Phòng, chống mại dâm nhìn từ những nơi được coi là ‘thiên đường tình dục’

19/11/2019 15:34

Được biết đến với những khu đèn đỏ nổi tiếng thế giới, cả Hà Lan và Thái Lan đều đang ‘đau đầu’ xử lý những hệ lụy của ‘thiên đường tình dục’.

Phố đèn đỏ tại Thái Lan. Ảnh internet

Cấm kinh doanh mại dâm có thể ảnh hưởng du lịch?

Mại dâm tiếp tục là ngành nghề kinh doanh bị cấm trong dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi vừa được Chính phủ trình Quốc hội. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng cần phải có nghiên cứu và quản lý chặt chẽ hơn loại hình này để 'cấm cho ra cấm'.

Tờ trình của Chính phủ đưa ra nhóm các quy định về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và đầu tư kinh doanh có điều kiện, trong đó bãi bỏ 12 ngành nghề đầu tư, sửa đổi 19 ngành nghề và bổ sung thêm 6 ngành nghề để phù hợp với yêu cầu.

Đối với nhóm ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, bên cạnh việc bổ sung ngành dịch vụ đòi nợ thì tờ trình Chính phủ tiếp tục cấm đầu tư kinh doanh các chất ma túy và tiền chất; các hóa chất, khoáng vật và động, thực vật hoang dã; mại dâm; kinh doanh bộ phận cơ thể người...

Tuy nhiên, đại biểu Vũ Trọng Kim (Hải Dương) cho rằng việc ghi ngành nghề kinh doanh mại dâm trong danh mục cấm có thể ảnh hưởng đế ngành du lịch. Mặc dù đây là vấn đề văn hóa, truyền thống nên không cho phép kinh doanh hoạt động này, nhưng theo ông với một nền kinh tế hội nhập mà cấm thì sẽ bị ảnh hưởng.

Ông dẫn chứng tại Thái Lan hay Hà Lan có những dãy đèn đỏ "rất kinh khủng", trong khi nước ta đã hội nhập, nên việc quản lý các tệ nạn xã hội càng khó khăn.

"Bây giờ trà trộn tất cả. Không kinh doanh nhưng thật ra là có kinh doanh, kinh doanh lén lút, trà trộn tất cả các nơi", đại biểu Kim chỉ ra thực tế.

Do đó, mặc dù chưa rõ quan điểm cấm hay không cấm ngành nghề kinh doanh mại dâm, song đại biểu Kim nhấn mạnh trên thế giới đã hình thành, ở Việt Nam diễn ra phức tạp, sinh ra tệ nạn, bệnh tật và quản lý cũng không được, mất khoản thu cho quản lý nên cần nghiên cứu kỹ.

"Từ thực tiễn thế giới, Việt Nam phải thành lập đề tài nghiên cứu tầm cỡ quốc gia, để đưa ra cho phù hợp với cơ chế trong điều kiện chúng ta đang vận hành theo xu thế hội nhập chung" - ông Kim đề xuất.

Thái Lan phản đối ‘du lịch tình dục’

Mặc dù được coi là thiên đường du lịch tình dục nhưng tại Thái Lan, mại dâm bị luật pháp nghiêm cấm. Đạo luật năm 1960, tiếp đó là Đạo Luật phòng chống mại dâm, BE. 2539 (năm 1996) đã quy định cấm các hành vi mua bán dâm. Mua bán dâm sẽ bị phạt tù hoặc phạt tiền, mua dâm trẻ em có thể bị tù 6 năm, còn chủ chứa sẽ bị phạt tù 3-15 năm. Năm 2003, Bộ Tư pháp Thái Lan đã từng đề xuất thảo luận về việc hợp pháp hóa mại dâm. Tuy nhiên, do vấp phải sự phản đối của dư luận và những lo ngại về hệ lụy xã hội nên đề xuất bị bãi bỏ. Luật là như vậy, nhưng trong thực tế, các nhà thổ lại hoạt động công khai dưới sự bảo kê của Mafia và sự làm ngơ (thậm chí hợp tác bảo kê) của chính quyền địa phương. Sự trái ngược giữa pháp luật và việc thực thi lớn đến nỗi nhiều người lầm tưởng mại dâm ở Thái Lan là hoàn toàn hợp pháp.

