chuyển biến tích cực, đặc biệt công tác cắt cơn, điều trị, lao động trị liệu đã đạt được những hiệu quả rõ rệt.

Ngày 15/11, Đoàn kiểm tra liên ngành thuộc Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm (UBQG) do ông Đoàn Hữu Bẩy, Ủy viên Thư ký UBQG, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo-Văn xã, Văn phòng Chính phủ làm trưởng đoàn đã đến làm việc tại UBND tỉnh Thái Bình về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm.

Đoàn công tác làm việc tại UBND tỉnh Thái Bình: Ảnh: Thùy Chi

Tội phạm ma tuý diễn biến phức tạp

Theo số lượng thống kê, tính đến tháng 10/2018, số người nhiễm HIV/AIDS hiện còn sống trên toàn tỉnh 3.337 ca. Trong đó, 863 phụ nữ, lũy tích số người nhiễm HIV/AIDS tử vong là 902 ca; 100% số huyện/thành phố; 88,11 % số xã, phường, thị trấn có báo cáo phát hiện người nhiễm HIV. Tỷ lệ hiện nhiễm HIV là 174/100.000 dân. Nhiễm HIV/AIDS trong nhóm người nghiện chích ma túy chủ yếu ở nhóm tuổi trên 30 (chiếm 70-80%), có xu hướng tăng dần trong nhóm 25-30 tuổi (từ 12,5% năm 2012 tăng lên 17% năm 2017). Nhiễm HIV/AIDS trong nhóm phụ nữ mại dâm tập trung chủ yếu từ 20-30 tuổi (chiếm hơn 80%).

Hành vi nguy cơ trong nhóm nghiện chích ma túy: Tỷ lệ người nghiện chích ma túy có quan hệ tình dục với gái mại dâm giảm dần (năm 2015 là 13%, năm 2017 là 18%). Tỷ lệ tiếp cận và sử dụng bơm kim tiêm sạch cao (90%); tỷ lệ dùng chung bơm kim tiêm trong lần tiêm chích gần nhất giảm đáng kể (năm 2015 là 20%, năm 2017 là 14%).

Về công tác phòng, chống ma túy, tội phạm ma tuý trên địa bàn tỉnh diễn biến rất phức tạp và gia tăng; số vụ phạm tội, lượng ma tuý bắt giữ liên tục gia tăng, năm sau cao hơn năm trước (bình quân mỗi năm tăng 15% số vụ, đối tượng); đã phát hiện một số đường dây mua bán vận chuyển ma tuý vào tỉnh, nguồn ma túy chủ yếu từ các tỉnh Tây Bắc và các tỉnh giáp ranh như Nam Định, Hải Phòng để tiêu thụ hoặc trung chuyển đi các tỉnh phía Nam. Tình trạng mua bán lẻ, sử dụng trái phép các chất ma túy diễn ra ở nhiều nơi, mặc dù đã tập trung triệt xóa nhưng vẫn phức tạp trở lại.

Thủ đoạn phạm tội tuy không mới nhưng ngày càng tinh vi xảo quyệt, che giấu kỹ hơn, hoạt động phân tán, lưu động. Vẫn còn tình trạng trồng cây chứa chất ma túy ở một số địa bàn cơ sở, tuy diện tích và số lượng không nhiều nhưng tiềm ẩn nhiều hệ lụy phức tạp, đáng chú ý phát hiện 1 vụ sản xuất ma túy tổng hợp. Hiện nay xu hướng ma túy chuyển dịch mạnh từ heroin sang ma túy tổng hợp, nhiều loại ma túy mới xuất hiện, thẩm lậu vào địa bàn tỉnh (cỏ mỹ, shisha, tem giấy…) gây khó khăn cho công tác phòng ngừa, đấu tranh.

Số người nghiện tăng và trẻ hóa (năm 2014 có 4.149 người nghiện, đến năm 2018 có 4.880 người); người nghiện đã có ở 283/286 xã, phường, thị trấn (chiếm 98,9%). Tình trạng thanh, thiếu niên sử dụng ma túy tổng hợp gia tăng kéo theo nhiều hệ lụy phức tạp về trật tự xã hội; trên một số địa bàn giáp ranh đã xuất hiện việc lợi dụng kinh doanh quán bar, karaoke... để tụ tập, lôi kéo thanh thiếu niên tổ chức sử dụng ma túy tổng hợp gây mất an ninh trật tự.

