Sẽ ban hành Thông tư Chống quấy rối tình dục vào năm 2016

02/06/2015 15:13

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, quy định của pháp luật hiện hành về hành vi chống quấy rối tình dục chưa cụ thể, thiếu các văn bản và tài liệu hướng dẫn để nhận diện hành vi, làm cho việc phòng chống và xử lý hành vi vi phạm gặp nhiều khó khăn.

Ảnh minh họa

Ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc không phải là văn bản pháp lý mà chỉ mang tính chất khuyến nghị doanh nghiệp áp dụng vào trong nội quy, quy định. Quấy rối tình dục nói chung đã được quy định trong Bộ luật Hình sự, nhưng những hành vi đó chủ yếu là ở mức độ nặng, như tấn công tình dục, hiếp dâm, cưỡng dâm.

"Những hành vi quấy rối chưa đến mức phải điều chỉnh bằng pháp luật hình sự, nhưng lại gây tác hại cho môi trường làm việc, cản trở sản xuất, gây khó chịu cho người lao động vẫn đang diễn ra hàng ngày và cần có sự điều chỉnh. Vì vậy, bộ quy tắc ra đời được coi là văn bản hướng dẫn cách hành xử giữa người lao động với nhau, giữa người lao động và chủ sử dụng lao động", ông nói.

Theo ông Bốn, hành vi quấy rối chưa đến mức phải xử lý hình sự diễn ra rất nhiều nhưng các nhà làm luật lẫn quản lý chưa đưa vào quy định xử phạt. Trong trường hợp chưa có chế tài xử lý, nếu chủ sử dụng lao động lẫn người lao động tuân thủ bộ quy tắc và hành động theo đạo đức xã hội sẽ tốt hơn. 

Trước nhiều ý kiến nghi ngờ về tính khả thi của bộ quy tắc, đại diện Vụ Pháp chế thông tin rằng sẽ phấn đấu cuối năm 2016 nghiên cứu, ban hành một thông tư liên quan đến vấn đề quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho biết, Luật Lao động năm 2012 đã quy định nghiêm cấm hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Nhưng các quy định của pháp luật hiện hành còn mang tính chất chung chung, chưa cụ thể, thiếu các văn bản và tài liệu hướng dẫn để nhận diện hành vi này, làm cho việc phòng chống và xử lý hành vi vi phạm gặp nhiều khó khăn.

"Trong quá trình xây dựng bộ quy tắc, chúng tôi có tham khảo các bộ quy tắc thực hành phòng chống quấy rối tình dục có sẵn trên thế giới. Bộ quy tắc giúp người sử dụng lao động và người lao động xây dựng, lồng ghép vào nội quy, quy chế của đơn vị, làm cơ sở cho việc phòng chống quấy rối tình dục, giúp phát triển quan hệ lao động hài hòa, tạo môi trường làm việc lành mạnh, an toàn, năng suất và chất lượng cao", ông Huân nói.

Về phía đại diện người lao động, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, thời gian tới, Tổng Liên đoàn sẽ phối hợp với các bên liên quan để tuyên truyền thông qua các buổi đối thoại, tập huấn cho công nhân.

"Để bộ quy tắc đến được với người lao động, làm cho họ nhận biết được hành vi quấy rối tình dục và tự bảo vệ mình thì phải từng bước, không thể vội vàng", ông Chính nói và hy vọng khi bộ quy tắc được các doanh nghiệp áp dụng vào nội quy, quy định, được cơ quan quản lý lao động xác nhận thì khi xảy ra vi phạm, đối tượng sẽ bị xử lý theo nội quy lao động khi chưa có chế tài của pháp luật.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng cho rằng quấy rối tình dục đang trở thành vấn nạn tại nơi làm việc, cần có chế tài xử lý cụ thể. Ông Phòng cam kết sẽ khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện nghĩa vụ trong bộ quy tắc, áp dụng đưa vào nội quy doanh nghiệp, nhưng cần có lộ trình cụ thể. 

Trước đó, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Việt Nam từng hỗ trợ VCCI thực hiện chương trình thí điểm về phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, có sự tham gia của 24 doanh nghiệp cả nước. Hầu hết doanh nghiệp có phản hồi tốt về chương trình với quan điểm là luôn phòng hơn chống.

Ngày 25/5, Vụ Pháp chế (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, VCCI với sự giúp đỡ của ILO đã công bố Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Bộ quy tắc được khuyến nghị áp dụng vào làm nội quy cho tất cả doanh nghiệp, không kể quy mô.

Thuật ngữ "nơi làm việc" không chỉ bao hàm những địa điểm cụ thể nơi thực hiện công việc như văn phòng hay nhà máy, mà còn là những địa điểm khác có liên quan đến công việc, như các cuộc hội thảo, tập huấn, chuyến đi công tác chính thức, các bữa ăn liên quan đến công việc.

Tại điểm 2, Điều 8, Bộ Luật Lao động năm 2012 quy định "Cấm ngược đãi người lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc". Điều 37 ghi rõ, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nếu như bị ngược đãi, bị quấy rối tình dục, bị cưỡng bức lao động.

Hành vi quấy rối tình dục được đưa vào luật nhưng không có định nghĩa rõ ràng cũng như mới nêu lên những hành vi bị cấm, quyền và nghĩa vụ của người lao động mà chưa có chế tài xử phạt cũng như trách nhiệm bồi thường. Đến nay, dù luật có hiệu lực được 3 năm nhưng vẫn chưa có nghị định, thông tư nào hướng dẫn cụ thể bao gồm việc giải thích và mô tả để xác định chính thức thế nào là quấy rối tình dục.

Top