Ở khía cạnh khác, nó cũng cho thấy sự yếu kém, "tiền hậu bất nhất" của hệ thống pháp luật Thái Lan, và thậm chí là cả sự lũng đoạn chính quyền địa phương của tội phạm có tổ chức. Ước tính có hơn 60 ngàn nhà thổ ở Thái Lan, còn nhiều hơn số trường học ở nước này. Một điểm đáng lưu ý là cho dù về luật pháp mại dâm và bất hợp pháp ở Thái Lan tuy nhiên hành vi mua dâm của người đàn ông mua dâm ở Thái Lan lại được chấp nhận về mặt văn hóa. Đây cũng là một kẽ hở cho tệ nạn mại dâm phát triển ở đất nước này…

Đầu năm 2018, Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) cho biết cơ quan này phản đối du lịch tình dục, trong khi hy vọng sẽ thu hút lượng du khách kỷ lục vào năm nay.

“TAT đảm bảo chính sách và chiến lược tiếp thị nhằm giúp Thái Lan trở thành điểm đến chất lượng vẫn đang đi đúng hướng… và cực lực phản đối mọi hình thức du lịch tình dục”, thông cáo của TAT nêu rõ.

Tuyên bố này được được đưa ra sau khi Bộ trưởng Du lịch Gambia kêu gọi du khách quốc tế nếu quan tâm đến tình dục thì nên đến Thái Lan thay vì đất nước Tây Phi này. Vụ việc khiến Bộ Ngoại giao Thái Lan lên tiếng phản đối thông qua đại diện lãnh sự tại Gambia.

Nổi tiếng với các bãi biển, đền chùa, Thái Lan vẫn bị một số du khách coi là điểm đến cho du lịch tình dục dù mại dâm là bất hợp pháp.

Theo báo cáo năm 2014 của Liên Hợp Quốc, có khoảng 123.530 người hoạt động mại dâm ở Thái Lan.

Năm 2016, Bộ trưởng Du lịch Du lịch Thái Lan cam kết, sẽ thay đổi hình ảnh đất nước bằng các dịch vụ "du lịch chất lượng" thay vì du lịch tình dục. Sau đó, cảnh sát đã trấn áp một loạt các cơ sở cung cấp dịch vụ tình dục tại khu đèn đỏ lớn nhất tại Bangkok. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, việc xóa bỏ ngành công nghiệp tình dục đã có từ lâu của Thái Lan là vô cùng khó khăn.

Hà Lan cân nhắc việc đóng cửa các khu phố ‘đèn đỏ’

Hà Lan là một trong những nước những nước hợp pháp hóa mại dâm từ rất sớm. Hà Lan hợp pháp hóa mại dâm từ giữa những năm 1800 nhưng phải tới những năm 1980 thì hành nghề mại dâm mới được công nhận là một nghề hợp pháp. Tháng 10/2000, các quy định cấm nhà chứa và ma cô được xóa bỏ và hiện nay mại dâm hoạt động thể theo luật lao động, người bán dâm đăng ký ngành nghề như người lao động. Các hội đồng thành phố chịu trách nhiệm cấp giấy phép và tiến hành thanh tra nhằm bảo đảm điều kiện làm việc đúng tiêu chuẩn chất lượng đã được quy định. Mặc dù thuê và sử dụng người bán dâm đủ tuổi và đồng thuận làm việc là hợp pháp, nhưng mọi hình thức bóc lột trong lĩnh vực này bao gồm buôn bán và cưỡng bức mại dâm đều là phạm tội theo Luật hình sự của Hà Lan.

Với những quy định như vậy, nhiều người nghĩ rằng hoạt động mại dâm tại Hà Lan sẽ “trong sạch”, nhưng thực tế không phải như vậy.

Một trong những mục đích của chính sách hợp pháp hóa mại dâm ở Hà Lan là để cơ quan chức năng đối phó tốt hơn với nạn buôn người. Tuy nhiên, trên thực tế, Hà Lan lại là điểm đến, điểm trung chuyển lớn của những đường dây buôn bán phụ nữ và trẻ em để phục vụ mục đích bán dâm. Chính phủ Hà Lan cũng thừa nhận rằng rất khó để ước tính số lượng nạn nhân bị buôn bán đến và ra khỏi Hà Lan mỗi năm.

Chỉ sau 5 năm hợp pháp hóa mại dâm, số phụ nữ bị đưa từ các nước Đông Âu, Columbia, Thái Lan và châu Phi sang Hà Lan rồi bị ép bán dâm tăng tới 70%.

Hàng năm có khoảng 1.000-7.000 phụ nữ bị bán đến Hà Lan làm gái mại dâm. Đa số họ đến từ những nước như Thái Lan, Trung Quốc, Nigeria, Ukraina… Ước tính, hơn 50% gái bán dâm ở Hà Lan là người nước ngoài, phần lớn là nạn nhân của bọn buôn người. Khoảng 70% gái mại dâm ở Hà Lan không có giấy phép cư trú, chưa nói đến giấy phép hành nghề hay giấy khám sức khỏe.

