Sắp có hướng dẫn quốc gia về can thiệp cho người sử dụng ma túy tổng hợp

25/06/2018 11:32

Trong 2 ngày 25-26/6 tại Hải Phòng, Cục Phòng, chống AIDS, Bộ Y tế phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) tổ chức Hội thảo báo chí về can thiệp trong lĩnh vực y tế cho người sử dụng ma túy trong tình hình mới cho các phóng viên báo chí Trung ương và một số tỉnh, thành phố phía Bắc.

 TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống AIDS phát biểu tại hội thảo

TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống AIDS, Bộ Y tế cho biết, theo thống kê, cả nước có hơn 220 nghìn người nghiện, tuy nhiên con số thực tế có thể cao hơn nhiều. Hiện Bộ Y tế đang triển khai mô hình can thiệp cho nhóm sử dụng các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone và Buprenorphine. Trong thời điểm khi số người sử dụng ma túy tổng hợp tăng cao thì quan trọng nhất là điều trị cho những người đã bị loạn thần. Chính phủ đã giao Bộ Y tế nghiên cứu phác đồ, phương pháp điều trị ma túy tổng hợp. Hiện loại ma túy này chưa có thuốc điều trị, chủ yếu là tư vấn tâm lý.

TS. Hoàng Đình Cảnh cho biết, dự kiến trong năm nay sẽ có hướng dẫn quốc gia về can thiệp cho người sử dụng ma túy tổng hợp. Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống AIDS đề nghị các phóng viên nhà báo cùng chung tay tuyên truyền để xây dựng một quan điểm về điều trị nghiện ma túy phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới cũng như đảm bảo quyền con người của người nghiện ma túy, một nhóm yếu thế trong xã hội.

 Toàn cảnh hội thảo

Bà Cao Kim Thoa, Phó Trưởng phòng Phòng Truyền thông, Cục Phòng, chống AIDS cho biết, sử dụng ma túy tổng hợp đang có xu hướng gia tăng mạnh cả về số lượng và gánh nặng bệnh tật.  Báo cáo từ 21 tỉnh có số liệu cho thấy, số người sử dụng ma túy tổng hợp chiếm 46%. Một số tỉnh có tỷ lệ sử dụng ma túy tổng hợp trên 80% như Trà Vinh, Đà Nẵng, Quảng Trị… Gần như tất cả người sử dụng ma túy tổng hợp đều có nguy cơ nhiễm HIV do có quan hệ tình dục không an toàn và/hoặc tiêm chích chung. Chỉ có một tỷ lệ nhỏ người sử dụng ma túy tổng hợp bị lệ thuộc và/hoặc rối loạn tâm thần cần điều trị y khoa, nhưng tất cả trong số họ đều có nguy cơ bị nhiễm HIV và các bệnh máu. Người sử dụng thường không nhận thức được nguy cơ và vấn đề sức khỏe của chính mình, từ đó ảnh hưởng đáng kể đến dịch vụ chăm sóc hỗ trợ.

Hiện nay, gói can thiệp tối thiếu phòng, chống HIV cho người sử dụng ma túy tổng hợp gồm: Thông tin-giáo dục-truyền thông; giảm tác hại; dự phòng trước phơi nhiễm; dự phòng sau phơi nhiễm; xét nghiệm HIV (bao gồm cả test nhanh, test không chuyên) và chuyển gửi điều trị.

Về can thiệp giảm tác hại nói chung, bà Cao Kim Thoa cho biết, trong năm 2017, 126 nghìn lượt người nghiện chích ma túy tại 53 tỉnh, thành phố được tiếp cận 28 triệu bơm kim tiêm; hơn 58 nghìn lượt người nghiện chích ma túy, 28 nghìn lượt phụ nữ và 13 nghìn lượt vợ/bạn tình của người nhiễm HIV tại 50 tỉnh, thành phố được phát 21 triệu bao cao su. Đến 31/12/2017, hơn 53 nghìn bệnh nhân đã được điều trị Methadone tại 310 cơ sở điều trị trên cả nước. Điều trị Methadone giúp giảm sử dụng heroin trong nhóm bệnh nhân tham gia điều trị; cải thiện về sức khỏe thể chất và tâm thần cũng như chất lượng cuộc sống, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV; giảm tội phạm liên quan đến ma túy, đem lại lợi ích về kinh tế, trật tự an toàn xã hội.

Tại Hội thảo, các phóng viên báo chí cũng được cung cấp những thông điệp truyền thông liên quan đến người nghiện ma túy, đặc biệt là nghiện ma túy dạng tổng hợp và chia sẻ kết quả, kinh nghiệm quốc tế trong triển khai chương trình giảm thiểu tác hại cho người nghiện ma túy.

Top