Phụ nữ mang thai nhiễm HIV cần được phát hiện sớm

26/05/2015 14:42

Trong các con đường lây nhiễm HIV thì tỷ lệ lây nhiễm HIV qua đường tình dục trên địa bàn thành phố Đà Nẵng chiếm tới 63%. Tỷ lệ nữ giới nhiễm HIV có chiều hướng gia tăng nên tỷ phụ nữ mang thai nhiễm HIV cũng tăng theo. Đáng chú ý, nhiều bà mẹ nhiễm HIV do không biết tình trạng nhiễm của mình nên đã không được chăm sóc, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai - Ảnh minh họa

Theo thống kê của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Đà Nẵng, trong quý I năm 2015, thành phố phát hiện 37 người nhiễm HIV mới, nâng tổng số người nhiễm HIV được phát hiện lên 1.825 người. Trong đó, gần 790 người chuyển sang giai đoạn AIDS, 443 người tử vong do AIDS. Hiện toàn thành phố có 591 trường hợp nhiễm HIV còn sống và 264 trường hợp đang được điều trị ARV tại 2 phòng khám ngoại trú người lớn và trẻ em.

Bác sĩ Trần Thanh Thuỷ, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Đà Nẵng cho biết, trong 5 năm gần đây, số ca phát hiện nhiễm HIV mới trên địa bàn thành phố có xu hướng ổn định, đối tượng lây nhiễm HIV có xu hướng trẻ hóa trong nhóm 20 - 39 tuổi (chiếm 70,3%), chủ yếu lây nhiễm qua đường tình dục chiếm ưu thế.

Do lây nhiễm HIV qua đường tình dục tăng nên số phụ nữ phát hiện nhiễm HIV cũng gia tăng. Cụ thể, năm 2001 thành phố có 20,5% số người nhiễm HIV là nữ giới thì năm 2014 con số này đã tăng lên 38%. Do đó, tình hình dịch HIV hiện đang có xu hướng làm gia tăng phụ nữ mang thai nhiễm HIV.

Bác sĩ Trần Thanh Thuỷ cho rằng, để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, trước hết phụ nữ cần phải chủ động dự phòng để không nhiễm HIV bằng cách thực hiện các hành vi an toàn như sống thủy chung, luôn sử dụng bao cao su đúng cách trong những quan hệ có nguy cơ và thực hiện dự phòng nguy cơ lây nhiễm HIV qua đường máu.

Đối với phụ nữ mang thai, để tránh những lo lắng về tình trạng nhiễm HIV của mình, nên đến cơ sở y tế để được tư vấn xác định nguy cơ và nên làm xét nghiệm HIV sớm. Tốt nhất nên đi xét nghiệm HIV khi bắt đầu mang thai hoặc trong ba tháng đầu của thai kỳ, để người mẹ nhiễm HIV có thể được điều trị dự phòng kịp thời, tránh làm lây truyền HIV sang con.

Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại Đà Nẵng đã được triển khai từ năm 2009, nhưng tỷ lệ phụ nữ mang thai làm xét nghiệm HIV muộn vẫn khá phổ biến, đặc biệt vẫn còn có những trường hợp mẹ phát hiện nhiễm HIV khi sinh tại các tuyến y tế cơ sở, y tế tư nhân nên không kịp điều trị dự phòng cho mẹ, điều này làm giảm hiệu quả dự phòng lây truyền HIV cho con.

Theo bác sĩ Trần Thanh Thuỷ, HIV có thể truyền từ mẹ sang con trong thời kỳ mang thai, chuyển dạ đẻ và cho con bú. Tuy nhiên, nếu các bà mẹ mang thai nhiễm HIV được phát hiện sớm, điều trị và chăm sóc dự phòng đầy đủ và đúng cách thì sẽ kiểm soát được lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Trong thực tế, khi phát hiện sớm tình trạng nhiễm HIV ở phụ nữ mang thai, họ sẽ được điều trị dự phòng ngay từ khi thai được 14 tuần tuổi, được tư vấn chăm sóc thai nghén, dinh dưỡng và chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc sinh đẻ tại điểm cung cấp dịch vụ Phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại khoa sản, Bệnh viện Phụ sản - Nhi thành phố Đà Nẵng.

Trong năm 2014, chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con xét nghiệm sàng lọc HIV cho 12.698 lượt phụ nữ mang thai, phát hiện 17 trường hợp nhiễm HIV. Tuy nhiên, với việc triển khai tích cực các biện pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, Đà Nẵng đã không có trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV bị lây nhiễm HIV.

Để tiến tới mục tiêu loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con, trong năm 2015, đặc biệt trong tháng Cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, Đà Nẵng tập trung công tác truyền thông, tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai; cung cấp có chất lượng các hoạt động về chăm sóc, hỗ trợ điều trị HIV/AIDS và dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.

Bên cạnh đó, kêu gọi chống phân biệt kỳ thị đối với những người nhiễm HI/AIDS. Đồng thời, nhân rộng mô hình phòng ngừa HIV trong nhóm phụ nữ nguy cơ hoạt động mại dâm, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng để giảm thiểu số người nhiễm HIV trong nhóm này.
Top