Phòng chống mua bán người qua môi giới hôn nhân: Hướng từ ‘4 không’ sang ‘5 có’

19/09/2017 16:48

Những năm gần đây, tại Việt Nam, tình hình mua bán phụ nữ, trẻ em có chiều hướng gia tăng và khó kiểm soát. Một số trường hợp do muốn đổi đời nhanh chóng nên chấp nhận hôn nhân với người nước ngoài qua những kênh môi giới bất hợp pháp mà không lường trước được hậu quả bị lừa bán.

Chính vì vậy, chủ đề của Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người năm nay là “Phòng chống mua bán người qua hôn nhân có yếu tố nước ngoài”. Đây cũng là một trong những hoạt động xuyên suốt năm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Chúng tôi có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thanh Cầm, Trưởng ban Chính sách-Luật pháp, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về vấn đề này.

Bà Nguyễn Thanh Cầm, Trưởng ban Chính sách-Luật pháp, Hội LHPNVN

Theo bà Nguyễn Thanh Cầm, trước hết cần khẳng định rằng, trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, hôn nhân có yếu tố nước ngoài là hiện tượng tất yếu. Pháp luật Việt Nam thừa nhận các cuộc hôn nhân giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài trên cơ sở tình yêu, tự nguyện, tiến bộ và theo đúng quy định pháp luật.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thanh Cầm, cũng phải thừa nhận có hiện tượng một một số phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài kiểu ‘4 không’: Không tình yêu; không biết văn hóa, phong tục tập quán; không ngôn ngữ; không biết tình trạng sức khỏe và hoàn cảnh gia đình của đối tượng đến cầu hôn. Đây cũng chính là kẽ hở để tội phạm mua bán người lợi dụng danh nghĩa môi giới hôn nhân quốc tế thực hiện hành vi phạm tội. Chúng lừa gạt, hứa hẹn với chị em về một cuộc sống hạnh phúc, giàu sang, nhàn hạ lại có tiền gửi về cho gia đình.

Bà Nguyễn Thanh Cầm cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này. Đầu tiên phải kể đến, do thiếu thông tin, hiểu biết pháp luật mà nhiều phụ nữ đã tự nguyện và mong muốn kết hôn với người nước ngoài ngay cả khi không hiểu rõ về người chồng cũng như cuộc sống của gia đình sau khi ra nước ngoài. Điều kiện kinh tế-xã hội một số địa phương, một số vùng còn khó khăn, còn có những phụ nữ thiếu việc làm, không có thu nhập hoặc thu nhập thấp. Bên cạnh đó, tội phạm mua bán người và các tổ chức, đường dây môi giới kết hôn hoạt động trái pháp luật ngày càng tinh vi với nhiều thủ đoạn nên rất khó phát hiện để phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý. Ngoài ra cũng phải kể đến một bộ phận phụ nữ nhận thức chưa đầy đủ, còn lười lao động, mong được đổi đời nhanh chóng nên dễ trở thành nạn nhân của mua bán người qua môi giới hôn nhân.

Từ ‘4 không’ sang ‘5 biết’

Bà Nguyễn Thanh Cầm cho biết, thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ Việt Nam, thời gian qua Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tăng cường hoạt động tuyên truyền, giáo dục, truyền thông cho hội viên, phụ nữ về pháp luật trong lĩnh vực hôn nhân có yếu tố nước ngoài, phòng chống mua bán người để chị em hiểu được các thủ đoạn để phòng tránh; đẩy mạnh hoạt động giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức của phụ nữ.

Hội cũng tổ chức các hoạt động nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng sống cho phụ nữ để họ chủ động bảo vệ bản thân, có quyết định đúng đắn khi kết hôn với người nước ngoài, hướng phụ nữ chuyển từ kết hôn 4 'không' sang kết hôn 5 'biết' gồm: Biết văn hóa, phong tục tập quán, ngôn ngữ; biết tình trạng sức khỏe; biết hoàn cảnh gia đình của đối tượng sẽ kết hôn và hiểu biết pháp luật về hôn nhân gia đình; biết về thực trạng những cuộc hôn nhân có yếu tố nước ngoài thành công và thất bại của chị em đi trước, từ đó xây dựng hôn nhân trên nền tảng có tình yêu, sự hiểu biết, cảm thông chia sẻ và theo đúng pháp luật.

Thứ nhất, Hội Liên hiệp phụ nữ các địa phương tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế nông thôn như dạy nghề gắn với cho vay vốn, giới thiệu việc làm, tổ chức nhiều mô hình phát triển kinh tế để chị em có cơ hội tăng thêm thu nhập ngay trên quê hương mình.

Thứ hai, phát huy vai trò tư vấn và hoạt động hỗ trợ của các Trung tâm Tư vấn hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Hiện nay trên cả nước có khoảng 20 Trung tâm Tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh, thành phố. Các trung tâm được nâng cao năng lực bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ được pháp luật quy định về tư vấn và hỗ trợ hôn nhân có yếu tố nước ngoài, khuyến khích phụ nữ có nhu cầu kết hôn với người nước ngoài đến trung tâm để được tư vấn, hỗ trợ, đồng thời góp phần hạn chế hoạt động môi giới hôn nhân bất hợp pháp.

Bên cạnh đó, Hội cũng biên soạn nhiều tài liệu truyền thông dành cho các đối tượng có nhu cầu kết hôn với người nước ngoài; tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng luật pháp, chính sách trong lĩnh vực hôn nhân có yếu tố nước ngoài, phòng chống mua bán người; tăng cường hợp tác thực hiện các mô hình, cách làm cụ thể nhằm hỗ trợ phụ nữ kết hôn với người nước ngoài giảm thiểu các rủi ro khi kết hôn, cả trước, trong và sau khi kết hôn.

Bà Nguyễn Thanh Cầm cho biết thêm, hiện nay Hội đang xây dựng và đề xuất một số giải pháp hỗ trợ pháp lý cho phụ nữ kết hôn với người nước ngoài đang sinh sống ở nước ngoài, đặc biệt là những nước có số đông phụ nữ Việt Nam đến làm dâu như Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan.

Theo thông tin mới được công bố tại Lễ mít tinh hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người-30/7”, tính từ đầu năm 2011 đến hết tháng 6/2016, cả nước có 81.197 người Việt Nam (trong đó nữ giới chiếm 92%) kết hôn với công dân của hơn 50 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó trên 78% tập trung tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam bộ.

Top