Quốc gia thành công trong việc giảm thiểu lây nhiễm HIV

13/12/2017 15:52

Ấn Độ đã trở thành quốc gia thành công trong việc giảm thiểu sự lây nhiễm HIV.

Ảnh minh họa

Bà Sonal Mehta, Tổ chức HIV/AIDS Alliance, cho biết: "Chìa khoá cho sự thành công của cuộc chiến chống HIV tại đây chính là các loại thuốc generic - loại thuốc có cùng hoạt chất như biệt dược gốc nhưng rẻ hơn. Ai cũng cần được tiếp cận với các phương pháp phòng chống HIV, kể cả người giàu lẫn người nghèo". 

Hiện nay, nhiều người nhiễm HIV được điều trị đã cải thiện được sức khỏe, sống như những người bình thường khác. Bà Mona Balani và con trai đã sống với virus HIV trong 20 năm qua. Họ sinh hoạt và làm việc như những người bình thường. Bà Mona đang là một trong những phụ nữ đi đầu phong trào nâng cao nhận thức về HIV/AIDS tại Ấn Độ.

Bà Mona cho biết, được như ngày hôm nay là do bà tuân thủ điều trị tốt. Nhờ có Chính phủ cung cấp thuốc miễn phí nên bà đã lấy lại được tinh thần, làm việc và sống có ích cho xã hội.

"May mắn lớn nhất của tôi là đã bắt đầu điều trị kịp thời. Nhờ vậy mà bây giờ tôi có cuộc sống lành mạnh hơn và không lây lan ra cộng đồng", bà Mona Balani nói.

Theo báo cáo của Chương trình phối hợp phòng, chống HIV/AIDS của Liên Hợp Quốc, Ấn Độ là quốc gia có số người nhiễm HIV cao nhất trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và nhiều thứ 3 thế giới, sau Cộng hòa Nam Phi và Nigieria. Chỉ riêng trong năm 2015, hơn 68.000 người chết vì AIDS tại quốc gia này.

Thế nhưng từ năm 2010 đến nay, số ca nhiễm đã giảm xuống một nửa. Chương trình Kiểm soát AIDS Quốc gia được Chính phủ tài trợ hoàn toàn, cam kết hỗ trợ trị liệu và thuốc men cho 100% bệnh nhân. Quốc gia này cũng là nơi sản xuất 80% lượng thuốc phòng, chống HIV giá rẻ cho toàn thế giới.

Trước đó, Ấn Độ đã thông qua một dự luật mang tính bước ngoặt nhằm bảo đảm quyền công bằng cho những người phải sống chung với HIV/AIDS. Dự luật nêu rõ, hành động phân biệt đối xử với những người bị nhiễm và sống chung với  HIV/AIDS sẽ bị coi là phạm pháp. Với dự luật mới này, Ấn Độ đã trở thành quốc gia Nam Á đầu tiên ban hành luật bảo vệ quyền lợi của những người chung sống với căn bệnh thế kỷ.

Dự luật cấm các hành vi phân biệt đối xử với bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS ở nơi làm việc hay không cho họ hưởng các dịch vụ giáo dục, nhà ở, chăm sóc y tế cũng như quyền đại diện, mở các văn phòng. Ngoài ra, các doanh nghiệp và những cơ sở công cộng bị coi là phạm pháp nếu từ chối tiếp nhận người lao động bị nhiễm HIV/AIDS.
Top