Đối với công tác phòng, chống mại dâm, hoạt động mại dâm trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, hoạt động tinh vi, núp bóng dưới hình thức kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ, quán karaoke, cắt tóc, gội đầu trá hình. Theo thống kê từ năm 2014-2018, trung bình hàng năm có từ 30-60 đối tượng hoạt động mại dâm, trong đó số đối tượng ở các tỉnh ngoài về địa bàn tỉnh hoạt động chiếm tỷ lệ cao từ 70-79%. Đáng chú ý, manh nha xuất hiện một số đường dây chăn dắt, môi giới, điều phối gái mại dâm, phục vụ tại các quán karaoke, nhà nghỉ tiềm ẩn phức tạp.

Đoàn công tác đến thăm Cơ sở cấp phát thuốc Methadone, tại Trung tâm Y tế thành phố Thái Bình: Ảnh: Thùy Chi

Vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế

Xác định rõ công tác đấu tranh phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài và thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, thời gian qua địa phương đã tập trung, thực hiện nghiêm túc, toàn diện, đồng bộ, bám sát các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ giải pháp đề ra. Công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm và HIV/AIDS đã đạt được những kết quả tích cực, mở nhiều đợt cao điểm tấn công trấn áp quyết liệt tội phạm và tệ nạn ma túy, mại dâm; qua đó, nhiều đường dây tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy về địa bàn tỉnh được phát hiện, bóc gỡ, thu giữ lượng lớn các chất ma túy, nhiều tụ điểm, điểm phức tạp về ma túy, mại dâm được giải quyết, triệt xóa không để bức xúc trong nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy mại dâm vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Cụ thể, chính sách, pháp luật chưa được hoàn thiện, còn một số nội dung chồng chéo, mâu thuẫn hoặc chưa phù hợp với thực tế, cụ thể như: Độ tuổi áp dụng biện pháp đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc: Theo Khoản 1, Điều 29 Luật Phòng chống ma túy ( năm 2008) người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi thuộc diện áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; nhưng theo Khoản 1 Điều 96 Luật Xử lý vi phạm hành chính (năm 2012) quy định chỉ áp dụng đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên.

Thẩm quyền đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc: Luật Phòng, chống ma túy quy định Chủ tịch UBND cấp huyện có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; nhưng Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền quyết định.

Luật quy định chế tài xử lý đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện vi phạm (để cho nhiều người sử dụng ma túy, mại dâm) chưa đủ sức răn đe; có những cơ sở kiểm tra phát hiện vi phạm nhiều lần nhưng nếu không trong thời hạn 1 năm thì không coi là tái vi phạm và không có cơ sở để đề nghị rút giấy phép kinh doanh; có những cơ sở tìm cách thay đổi người đứng tên giấy phép kinh doanh nhằm trốn tránh sự xử lý của pháp luật.

Nguồn nhân lực trên địa bàn hiện cũng rất khó khăn, lực lượng làm nhiệm vụ phòng chống ma túy, mại dâm hiện nay, nhất là tại cấp cơ sở (công an xã, bảo vệ dân phố, cán bộ LĐTB&XH, y tế cấp cơ sở…) còn thiếu về số lượng, hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, chưa có kỹ năng, phương pháp tư vấn, trị liệu, nhiều trong số đó hoạt động kiêm nhiệm.

Nhiều người nghiện, gia đình người nghiện không hợp tác làm việc, khai báo các triệu trứng nghiện; trốn tránh, đối phó việc xác định tình trạng nghiện; không tự nguyện đăng ký cai nghiện tự nguyện. Nhiều đối tượng lợi dụng chương trình điều trị thay thế bằng Methadone (không phải vào các trung tâm cai nghiên) để thực hiện các hoạt động vi phạm pháp luật tại địa phương.

