Phía sau những cung đường ma tuý xuyên quốc gia

14/11/2018 14:07

40 tỷ USD giá trị ma túy lưu chuyển trong khu vực Đông Á mỗi năm. Một sức mạnh cày nát những mái nhà nó đi qua.

Tại cực Bắc Thái Lan, sông Ruak và sông Mekong gặp nhau ở một vùng đất thường được gọi là Tam giác Vàng.  Giữa ba nước Lào-Myanmar-Thái Lan, là một vùng núi thẳm, chuyên trồng anh túc và chế biến heroin rộng lớn. Suốt gần một thế kỷ, Tam giác Vàng là nguồn cung heroin lớn nhất thế giới. Mãi tới gần đây, nó mới để mất vị trí cho Afghanistan.

Địa hình và bối cảnh xã hội phức tạp, đặc biệt là ở phía Bắc Myanmar, nơi các thủ lĩnh quân sự người dân tộc thiểu số bất tuân chính phủ, khiến cho Tam giác Vàng vẫn duy trì được hoạt động, bất chấp cuộc chiến chống ma túy từ các nước trong khu vực.

Những điều tra gần nhất vẫn khẳng định rằng, có trên dưới 50.000 hécta anh túc đang được trồng tại Tam giác Vàng, cung cấp ra thị trường thế giới khoảng 76 tấn heroin tinh chế mỗi năm.

Khối lượng ma túy khổng lồ này, sẽ đi vào thị trường thế giới thông qua một "trạm trung chuyển" rộng lớn nằm ngay cạnh. Với tỷ lệ đất rừng chiếm hơn 80% tổng diện tích, cao nhất châu Á, và mật độ dân số chỉ 27 người mỗi cây số vuông, Lào trở thành nơi thích hợp cho các ông trùm ma túy vận hành những tuyến logistic của chúng. Quốc gia này tiếp giáp với Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan, những thị trường kiêm cửa ngõ quan trọng của mọi loại hàng tiêu dùng tại châu Á.

Từ Lào, theo Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm có tổ chức LHQ (UNODC) ma túy sẽ đi vào Việt Nam, để tiêu thụ nội địa tại thị trường này, hoặc xuất tiếp sang Trung Quốc. Có ba con đường vào Việt Nam, ngoài 2 tuyến phía Bắc và Bắc miền Trung giáp ranh trực tiếp với Lào, ma túy còn có thể đi từ Lào sang Campuchia, rồi từ Campuchia đi qua biên giới Tây Nam để vào thị trường phía Nam.

Từ tuyến biên giới Việt - Lào thuộc tỉnh Sơn La, vượt qua đỉnh Pha Luông khoảng 50km về phía Đông sẽ tới bản Lũng Xá, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ. Bản làng của người Mông bắt đầu hiện ra, xen giữa những đồi hoa không tên tím biếc.

Giàng A Là đứng trước cửa nhà. Căn nhà gỗ xiêu vẹo trên sườn đồi, nhìn xuống thung lũng xanh, phía sau là sườn núi trọc không ai trồng cấy, phía trước nhà có cây thông to người cha đã trồng. Là mặc chiếc áo sơ mi đồng phục đã ngả màu. Trên cổ cậu là cái ná thun bắn chim và cái khăn quàng đỏ, sau lưng địu đứa em chưa đầy một tuổi.

 Giàng A Là trước căn nhà xiêu vẹo không còn bóng người lớn

"Bị tử hình rồi", thằng bé 10 tuổi trả lời khi có người hỏi về bố. Giàng A Chống bị bắt và xử tử về tội danh liên quan đến ma túy năm 2017. Là không biết mẹ đi đâu, mấy ngày mới lại về. Nó sống cùng ông bà. Nhưng ông của Là cũng nghiện, bà đã yếu. Là tự lo cho các em.

Hàng xóm của cậu là ông Giàng A Vàng, từng tham gia cách mạng, làm cán bộ, biết nói tiếng Kinh. Cháu nội ông, A Tủa bị bắt sáu năm trước vì vận chuyển ma túy. Năm đó, thằng bé mới 15 tuổi.

