Tác dụng mới của vaccine HPV

29/09/2014 10:27

Theo một nghiên cứu mới của Trường Đại học Sydney, ngoài hiệu quả ngăn chặn việc thay đổi các tế bào có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung, vaccine HPV còn có tác dụng bảo vệ cơ thể trước bệnh mụn cóc sinh dục, còn gọi là bệnh sùi mào gà.

Kể từ khi vaccine HPV đầu tiên, Gardasil, được FDA (Cục Quản lý dược phẩm Hoa Kỳ) cấp phép vào năm 2006, hiệu quả của nó trong việc ngăn chặn các biến đổi tế bào có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung đã trở thành tâm điểm chú ý của ngành y học.

Một nghiên cứu mới đã tập trung vào khả năng của vaccine Gardasil trong việc làm giảm tỷ lệ mắc bệnh mụn cóc sinh dục. Các nhà nghiên cứu Australia nhận thấy tỷ lệ phụ nữ độ tuổi từ 12-27 có mụn cóc sinh dục đã giảm 61% kể từ khi nước này bắt đầu cung cấp việc chủng ngừa vaccine này miễn phí cho các bé gái và phụ nữ trong độ tuổi trên.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Plos One, với việc phân tích dữ liệu hơn một triệu ca khám bệnh giữa bác sĩ và bệnh nhân trong 10 năm (2000-2012),

Vào giai đoạn 2002 và 2006, tỷ lệ các trường hợp mắc bệnh mụn cóc sinh dục tới khám bác sĩ đa khoa (những người thường xuyên phải xử lý các bệnh lây truyền qua đường tình dục) có tỉ lệ 4,33 trên 1.000 ca. Tuy nhiên, sau khi Australia áp dụng chương trình tiêm vaccine HPV miễn phí vào năm 2007, con số này đã giảm mạnh còn 1,67 trong những năm tiếp theo

Tại Australia, chương trình tiêm chủng quốc gia cung cấp vaccine miễn phí cho tất cả phụ nữ trong độ tuổi được FDA phê chuẩn (12-27 tuổi); còn tại Hoa Kỳ, cả Gardasil và Cervarix đều có tính phí, nhưng chúng được chi trả bởi hầu hết các loại hình bảo hiểm, mọi người có thể được hưởng ở một mức phí rất thấp, thậm chí là miễn phí tùy vào mức thu nhập của cá nhân.

Các bác sĩ khuyến cáo những người dưới 26 tuổi mà vẫn chưa được tiêm phòng, hãy đến gặp bác sĩ sản phụ khoa để trao đổi thêm tình hình và bắt đầu liệu trình tiêm vaccine HPV gồm 3 mũi theo đúng quy định.

 

Top