Quấy rối tình dục và bài học đau lòng từ Ấn Độ

28/05/2015 15:57

Tới 90% công ty tư nhân, văn phòng của chính phủ tại Ấn Độ không có quy định xử phạt về quấy rối tình dục, dù trước đó nước này đã ban hành luật pháp, quy tắc về vấn nạn này, theo FirstPost.

Biểu tình chống hiếp dâm tại Ấn Độ. Ảnh Reuters

Có quy định nhưng không tuân thủ

Tháng 12/2012, vụ hiếp dâm tập thể ngay tại thủ đô New Delhi khiến một phụ nữ chết đã làm chấn động dư luận quốc tế. Đó là đỉnh điểm của một trong những vấn đề lớn nhất ở xã hội Ấn Độ: Tình trạng phụ nữ bị hiếp dâm và lạm dụng tình dục.

Mặc dù vậy, phản ứng từ phía chính quyền không được như mong đợi. Sau làn sóng phản đối và yêu cầu cải cách tư pháp, tình hình không thuyên giảm, do sự không đồng bộ trong thực thi quy định.

Trong bài viết ngày 18.5 vừa qua, trang FirstPost của Ấn Độ dẫn lời "thú nhận" của bà Maneka Gandhi, người đứng đầu cơ quan về phát triển phụ nữ và trẻ em, cho biết có tới 90% các công ty tư nhân và văn phòng của chính phủ không có quy định xử phạt về quấy rối tình dục.

Trang The Times of India cũng cho biết trong một cuộc tranh luận về chức năng của Bộ Phát triển phụ nữ và trẻ em đã nói rằng "Đạo luật cấm quấy rối tình dục phụ nữ tại nơi làm việc năm 2013 đã được thông qua, nhưng việc thực hiện là điều khó khăn".

Theo đó, chính phủ Ấn Độ tuyên bố có thể rút giấy phép hoạt động của các công ty, tổ chức không giải quyết đơn khiếu nại xâm hại tình dục của phụ nữ. Tuy nhiên, đa phần không ai thành lập một ủy ban chuyên trách thực thi những điều này.

Mặt khác, phụ nữ Ấn Độ cũng như đa phần phụ nữ nói chung đều sợ không được giải quyết thỏa đáng và sợ mất việc khi tiết lộ sự thật nên mọi thứ vẫn diễn ra âm thầm như khi chưa có luật ban hành.

Sống chung với lũ

Trong một báo cáo năm 2014 do Cơ quan Thống kê tội phạm hình sự Quốc gia Ấn Độ (NCRB) đưa ra, trung bình mỗi ngày có 93 phụ nữ Ấn Độ bị tấn công tình dục. Trong đó không thiếu những vụ hiếp dâm, tấn công tình dục tập thể, theo The Times of India.

Khi pháp luật, quy định không được thực thi và tuân thủ nghiêm ngặt, người Ấn Độ tìm cách "tự cứu lấy mình".

Hồi tháng 2 năm nay, tổ chức thông tin CSMonitor cho biết phụ nữ Ấn Độ đã dùng smartphone để báo cáo các vấn đề lạm dụng tình dục thông qua phím tắt SOS.

Ý tưởng này xuất hiện sau khi một tài khoản trên YouTube đăng tải đoạn video của một phụ nữ Ấn Độ phản ứng với kẻ lạm dụng cô. Đoạn video trên khiến cư dân mạng sôi sục vì nó diễn tả thực tế đáng buồn trong xã hội Ấn Độ: Chuyện lạm dụng tình dục diễn ra hằng ngày, ở bất cứ nơi đâu, trong khi những người chứng kiến không ai can thiệp.

Những phản ứng từ phía chính quyền sau vụ hãm hiếp năm 2012 không mang lại sự an toàn cho người bị hại. Một cuộc thăm dò của Hindustan Times năm nay cho biết đa phần phụ nữ Ấn Độ nói họ không cảm thấy tình hình thuyên giảm.

Có 309.546 hành vi vi phạm nhằm vào phụ nữ được gửi báo cáo cho cảnh sát vào năm 2013, tăng từ 244.270 trong năm 2012, theo NCRB.
Top