"Được sáu năm rồi", bà Sở, vợ ông vẫn quen đếm tuổi nó bằng thời gian ngồi tù. Tủa vào tù hơn nửa năm thì vợ bỏ đi lấy chồng mới, để lại đứa chắt trai cho ông bà nuôi. Căn nhà gỗ không bóng người đàn ông tuổi trưởng thành, suốt sáu năm chỉ có thêm một cái ghế sofa giả da thủng lỗ chỗ, được người ta đem cho.

Trưởng bản Lũng Xá đi chậm trên con đường gồ ghề đá cục, thi thoảng dừng lại, chỉ tay "nhà này chồng tù chung thân, vợ sang Trung Quốc; nhà này con trai 25 năm, bố 25 năm; nhà kia bố bị tử hình hồi tháng Tư".

Lũng Xá nằm trên con đường độc đạo chạy xuyên qua Lóng Luông - Pà Cò. Con đường được bao bọc bởi rừng núi, trở thành một tuyến lưu thông của dòng ma túy chảy từ phía biên giới Lào về xuôi. Cùng với bản Tà Dê bên cạnh, đó là nơi những Tráng A Tàng, Nguyễn Thanh Tuân và Nguyễn Văn Thuận từng chọn làm "boong-ke" để điều hành hoạt động buôn bán. Lóng Luông trở thành một "kho ngoại quan" của ma túy từ đất Lào đi vào Việt Nam.

Xuôi thêm 8 kilomet nữa trên tuyến độc đạo chạy dọc theo vách đá, sẽ đến trường Tiểu học xã Pà Cò. Những ngày đầu năm học mới của cô giáo Triệu Thị Yến bắt đầu bằng việc đi tìm con bé Sùng Y Hạnh. Cô tìm đến cái nhà gỗ hoang tàn. Trong nhà, đồ đạc đã phủ bụi. Cái nồi gang còn sót lại mấy hạt cơm đã mốc xanh. Trên giá chỉ có mấy quả su su héo. Người trong bản đã nhiều ngày không trông thấy người mẹ đâu.

Cô Yến gặp con bé đang chơi một mình bên bụi dong, mặt mũi lem nhem. Cô đưa Hạnh về nhà, rửa mặt, bới trong đống quần áo vùi ở góc tủ được một bộ mặc cho nó, rồi soạn sách bỏ vào cặp đưa đến trường.

Ba năm trước, ông nội và bố của Hạnh là Sùng A Chia, Sùng A Danh bị bắt khi đang vận chuyển ma túy từ Sơn La về Nam Định tiêu thụ. Bà và cô của Hạnh đều là con nghiện thuốc.

"Năm nào cũng có một vài phụ huynh học sinh đi tù vì ma túy hoặc dính vào nghiện ngập", cô Yến nhìn đám học trò.

Hãng Shinjeong của Hàn Quốc tự nhận mình là nhà sản xuất hàng đầu của các xe cơ giới "có mục đích đặc biệt". Và một trong rất ít lần người Việt Nam để tâm đến thương hiệu xe Hàn Quốc này, là khi những chiếc Shinjeong S5 xuất hiện tại Lóng Luông.

Rạng sáng 27/6, một đoàn xe Shinjeong S5 - xe bọc thép hiện đại bậc nhất của lực lượng cảnh sát cơ động Việt Nam - với súng máy 12,7mm trên nóc, tiến vào bản Tà Dê, Lóng Luông. Lần đầu tiên công chúng nhìn thấy Shinjeong S5 không phải trong một cuộc huấn luyện. Chúng tới đó với một "mục đích đặc biệt".

Lóng Luông - Hang Kia - Pà Cò, ba xã giáp ranh thuộc địa bàn các tỉnh Sơn La và Hòa Bình tạo thành một "tiểu tam giác" của ma túy. Tâm điểm của con đường độc đạo là bản Tà Dê - cứ điểm của các ông trùm.

"Có thời, người Tà Dê không thể mang nông sản ra ngoài bán. Thương lái cũng không dám vào trong này thu mua", trưởng bản Sồng A Tồng nhớ lại Tà Dê trước tháng 6/2018, khi hai ông trùm chưa bị tiêu diệt. Người dân cắt cử mấy nhà đứng ra thu mua nông sản cho cả bản, rồi đem ra đầu đường quốc lộ nhập cho lái buôn. Giá bán vì thế chỉ bằng hai phần ba so với giá thị trường.

