Phòng, chống hiệu quả hoạt động mua bán người qua biên giới

21/03/2018 09:28

Thời gian qua, hoạt động của tội phạm mua bán người trên các tuyến biên giới vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiều địa bàn trọng điểm tội phạm hoạt động có xu hướng ngày càng gia tăng. Thực tế cho thấy, lực lượng chức năng BĐBP đã ra quân quyết liệt đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người và đã thu được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, quá trình đấu tranh, ngăn ngừa loại tội phạm này vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức.

Thượng tá Nguyễn Văn Mận

Thượng tá Nguyễn Văn Mận, Trưởng phòng Phòng chống mua bán người, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP, thời gian qua, hoạt động của tội phạm mua bán người trên các tuyến biên giới, bờ biển diễn biến hết sức phức tạp, một số địa bàn trọng điểm tội phạm hoạt động có xu hướng ngày càng gia tăng. Đặc biệt là tuyến biên giới Việt - Trung, đây là địa bàn trung chuyển nạn nhân từ khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước sang Trung Quốc. Bên cạnh đó, các vụ việc mua bán người xảy ra đều không xác định được người bị hại ở đâu, chỉ khi người bị hại gửi thư tố cáo hoặc trốn được về Việt Nam làm đơn tố cáo thì vụ việc mới được phát hiện, điều tra.

Mặt khác, đối tượng phạm tội hoặc vụ việc xảy ra liên quan đến nhiều địa bàn, liên tỉnh, liên quốc gia nên rất khó khăn trong quá trình điều tra, xử lý. Đa số các vụ án mua bán người xuyên quốc gia, vì vậy, có vụ án đã giải cứu được nạn nhân, xác định đúng đối tượng gây án, nhưng đối tượng lấy vợ, lấy chồng hoặc đang sinh sống ở nước ngoài dẫn đến việc đấu tranh không triệt để. Ngược lại, có những vụ án được phát hiện thì nạn nhân đã bị bán và đang ở nước ngoài, vì thế, đối tượng phạm tội vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, không đủ chứng cứ để bắt và xử lý. Đặc biệt, có vụ án thủ phạm cũng đồng thời là nạn nhân của vụ án mua bán người khác, sau khi bị lừa bán sang nước ngoài bỏ trốn về Việt Nam, họ lại lừa chính bạn bè, người thân của mình đem bán.

Gần đây, một thủ đoạn mới được những kẻ mua bán người đưa ra để lừa bịp các cô gái trẻ ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khó khăn về kinh tế, trình độ văn hóa thấp như tán tỉnh, giả vờ yêu đương, lấy làm vợ hoặc là thông qua các trang mạng xã hội, ngụy trang tên giả, địa chỉ giả để lừa gạt. Khi đã chiếm được lòng tin, các đối tượng rủ rê nạn nhân đi du lịch, tham quan, sau đó bán vào các động mại dâm hoặc bán qua biên giới.

Bên cạnh đó, “mồi nhử” mà bọn buôn người đưa ra là đi làm việc có thu nhập cao ở các tỉnh phía Bắc. Khi những “con mồi” dính vào “bẫy” thì bọn chúng tìm cách bán sang bên kia biên giới. Tuy nhiên, qua nghiên cứu và trực tiếp đấu tranh với loại tội phạm này cho thấy, chủ yếu các đối tượng sử dụng thủ đoạn lừa gạt, sau đó khống chế nên khi nạn nhân phát hiện bị lừa đã ở trong tình trạng khó có thể trốn thoát. Bên cạnh đó, tại các tỉnh Nam bộ phát hiện tình trạng các đối tượng môi giới tìm việc làm cho số thanh niên ở một số tỉnh nội địa, sau khi thỏa thuận xong, chúng đưa nạn nhân xuống các xã ven biển, ép viết giấy vay nợ tiền và bán cho các chủ tàu cá bóc lột sức lao động trên biển.

Thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của cấp trên, năm 2017, lực lượng chức năng BĐBP đã phát hiện, xác lập đấu tranh thành công 9 chuyên án, thực hiện 42 kế hoạch nghiệp vụ, bắt giữ, xử lý 72 vụ với 48 đối tượng, giải cứu 212 nạn nhân. Để đạt được những kết quả trên, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo các đơn vị trên các tuyến biên giới quán triệt triển khai, thực hiện nghiêm các kế hoạch, chỉ đạo của cấp trên. Xác định công tác phòng, chống tội phạm mua bán người phải đặt dưới sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chỉ huy các đơn vị.

Các đơn vị BĐBP bám sát mục tiêu, yêu cầu đề ra, thực hiện đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng để tạo sức mạnh tổng hợp. Có sự tham gia tích cực, chặt chẽ của các lực lượng, trong đó, lực lượng BĐBP là nòng cốt, chuyên trách. BĐBP cũng làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm đúng mức đến việc nâng cao đời sống về mọi mặt cho nhân dân vùng biên giới, nhất là vùng dân tộc ít người, vùng sâu, vùng xa, các địa bàn trọng điểm về tội phạm mua bán người. Tập trung vào công tác điều tra cơ bản, quản lý nghiệp vụ và xây dựng, sử dụng mạng lưới mật, xác lập và đấu tranh các chuyên án, vụ án. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng, trao đổi thông tin, phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng, phối hợp trong điều tra, xác minh và tiến hành các thủ tục tố tụng... Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống mua bán người trên các tuyến biên giới.

Trong thời gian tới, nước ta tiếp tục hội nhập sâu rộng trong khu vực và thế giới là điều kiện thuận lợi để tội phạm mua bán người hoạt động. Để đấu tranh phòng, chống mua bán người đạt hiệu quả, lực lượng chức năng BĐBP tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quần chúng triển khai các biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để mọi người dân biết và nắm được phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này.

Đồng thời, tăng cường phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng triển khai thực hiện có hiệu quả Tiểu đề án “Đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người khu vực biên giới, biển và hải đảo”, triển khai, thực hiện nghiêm các kế hoạch, chỉ thị của cấp trên. Duy trì thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an và BĐBP trong đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người, nhất là trong trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu, điều tra xác minh các đường dây, tổ chức tội phạm, phối hợp xác lập chuyên án đấu tranh.

Triển khai đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, phát huy hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình địa bàn, quản lý chặt chẽ đối tượng, tập trung điều tra các tuyến, địa bàn trọng điểm, rà soát nắm, phát hiện, thu thập tài liệu, xác định nguồn để lập án đấu tranh, triệt phá. Đồng thời, tăng cường tuần tra, kiểm soát, tập trung vào các khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối mở, các địa bàn trọng điểm, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn tội phạm. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi thông tin, điều tra, giải cứu nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài, bắt giữ và dẫn độ tội phạm mua bán người.

Top