Tạo điều kiện các cô gái "lầm lỡ" tái hòa nhập cộng đồng

09/10/2019 08:40

Trên địa bàn TPHCM, tệ nạn mại dâm được các cơ quan chức năng đánh giá là vẫn nóng và có chiều hướng biến tướng phức tạp, đa dạng về đối tượng tham gia hoạt động dưới những vỏ bọc là nhân viên, tiếp viên, kỹ thuật viên các dịch vụ nhạy cảm... Vì vậy, để phụ nữ mại dâm tái hoà nhập cộng đồng một cách bền vững nhất là một trong những mục tiêu quan trọng trong công tác phòng chống mại dâm.


Đa dạng mô hình tái hòa nhập cộng đồng

Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện các chính sách pháp luật về phòng chống mại dâm, các cấp, các ngành còn tích cực tham gia công tác tuyên truyền, vận động và xây dựng mô hình hỗ trợ phụ nữ hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng với nhiều giải pháp cụ thể nhằm góp phần tạo điều kiện cho chị em có cuộc sống ổn định, tự giác không tái phạm.

Theo Sở LĐTB&XH TPHCM, đầu năm 2019, trên địa bàn Thành phố hiện có 8.862 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, khiêu dâm, kích dục (giảm 771 cơ sở so với cùng kỳ năm 2017). Thời gian qua, Sở đã Phối hợp 24 quận-huyện tổ chức triển khai cho 8.401/8.862 cơ sở đăng ký thực hiện ký bản cam kết không để tệ nạn mại dâm và khiêu dâm, kích dục xảy ra tại cơ sở (đạt 94,7%). Phối hợp với các quận-huyện chủ động đấu tranh chuyển hóa được 8/8 điểm, tụ điểm, tuyến đường (đạt 100% kế hoạch năm).

Nhiều mô hình giúp người bán dâm hoàn lương

Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án "Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về". Tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan và địa phương xây dựng có hiệu quả thí điểm mô hình "Hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền của người lao động làm việc tại cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm" trên địa bàn phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân.

Một trong những dự án được Sở LĐTB&XH TPHCM phối hợp với Trung tâm Phát triển sáng kiến hỗ trợ cộng đồng (SCDI) đang thực hiện khá hiệu quả là mô hình hỗ trợ can thiệp giảm tác hại đối với nữ lao động đang làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện trên địa bàn phường Phạm Ngũ Lão (quận 1).

Duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả thí điểm Mô hình "Tăng cường khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội của nhóm người bán dâm"; Mô hình "Đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm"; Mô hình "Hỗ trợ, can thiệp giảm hại đối với nữ lao động đang làm việc tại cơ sở kinh doanh dịch vụ".

Sau 2 năm thực hiện, các nhóm tự lực hỗ trợ người bán dâm trong mô hình đã tiếp cận những đối tượng nữ lao động tại các cơ sở dễ phát sinh tệ nạn xã hội trên địa bàn để truyền thông thay đổi hành vi tình dục không an toàn; khám sức khỏe định kỳ, cung cấp các kiến thức pháp luật, hỗ trợ pháp lý và xã hội có liên quan. Hiện Sở LĐTB&XH TP đang tiếp tục làm việc, hỗ trợ UBND quận 1 triển khai hoạt động của mô hình trong năm 2019. Ngoài ra còn hỗ trợ học nghề và giới thiệu việc làm thông qua chương trình an sinh xã hội để giúp đỡ người bán dâm hoàn lương, thay đổi công việc, ổn định cuộc sống.

Phá bỏ rào cản giúp người bán dâm hoàn lương

Có thể thấy, nguyên nhân chính đẩy nhiều người vào con đường mại dâm là do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có nghề nghiệp. Và đó cũng là nguyên nhân khiến phần lớn họ không thể hoàn lương.

Cùng với đó, sự phân biệt đối xử là một rào cản đối với những người hoạt động mại dâm có ý định bỏ việc bán dâm và kiếm kế sinh nhai khác. Mặc dù Nhà nước có chính sách hỗ trợ vay vốn cho người hoạt động mại dâm trở về với cộng đồng, tuy nhiên, nhiều người không đăng ký vì lo sợ bị cộng đồng kỳ thị. Do vậy, số lượng người mại dâm tiếp cận vốn vay rất thấp.

Để phụ nữ mại dâm tái hoà nhập cộng đồng một cách bền vững nhất là một trong những mục tiêu quan trọng trong công tác phòng chống mại dâm. Vì thế, thời gian qua, TPHCM đã đẩy mạnh công tác hỗ trợ, giúp đỡ người mại dâm hoàn lương bằng nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả.

Ngoài ra, Thành phố còn có những chính sách thiết thực để giúp người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng như hỗ trợ học nghề, vay vốn. Tuy nhiên, đa số người bán dâm đều là người ngoại tỉnh, không có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú ổn định, gây khó khăn cho việc xét duyệt và hỗ trợ các chị em.

Đồng thời, tổ chức nắm tình hình, điều tra về địa bàn, đối tượng tổ chức hoạt động mại dâm và đấu tranh với tội phạm liên quan đến hoạt động mại dâm, đặc biệt đối với mại dâm trẻ em; Tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực về công tác thanh tra, kiểm tra cho  thanh tra lao động, thanh tra văn hóa, công an, thành viên của Đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống mại dâm các cấp; Tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm.

Bên cạnh đó, Sở LĐTB&XH TPHCM tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng ngừa mại dâm, ma túy. Đặc biệt chú trọng đến công tác phối hợp liên ngành, tạo sự đồng thuận về quan điểm tiếp cận mới về phòng ngừa, giảm tác hại và hỗ trợ người bán dâm, bảo đảm quyền con người và hỗ trợ thay đổi công việc, hòa nhập xã hội; giới thiệu, nhân rộng mô hình, điển hình về công tác phòng, chống mại dâm, phục hồi và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Top