Không ai dám đặt chân vào, đám lâu la của ông trùm vẫn vác AK ngênh ngang đi dạo trong bản. Có lần chúng ngồi trên ô tô đi vòng quanh, bắn chết ba con lợn của người dân để dằn mặt. Đó là khoảng thời gian áp lực nhất của cán bộ xã Lóng Luông. Chủ tịch xã Tếnh A Chìa vào Tà Dê làm việc, gặp chúng vác hẳn hai khẩu AK chặn đường. Ông phải dừng xe, bỏ mũ bảo hiểm ra nói chuyện, kẻo chúng tưởng người lạ thì sẵn sàng nhả đạn. Hôm trước ông vừa ký vào thư yêu cầu kẻ bị truy nã rời khỏi bản Tà Dê, hôm sau đã nhận được tin nhắn dọa giết.

Người Mông ở đây sống quần tụ theo dòng họ và bảo vệ nhau chặt chẽ. Nhiều nhất là họ Giàng, họ Tráng, họ Sồng. Một người bán nước, một đứa trẻ cũng có thể là "camera" của những ông trùm.

Những tay buôn ma túy thiết lập một mối quan hệ ngoại giao chặt chẽ với cộng đồng tại Tà Dê và Lũng Xá. Kinh tế thuần nông, nhưng người ta kể rằng có thời trẻ con Tà Dê mang những đồng 500.000 mới cứng đi mua bánh kẹo ở cửa hàng tạp hóa. Tráng A Tàng - người được biết nhiều với biệt danh "Tàng Kaengnam" - nổi tiếng với việc chi mát tay cho người địa phương.

Người ta kể rằng những ngày lễ đón năm mới của người Mông năm 2013, Tráng A Tàng chi hàng chục tỷ đồng để đài thọ một cuộc liên hoan linh đình tại Lũng Xá. Những nghệ sĩ hát múa, thổi khèn được mời từ Lào sang, phục vụ bà con trong bản. Nhưng trong bóng tối lễ hội, những cán bộ ở Lóng Luông vẫn nhớ sự nguy hiểm khi ấy: những người được phân công vào bản theo dõi tình hình trật tự, đã phải trải qua một cuộc thương thuyết căng thẳng mới có thể trở ra.

Khi Tráng A Tàng bị bắt, cảnh sát phát hiện trong đường dây của Tàng có cả những cán bộ địa phương. Bí thư chi bộ bản Tà Dê, tên Giàng A Nhà cũng là một thành viên của băng nhóm tội phạm. Và trưởng bản Lũng Xá, Tráng A Chư, là cha ruột của Tàng.

Trong thung lũng đỏ màu hoa dong giềng, những boong-ke của các ông trùm được vũ trang như một đơn vị quân đội. Từ ngày 26 đến 29/6/2018, sau sáu lần kêu gọi đầu thú, 300 cảnh sát cùng nhiều xe bọc thép đã thực hiện cuộc đột kích tiêu diệt hang ổ của Tuân và Thuận. Sau ba ngày, Tuân, Thuận và hai đồng bọn bị tiêu diệt. Đập tan những cứ điểm kiên cố, cảnh sát thu được 50 khẩu súng quân dụng, 17 quả lựu đạn và 7.000 viên đạn.

Từ biên giới, những kẻ buôn ma túy từ Lào đã vượt qua dãy Pha Luông, đi cắt rừng hoặc lần đường mòn về Chiềng Sơn, sang Tân Xuân vào các xã Chiềng Xuân, Xuân Nha, Vân Hồ của huyện Vân Hồ; hoặc qua Đông Sang của huyện Mộc Châu... Mỗi nhóm trung bình từ 5 đến 30 đối tượng. Chúng thường đi theo đường mòn, rừng núi hiểm trở, khó kiểm soát và bố trí lực lượng vây bắt.

Cơ quan cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy tính trung bình mỗi tuần, những kẻ vận chuyển trót lọt vào Lóng Luông, Hang Kia, Pà Cò hàng nghìn bánh heroin bằng đường bộ. Và nhiều dân bản ở đây, trở thành lực lượng vận chuyển chính.