Trên thực tế, số lượng nhà thổ hợp pháp ở Hà Lan đang giảm đi và được thay thế bằng những cơ sở trá hình như salon, câu lạc bộ, dịch vụ massage để hoạt động mà không cần xin phép kinh doanh mại dâm và để che đậy tốt hơn những hoạt động bóc lột thân xác phụ nữ.

Năm 2005, Amma Asante và Karina Schaapman, hai ủy viên hội đồng của Đảng Lao động Hà Lan đã công bố báo cáo về tình hình mại dâm tại nước này. Schaapma đã từng là gái mại dâm vì vậy cô nắm rõ được tình hình tại các “khu đèn đỏ”.  Báo cáo cho thấy,  một số lượng lớn các gái mại dâm ở Amsterdam bị buộc phải làm việc và đã bị lạm dụng bởi chủ chứa và những băng nhóm tội phạm.

Năm 2008, Chính phủ Hà Lan đã phải lên kế hoạch để hạn chế những khu đèn đỏ ở nước mình. Chính quyền thành phố Amsterdam đã đạt được một thỏa thuận trị giá 25 triệu euro để mua lại những địa điểm nhà thổ và biến chúng thành các cửa hàng hay nhà ở.

Giữa năm 2019, Chính quyền thành phố Amsterdam, Hà Lan cho biết, đang cân nhắc phương án đóng cửa phố “đèn đỏ” vì lợi ích của gái làng chơi làm việc tại đây.

Chính quyền Hà Lan cam kết sẽ giải quyết tình hình vô pháp đang diễn ra trên các con phố đèn đỏ, nơi thu hút hàng chục triệu du khách tới mỗi năm. Người đứng đầu thành phố Amsterdam thậm chí còn đưa ra phương án đóng cửa hoàn toàn con phố này.

Tuy có tới 18 triệu du khách tới thăm mỗi năm và là điểm hút khách nhất thành phố, nhưng tình hình tội phạm ngày càng gia tăng cùng với cách hành xử ngày càng mất kiểm soát của khách làng chơi đã mang tới hàng loạt các vấn đề tại khu vực. Cảnh sát từng gọi đây là “1 km2 của sự đau khổ”.

Nữ Thị trưởng Amsterdam Femke Halsema cho rằng, nguyên nhân dẫn tới tình trạng vô pháp tại phố đèn đỏ là hành vi gây rối và thái độ thiếu tôn trọng với gái mại dâm cùng với sự gia tăng lớn trong hoạt động mại dâm không có giấy phép hoạt động.

Bà Halsema đã liệt kê 4 phương án chính để giải quyết tình trạng hỗn loạn ở phố đèn đỏ, trong một nỗ lực mà bà nói rằng nhằm giảm thiểu tội phạm và hành vi buôn người cũng như khiến cuộc sống của những người sinh sống tại khu phố này dễ chịu hơn.

Phương án số 1 là mỗi ô cửa sổ ở đây sẽ được kéo rèm để du khách không thấy được gái mại dâm sau cửa kính. Phương án thứ 2 là di dời một phần các ô cửa sổ ra khu vực khác của thành phố, trong khi phương án thứ 3 là di dời hết, đồng nghĩa với việc đóng cửa phố đèn đỏ.

Phương án cuối cùng là việc thành lập một khách sạn mại dâm tại khu vực này, nhằm giúp những người hành nghề mại dâm không giấy phép có cơ hội hành nghề hợp pháp, cũng như khắc phục tình trạng "trưng bày" gái mại dâm như hiện tại.

Những cư dân sống ở khu phố đèn đỏ hầu hết đều ủng hộ các phương án thay đổi. Một số cư dân nói rằng những phụ nữ hành nghề mại dâm “bị đối xử tệ hơn cả động vật trong sở thú. Nhiều người muốn những ô cửa sổ này bị che đi hoặc chuyển sang nơi khác”. Tuy nhiên, các phụ nữ hành nghề mại dâm không hưởng ứng 3 phương án đầu tiên.

Những người tham gia vào hoạt động mại dâm thừa nhận có nhiều vấn đề với phố đèn đỏ, chủ yếu từ số lượng quá lớn khách du lịch đổ về, nhưng họ cho rằng đóng cửa con phố hay chuyển nó đi nơi khác không phải là giải pháp đúng.

Top