Quyết liệt đấu tranh phòng, chống và xử lý tội phạm

19/11/2018 08:31

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV tuần qua, Quốc hội đã dành một ngày thảo luận tại hội trường về các báo cáo công tác năm 2018 của các cơ quan tư pháp trong phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật công tác thi hành án và phòng, chống tham nhũng.

Tăng cường đấu tranh tội phạm-Ảnh Internet

Đây là lĩnh vực được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm coi trọng, nâng cao hiệu quả hoạt động, nhằm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Báo cáo phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2018 nêu rõ, Chính phủ đã bám sát chỉ đạo của Trung ương Đảng và các nghị quyết của Quốc hội để chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện quyết liệt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật đạt nhiều kết quả tích cực. Qua đó đã góp phần bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia, làm thất bại nhiều âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; xử lý kịp thời các vụ việc phức tạp liên quan đến biểu tình, gây rối, khủng bố, phá hoại. Đấu tranh làm giảm 2,72% số vụ phạm pháp hình sự, tỷ lệ điều tra, khám phá đạt 81,33% (vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra); triệt phá 3.580 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại; bắt, vận động đầu thú, thanh loại 6.360 đối tượng truy nã, trong đó có 1.389 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm...

Tuy nhiên, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp. Các tổ chức phản động lưu vong tiếp tục tăng cường hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, thâm độc; tội phạm, vi phạm pháp luật về trật tự xã hội tuy giảm 2,72% về số vụ, nhưng tính chất vẫn nghiêm trọng, cường độ bạo lực gia tăng. Tội phạm cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản chiếm tỷ lệ cao, thủ đoạn tinh vi, tính chất manh động. Tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng diễn ra phức tạp, nhất là “tham nhũng vặt” trong khu vực hành chính, dịch vụ công.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội và phát biểu ý kiến tại hội trường, đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang), Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) và một số đại biểu nhận định: Năm 2018, tình hình an ninh trật tự tại một số địa phương vẫn diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm nghiêm trọng tăng như: tội phạm giết người, tội phạm mạng công nghệ cao, tội phạm ma túy, tội xâm phạm tình dục trẻ em, tội xâm phạm tài sản... Vụ án giết người bằng những thủ đoạn dã man có xu hướng tăng; hoạt động tín dụng đen gắn với các tổ chức đòi nợ thuê theo kiểu xã hội đen không chỉ tồn tại ở đô thị mà đang len lỏi nhanh, lan rộng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vấn nạn phân bón giả, thuốc trị bệnh giả, phế liệu giả, giám định tâm thần giả, kết quả thi giả, thương binh giả cho thấy, công tác quản lý còn bộc lộ nhiều sơ hở và bất cập. Gần 12 nghìn đối tượng bị truy nã đang ở ngoài xã hội, tiềm ẩn cao nguy cơ phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật.

Đáng chú ý, tội phạm liên quan ma túy diễn biến rất phức tạp và ngày càng gia tăng. Báo cáo của Chính phủ cho biết, năm 2018 đã phát hiện 24.931 vụ, tăng 6,04% so với năm 2017. Số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý là 224.690 người, tăng hơn 2.000 người so với năm 2017. Điều đáng nói là, tội phạm, tệ nạn ma túy đã mở rộng địa bàn hoạt động ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, xâm nhập vào học đường. Các loại ma túy liên tục xuất hiện nhiều loại cực độc gây tác hại nghiêm trọng cho người sử dụng.

Tuy nhiên, việc phát hiện, nhận diện loại ma túy mới còn nhiều hạn chế. Thanh, thiếu niên sử dụng chất gây nghiện ma túy tại các quán bar, vũ trường và một số lễ hội âm nhạc khá phổ biến, nhưng chưa được tập trung kiểm soát; loại tội phạm giết người do ảo giác từ sử dụng ma túy có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa, gây hoang mang trong dư luận nhân dân... Đây là những vấn đề cần có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ cao hơn nữa của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị để công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật đạt hiệu quả cao hơn, đã và đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Đề cập công tác phòng, chống tham nhũng, đại biểu Quốc hội Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) và một số đại biểu cho rằng, công tác phòng chống tham nhũng trong thời gian qua đã tập trung ở những vụ việc, vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng. Việc ngăn chặn, xử lý tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập. Tham nhũng vặt ngang nhiên tồn tại và thường tập trung trong các lĩnh vực điển hình, như: y tế, giáo dục, vi phạm giao thông, hải quan, thuế, cấp phép đầu tư, đăng ký kinh doanh, đấu thầu, xây dựng, làm giấy tờ nhà đất, giải quyết các thủ tục hành chính ở bộ phận một cửa, trong tuyển dụng, đề bạt, sắp xếp, bố trí, bổ nhiệm cán bộ công chức, viên chức. Tuy nhiên, người dân và doanh nghiệp chưa dám mạnh dạn đấu tranh, phê phán, tố cáo hành vi tiêu cực vì ngại đụng chạm, sợ bị trù dập, bị gây khó khăn, ảnh hưởng đến quyền lợi của chính mình... Vì vậy, cần kiên quyết xử lý và siết chặt trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương để xảy ra hiện tượng nhũng nhiễu, hành dân trong giải quyết công việc, nhằm lấy lại niềm tin của nhân dân.

Các đại biểu Quốc hội đề nghị, thời gian tới Quốc hội, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội, phòng, chống tham nhũng và vi phạm pháp luật; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ chế độ trách nhiệm, công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát. Chỉ đạo các bộ trưởng, trưởng ngành chức năng có giải pháp mạnh mẽ để ngăn chặn tội phạm ngay trong chính các lực lượng chuyên trách nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng và vi phạm pháp luật.

Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo ngành Công an thực hiện có hiệu quả các quy chế phối hợp, nghị quyết liên tịch giữa Bộ Công an với các ngành, đoàn thể về phòng ngừa tội phạm ma túy trong thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên; tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự. Đẩy mạnh hoạt động phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đạo đức, lối sống, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tinh thần cảnh giác, trách nhiệm tham gia phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật với nhiều hình thức, nội dung phù hợp từng đối tượng, lứa tuổi, vùng miền, dân cư, nhất là trong thanh, thiếu niên; nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.

Top