Hoạt động mại dâm hiện nay rất tinh vi, phức tạp trá hình dưới các dịch vụ hợp pháp khác như xông hơi, massage, tẩm quất, karaoke.... với nhiều cách thức (trực tiếp, thông qua mạng…), đối tượng đa dạng (bán dâm nam, đồng tính, học sinh…) trong khi chế tài của Nhà nước lại phi hình sự hóa (gái mại dâm biết khi bị bắt giữ, không bị xử lý hình sự mà bị chỉ xử phạt vi phạm về hành chính), mức xử phạt còn thấp, không đủ tính răn đe đối với các đối tượng dẫn đến tình trạng tái phạm nhiều lần…

Triển khai toàn diện công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm

Để công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm đạt hiệu quả cao hơn nữa ông Phạm Văn Xuyên, Phó Chủ tịch tỉnh Thái Bình cho biết, trong thời gian tới, địa phương sẽ tập trung triển khai một cách toàn diện và quyết liệt công tác này. Địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là chỉ đạo các địa phương tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền, đoàn thể ở cơ sở để tuyên truyền, vận động nhân dân cam kết đấu tranh, phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm và phòng, chống HIV/AIDS.

Đoàn công tác đến thăm Cơ sở cai nghiện, chăm sóc xã hội, Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động thành phố. Ảnh: Thùy Chi

Tại buổi làm việc, địa phương kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma tuý năm 2008 và Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 cho phù hợp với công tác phòng, chống ma tuý nói chung và công tác cai nghiện ma tuý nói riêng; nghiên cứu, ứng dụng các bài thuốc, phương pháp điều trị nghiện ma túy có hiệu quả; xây dựng phác đồ điều trị nghiện ma túy cho người nghiện ma túy tổng hợp, dạng đá. Tổng kết, đánh giá hiệu quả mô hình điều trị người nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế methadone trên phạm vi toàn quốc.

Thường xuyên tổ chức tập huấn theo ngành dọc cho đội ngũ cán bộ cơ sở để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong thực hiện công tác cai nghiện, quản lý người nghiện, đấu tranh xử lý tội phạm về ma túy. Tăng cường đầu tư kinh phí phục vụ công tác phòng chống phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm.

Ông Đoàn Hữu Bẩy, đánh giá cao sự quan tâm, chỉ đạo của UBND tỉnh cũng như những kết quả mà UBND tỉnh đã đạt được trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm thời gian qua. Công tác tuyên truyền đã có sự đổi mới về nội dung, đa dạng về hình thức, hướng nhiều hơn đến cơ sở và các nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Công tác cai nghiện ma túy từng bước được đổi mới, đặc biệt công tác cắt cơn, điều trị, lao động trị liệu đã đạt hiệu quả cao.

Tuy nhiên, Thái Bình vẫn là 1 trong 10 địa phương có số người nghiện ma tuý cao nhất trên cả nước, tội phạm ma tuý, mại dâm vẫn diễn biến phức tạp, chỉ tiêu điều trị Methadone mới đạt được 44% do Chính phủ giao, chưa đa dạng được các hình thức biện pháp cai nghiện, chưa thu hút được cai nghiện tự nguyện, mục tiêu 90 thứ nhất trong 3 mục tiêu 90-90-90 của công tác phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn khó khăn.

Ông Đoàn Hữu Bẩy đề nghị UBND tỉnh tiếp thu ý kiến của các đại biểu, thành viên Đoàn công tác để cập nhật bổ sung hoàn thiện đưa vào báo cáo, để UBQG tham mưu cho Chính phủ. Đề nghị tỉnh chuyển đổi, kiện toàn ngay 2 cơ sở cái nghiện; đẩy mạnh công tác cai nghiện bắt buộc; bảo đảm đưa người nghiện vào cai nghiện theo đúng quy định địa phương, không để xảy ra tình trạng người nghiện bỏ trốn; mở rộng công tác điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone để đạt được chỉ tiêu do Chính phủ giao; đưa ra kế hoạch, giải pháp trong tình hình mới, xu hướng sử dung ma túy tổng hợp gia tăng. Chú trọng thực hiện 2 mục tiêu 90 đầu tiên trong phòng, chống HIV/AIDS, đó là 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của mình; 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng HIV (ARV).

Nhân dịp này, Đoàn công tác đã đến thăm Cơ sở cấp phát thuốc Methadone, tại Trung tâm Y tế thành phố và thăm Cơ sở cai nghiện, chăm sóc xã hội, Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động thành phố.

Top