Mọi chuyện bắt đầu rất đơn giản, như với chính Tráng A Tàng hơn mười năm về trước. Như nhiều người nơi này, trước khi lập ra đường dây riêng, Tàng cũng là một kẻ đưa hàng thuê.

Những đề nghị công việc được đưa ra rất nhẹ nhàng. Ngày bị công an bắt, Lầu Y Dố vẫn địu con gái một tuổi rưỡi trước ngực. Con bé ngồi gọn lỏn trong cái địu vải màu xanh. Dố bị công an Hòa Bình bắt ngày 30/7, tại Đồng Bảng (Mai Châu) khi đang chuyển hơn 18 nghìn viên ma túy đá tổng hợp cho một người phụ nữ lạ mặt bằng xe máy. Dố khai tiền công của chuyến hàng là triệu rưỡi. Trước khi bị bắt, Dố chưa từng có tiền án tiền sự.

Hôm ấy trời mưa, Sùng A Già bận làm bàn thờ. Người Mông có tục làm bàn thờ hai lần, một lần bàn thờ lớn và một lần bàn thờ nhỏ. Xong hai lần thì mới được coi là trưởng thành. Hai cái bàn thờ tiêu tốn của người chồng mấy chục triệu, hai con lợn và toàn bộ thời gian để "không biết vợ đi đâu, làm gì".

Già chỉ nhớ khoảng 3h chiều, Y Dố bảo đi chơi. Vừa đến bữa cơm tối thì công an xóm điện báo vợ bị bắt rồi. Số ma túy mà vợ vận chuyển và tình tiết cụ thể, người chồng "đọc được trên mạng". Hai lần đi tiếp tế, Già mới gửi được cho vợ bộ quần áo và mấy trăm nghìn, chứ chưa được gặp mặt.

"Mình không trách nó, cũng không giận, chỉ thương nó thôi. Giờ mong nó được tại ngoại để còn về nuôi con".

 Nhà của Giàng A Già tại Pà Cò, Mai Châu, Hòa Bình

Đêm đầu tiên tại nơi tạm giam, bé Phương ở cùng với mẹ. Sáng hôm sau anh Già lên nhận con từ tay công an. Hai tháng nay, đêm nào Già cũng thức dậy vài lần bởi tiếng khóc đòi mẹ. Ngày Y Dố bị bắt, con bé vẫn chưa cai sữa.

Y Dố không đi làm, chỉ quanh quẩn trong bản. Căn nhà của Già và Dố nằm sâu ở cuối bản, cách xa đường lớn, khuất sau những tán hoa mai, những dây bí và vườn dong riềng. Không ai biết bằng cách nào người phụ nữ đang cho con bú nhận được lời đề nghị vận chuyển và giao nhận hàng hóa. "Người phụ nữ lạ mặt" trong lời khai của Lầu Y Dố là một nhân vật tiêu biểu cho ngành vận chuyển ở đất này.

Hình ảnh đó xuất hiện trong rất nhiều lời khai của các bị cáo trước tòa. Một người sơ giao, một người hoàn toàn lạ mặt, một người "không biết tên" nhờ giao hàng. Cuộc giao nhận được tiến hành đơn giản, ngay cả khi người vận chuyển phải đi sang bên kia biên giới: phía bên kia, cũng là một người Lào "không biết tên" – nhưng họ nói cùng một thứ ngôn ngữ.

Giàng A Tộng, nhận án 20 năm tù vào tháng 12/2017, là một vụ án tiêu biểu khác tại Sơn La. Một tuần trước khi bị bắt, Tộng mua 6 kg thuốc phiện của một người đàn ông bên Lào. Cuộc mua bán diễn ra nhanh chóng tại một khu rừng giáp biên với giá 24 triệu đồng mỗi cân.

Trong phiên tòa sơ thẩm, như hầu hết các con buôn hàng cấm, Tộng khai không quen biết người mua hàng, cũng không quen người đàn ông Lào bán hàng cho Tộng. Người không quen này, tuy nhiên, đã sẵn sàng cho Tộng nợ lại 96 triệu đồng tiền hàng còn thiếu.

Những mắt xích trong đường dây, khi ra đến công chúng, luôn bị chặt đứt ngay tại chỗ. Chỉ tới khi cảnh sát thực hiện các cuộc đột kích lớn, người ta mới biết tên người điều khiển con rối.

Top