Quảng Nam: Tăng cường tiếp cận thông tin và chăm sóc HIV cho nhóm khó tiếp cận

16/09/2020 14:36

Quảng Nam vừa triển khai dự án “Tăng cường tiếp cận thông tin và chăm sóc HIV cho nhóm khó tiếp cận và nhóm có nguy cơ cao tại miền Trung - Tây Nguyên Việt Nam”. Dự án do Tổ chức Vietnam Health Improvement Projects (VNHIP) tài trợ.

Tư vấn cho bệnh nhân HIV tại Khoa Phòng chống HIV/AIDS. Ảnh: TTKSBT Quảng Nam cung cấp

Mục tiêu của dự án nhằm góp phần cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống của cộng đồng khó tiếp cận, có nguy cơ cao nhiễm HIV.

Dự án do Sở Y tế Quảng Nam làm chủ dự án, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam thực hiện tại huyện Phước Sơn, từ tháng 9/2020 đến tháng 8/2021 với tổng kinh phí hơn 860 triệu đồng.

Sở Ngoại vụ và Sở Tài chính Quảng Nam chịu trách nhiệm hướng dẫn Sở Y tế Quảng Nam thực hiện dự án theo đúng quy định của Nhà nước về tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài.

Việc triển khai dự án trong thời điểm hiện nay là rất cần thiết, ông Trần Văn Kiệm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Quảng Nam cho biết, thời gian qua, công tác phòng chống HIV/AIDS ở Quảng Nam đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, kiềm chế được tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư. Đặc biệt, chương trình can thiệp giảm hại đã đạt kết quả tốt như chương trình điều trị nghiện bằng thuốc Methadone đạt 121% (so với chỉ tiêu giao 400 bệnh nhân). Tỷ lệ bệnh nhân đang tham gia điều trị ARV có thẻ bảo hiểm y tế đạt hơn 95%, công tác tư vấn và làm xét nghiệm đạt kế hoạch chỉ tiêu đề ra.

Địa phương hiện có 2 cơ sở điều trị thuốc ARV cho người nhiễm HIV là tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam. Tổng số bệnh nhân đang tham gia điều trị ARV là 368.

Điều trị HIV sớm có thể làm giảm 41% nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội và do đó có thể làm giảm nguy cơ tử vong, giảm 96% nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục và giảm tỷ lệ lây truyền HIV/AIDS từ mẹ sang con xuống 2%. Đồng thời, giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình và ngành y tế trong hoạt động điều trị và dự phòng.

Phần lớn nguồn thu hút ARV chiếm khoảng 95% được tài trợ bởi các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, các tổ chức này đã thực hiện lộ trình cắt giảm ARV và kết thúc hoàn toàn vào cuối năm 2017. Do vậy giải pháp lâu dài và bền vững cho việc điều trị ARV là thanh toán chi phí điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS (bao gồm cả ARV) thông qua BHYT, bất kỳ ai tham gia BHYT đều được chi trả một phần hoặc là toàn bộ chi phí khám chữa bệnh.

Top