Tái nghiện nhiều lần sẽ bị xử lý hình sự?

17/09/2020 16:54

Nhiều ý kiến cho rằng, việc sửa đổi Luật phòng, chống ma túy lần này phải ở mức độ chặt chẽ, cứng rắn, cương quyết hơn; nhân đạo phải có tầng lớp.

Ảnh minh họa

Theo Bộ Công an, vấn đề cai nghiện ma túy hiện nay có nhiều bất cập khi số người nghiện gia tăng, năm 2009 cả nước có 146.731 người nghiện có hồ sơ quản lý, đến tháng 12/2019 cả nước có 235.314 người nghiện có hồ sơ quản lý (tăng 60%). Đó là chưa kể số người giấu, không công khai trong cộng đồng.

Đáng báo động tình hình người nghiện sử dụng đồng thời nhiều loại ma túy ngày càng phổ biến; việc sử dụng ma túy tổng hợp và các chất hướng thần gây rối loạn tâm thần “ngáo đá” dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật và gây ra các vụ án giết người vô cớ gây bức xúc, lo lắng trong nhân dân.

Tại dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), Bộ Công an đề xuất các quy định về chính sách cai nghiện theo hướng tạo điều kiện cho người nghiện cai nghiện tự nguyện, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; nếu người nghiện vẫn tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy hoặc vi phạm bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc lợi dụng việc cai nghiện tự nguyện để không bị áp dụng biện pháp đưa đi cai nghiện bắt buộc thì sẽ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Tái nghiện bao nhiêu lần thì sẽ bị xử lý hình sự?

Mới đây, tại buổi góp ý dự thảo Luật phòng chống ma túy (sửa đổi) do Đoàn đại biểu Quốc hội-HĐND TPHCM tổ chức, Thượng tá Trương Minh Đức, Phó Trưởng Công an huyện Hóc Môn cho biết trên thực tế có khoảng 80% người cai về nhà thì tái nghiện. Thượng tá Trương Minh Đức đề nghị trong dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) nên đề cập đến trách nhiệm của người sau cai nghiện.

“Anh vi phạm tái nghiện bao nhiêu lần thì sẽ bị điều chỉnh bởi luật hình sự? Chứ giờ nói tìm một biện pháp quản lý người nghiện là khó lắm. Vì vậy, sau khi cai nghiện về địa phương, nếu một cơ quan pháp luật, tổ chức xã hội phát hiện anh tái nghiện thì chuyển qua xử lý hình sự. Chứ mãi xử lý hành chính thì không đủ sức răn đe”, Thượng tá Trương Minh Đức nói.

Có thể nói cai nghiện ma túy là một hành trình đầy gian nan, phức tạp, tỷ lệ người cai nghiện thành công là rất ít, đặc biệt rất nhiều vụ tội phạm xảy ra xuất phát từ người nghiện.

“Đặt họ vào vị trí nào?” - Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển bày tỏ băn khoăn khi đặt người nghiện ma tuý vào vị trí người bệnh, song lại cũng không thể coi họ là tội phạm vì yếu tố nhân đạo.

Tại cuộc họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống ma túy, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, với việc coi nghiện ma túy cũng là một loại bệnh nên vừa qua Chính phủ đã có sự chuyển đổi quan điểm tiếp cận, thay vì chú trọng các giải pháp cách ly người nghiện như trong giai đoạn trước, chuyển dần sang tập trung công tác dự phòng, điều trị, giảm tác hại là cần thiết và có hiệu quả.

Tuy nhiên người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy là người có hành vi vi phạm pháp luật, vì vậy, quan điểm đối xử với họ cũng cần theo hướng: Duy trì việc xử phạt vi phạm hành chính đối với việc người sử dụng trái phép chất ma túy. Bên cạnh đó, có biện pháp quản lý tại cộng đồng trong thời gian nhất định kết hợp các biện pháp giúp đỡ của chính quyền địa phương, xã hội, cộng đồng, gia đình đối với người người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy đã hoàn thành chương trình cai nghiện ma túy khi trở về cộng đồng và đa dạng hóa hình thức cai nghiện, thực hiện các phương thức cai nghiện phù hợp với từng nhóm đối tượng.

Không thể chờ đến khi người nghiện ma túy gây án thì mới coi là tội phạm

Cảnh báo những nguy cơ tiềm ẩn, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội  cũng đề nghị “cần cứng rắn hơn” nếu không sẽ khó giảm số người nghiện ma tuý. Do đó, dự thảo luật cần làm rõ hơn khi nào cai nghiện ở cộng đồng, khi nào được lựa chọn và khi nào phải bắt buộc với những biện pháp cương quyết hơn.

“Cần làm rõ trách nhiệm của gia đình. Có người nghiện ma tuý thì phải khai báo, không khai báo là vi phạm. Nên chăng cần rõ nguyên tắc này”, ông Phan Thanh Bình nêu ý kiến.

Đồng tính với ý kiến này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, nếu trong một xã, thôn, gia đình nào có người nghiện ma túy thì là điều khủng hoảng, lo lắng của cộng đồng dân cư, thành viên trong gia đình, tác động nghiêm trọng đến cuộc sống.

“Thậm chí gia đình có con em nghiện ma tuý thì tan cửa nát nhà. Tương lai của người nghiện dường như không lối thoát khi số người cai nghiện phần lớn không thành công. Từ nghiện dẫn đến phạm tội, kể cả người thân, cha mẹ cũng không có ý nghĩa gì khi muốn thoả mãn cơn nghiện. Nhiều vụ phạm tội xảy ra và có những vụ kinh hoàng”, ông Phùng Quốc Hiển bày tỏ.

Ông  Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, Luật lần này phải ở mức độ chặt chẽ, cứng rắn, cương quyết hơn; nhân đạo phải có tầng nấc. Cụ thể, theo ông, đối với người mới nghiện ma túy thì có biện pháp khuyến khích, giúp đỡ cai nghiện. Nếu tái nghiện lần thứ hai thì phải cưỡng chế cai nghiện. Trường hợp tái nghiện đến lần thứ ba thì phải coi như là một loại tội phạm, cần tính đến cách ly ra khỏi xã hội.

"Không thể chờ đến khi người nghiện ma túy gây án thì mới coi là tội phạm", ông Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

Top