Phòng, chống HIV/AIDS: Kết quả còn khá xa so với mục tiêu chấm dứt đại dịch

23/09/2019 14:25

PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, trong 10 năm qua tuy công tác phòng chống HIV/AIDS đã đạt được nhiều điểm tích cực, dù giảm số người mắc nhưng chưa giảm nhanh và còn khá xa so với mục tiêu 90-90-90, tiến tới chấm dứt đại dịch vào năm 2030.

 Xét nghiệm HIV cho cộng đồng. Ảnh: Thùy Chi

Cụ thể, với kết quả giảm 2/3 dịch, Việt Nam được đánh giá là điểm sáng trong mô hình phòng, chống HIV/AIDS của thế giới. Mặc dù vậy, một điểm cần chú ý là số người nhiễm HIV/AIDS tăng nhanh ở nhóm đồng giới nam, người tiêm chích ma túy và bạn tình của những nhóm này.

TS. John Blandford, Giám đốc, văn phòng CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực và đạt được nhiều kết quả tốt trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là kiểm soát dịch và giảm kỳ  thị ở Việt Nam.

Theo ông John Blandford, Việt Nam hiện được thế giới ghi nhận về tỷ lệ ức chế virus cao nhất. Những người  sống chung với HIV đang điều trị ARV hiệu quả và mức độ HIV bị ức chế ở mức không thể phát hiện sẽ không lây truyền HIV qua đường tình dục. Có nghĩa, người nhiễm HIV, uống thuốc ARV hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ đến mức đạt được và duy trì tài lượng virus không phát hiện (dưới 200 bản sao/ml)  sẽ thực sự không có nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục cho bạn tình HIV âm tính của họ.

Ông John Blandford khuyến cáo, để đạt được mục tiêu trong phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam cần phải tập trung chiến dịch truyền thông K = K (không phát hiện = không lây nhiễm). Cục Phòng, chống HIV/AIDS và UNAIDS đã phổ biến khái niệm không phát hiện = không lây truyền thông qua những bằng chứng ở những nghiên cứu trên nhóm nguy cơ cao, các nhà cung cấp dịch vụ, cán bộ y tế cũng như bệnh nhân đang điều trị ARV.

TS. John cũng đánh giá cao việc Việt Nam sử dụng BHYT trong phòng, chống HIV/AIDS như một giải pháp thay thế dần cho những nguồn tài chính từ bên ngoài, bảo đảm cho mục tiêu chấm dứt đại dịch vào năm 2030.
 
Để đạt được mục tiêu chấm dứt đại dịch vào 2030 vẫn còn nhiều vấn đề phải làm, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định: Thứ nhất là về nguồn lực còn nhiều khó khăn, chính sách BHYT phải làm sao bao phủ được hết; thứ hai, nguồn nhân lực để làm công tác tuyên truyền, theo dõi, chăm sóc, phát hiện, điều trị, phòng, ngừa HIV/AIDS còn hạn chế. Do đó, thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường truyền thông, vận động, giảm kỳ thị, vận động hòa nhập cộng đồng…
Top