Phận đời tủi nhục của những kiếp người sống chung với HIV

03/05/2015 12:20

Chỉ trong một thời gian ngắn, cơn bão HIV đã quét qua ngôi làng nhỏ bé ấy, cướp đi những sinh mạng. Không chỉ thế, cơn bão ấy đã đẩy những người còn lại vào kiếp sống tủi nhục khi bị xa lánh, bị kỳ thị. Đó là những gì xảy ra ở thôn Đồng Lạc, xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội.

Cụ Phức đang chăm đứa cháu bị tâm thần

Bị xua đuổi vì nhiễm HIV

Vào những năm 2000, cơn bão HIV đã cướp đi sinh mạng nhiều người dân ở ngôi làng ấy, trong đó có những nhà cả hai vợ chồng đều chết vì HIV. Nó đã để lại hậu quả vô cùng lớn mà trường hợp thương tâm nhất có lẽ là câu chuyện đầy nước mắt của chị Nguyễn Thị Hương (SN 1978) - người không may bị nhiễm HIV từ chồng của mình. Cuộc sống của hai mẹ con chị đầy rẫy tủi nhục, khó khăn vì căn bệnh mà chị đang mang, giống như câu chị nói trong nước mắt: “Nếu được chết thì nên chết, nhưng tôi không thể chết mà phải sống vì đứa con của mình”.

Ngày đi sinh nở cũng là ngày định mệnh của chị Hương khi biết mình bị nhiễm HIV. Từ viện trở về, hai mẹ con chị Hương không được gia đình chồng đón nhận. Người mẹ già của chị lẽo đẽo đưa hai mẹ con chị về sống chung dưới căn nhà rách nát cùng gia đình. Sau đó, chồng của Hương mới thú nhận là, trong thời gian làm dưới Hà Nội, vì chơi bời nên anh ta đã vô tình bị nhiễm HIV, rồi lây sang vợ. Chị Hương chỉ còn biết trách trời khi mọi chuyện đã rồi, chị lặng lẽ khuyên chồng cố gắng sống để lo cho con cái. Sau đó, chị cho con đi xét nghiệm và may mắn là cháu bé không bị nhiễm HIV.

Nhưng mọi chuyện chưa dừng ở đó, mẹ con chị Hương không được gia đình chồng cho về ở cùng và bắt sống cách ly với chồng. Cũng vì sợ lây nhiễm cho người trong nhà, nên mẹ con chị làm một túp lều ra ngoài rìa xóm để ở. Nhà chồng không ai đoái hoài gì đến đứa cháu, cũng không ai đặt chân đến túp lều của hai mẹ con. Sống trong tình trạng không điện, không nước, không chỗ vệ sinh, chị phải nhờ những gia đình gần đó giúp đỡ, nhưng cũng không được lâu vì họ sợ bị lây nhiễm.

“Đói thì đầu gối phải bò”, sinh con được hơn tháng, chị Hương phải trở dậy đi làm, kiếm cái ăn lo hai mẹ con. Chẳng biết làm gì và cũng chẳng ai dám thuê nên chị đành chọn công việc nhặt rác. Hằng ngày, cứ 3h sáng, bất kể mưa nắng chị đặt con ở lại túp lều và đi nhặt những thứ có thể bán được để kiếm tiền. Có những hôm trở về, con khóc tím ngắt cả mặt. Thương con vô hạn nhưng chị không biết làm thế nào, gia đình bố mẹ đẻ chị cũng quá nghèo.

Chồng của chị cũng sống trong một túp lều cách đó vài trăm mét. Tuy nhìn thấy nhau nhưng chẳng được gần nhau vì sự ngăn cản của gia đình nhà chồng, họ không cho vợ chồng chị gần nhau vì sợ lại sinh thêm một đứa bé, sẽ phiền phức. Không được gần vợ con nên chồng chị cũng sinh ra chán nản, rượu chè, chẳng làm việc gì. Thấy chồng không có cái ăn, cầm lòng không được, nên kiếm được đồng nào, chị lại san sẻ cho chồng. Sau một vài tháng, vì quá uất ức trước cách đối xử của gia đình, chồng chị đã mua thuốc sâu về tự tử. Lúc đó, con gái của chị mới được 7 tháng tuổi, mẹ con Hương chính thức lâm vào cảnh mẹ góa con côi.

Hiện nay, hằng ngày chị Hương vẫn phải dậy sớm, đi nhặt rác để kiếm rau cháo cho hai mẹ con. Nhờ điều trị bằng thuốc nên sức khỏe của Hương vẫn tốt. Nhưng chị lo sợ một ngày nào đó, khi chị không còn đủ sức, thì con chị sẽ trông mong vào đâu. “Ước muốn lớn nhất của tôi là có sức khỏe tốt để lo cho con. Không biết nay mai tôi nằm xuống thì đứa con của tôi sẽ trông mong vào đâu được”, chị nói.

Hoàn cảnh nghèo khổ của chị Hương

Đau đớn “lá vàng khóc lá xanh rơi”

Đã ở cái tuổi gần đất xa trời, nhưng bà Nguyễn Thị Phức (SN 1936) vẫn một mình nuôi 3 đứa cháu côi cút. Con trai bà tên Nguyễn Hữu Thích (SN 1966). Vì kinh tế khó khăn nên vào những năm 2000, anh Thích đi làm thuê ở làng Đa Hội, Từ Sơn, Bắc Ninh - nơi chuyên sản xuất thép thủ công. Những năm làm ở đó, vì xa vợ con nên thỉnh thoảng anh Thích nghe theo đám bạn rủ rê chơi bời. Năm 2004, anh Thích bị ốm, phải nghỉ việc, về quê. Chạy chữa thế nào cũng không khỏi bệnh, sau đó một thời gian, anh qua đời để lại 3 đứa con thơ cùng người mẹ già cho vợ. Kinh khủng hơn khi người ta thông báo với gia đình rằng, anh bị nhiễm HIV. Rồi anh qua đời.

Quá đau đớn vì mất đứa con trai, bà Phức khóc hết nước mắt. Niềm đau đó còn nhân đôi khi vợ anh Thích là chị Nguyễn Thị Tám (SN 1966) đi xét nghiệm cũng phát hiện bị lây nhiễm HIV từ chồng. Do không biết mình bị nhiễm HIV nên những lần về quê anh Thích vẫn vô tư quan hệ với vợ. Thương mẹ, thương con, chị Tám cố gắng chịu đựng bệnh tật, làm thuê làm mướn để nuôi mấy miệng ăn. Nhưng cũng vì cố gắng làm lụng vất vả nên chị kiệt sức và ốm nặng. Chỉ mấy năm sau, chị cũng bị “thần chết HIV” gọi tên, bỏ lại 4 bà cháu côi cút nuôi nhau.

Một lần nữa, bà Phức lại khóc hết nước mắt vì giờ đây mấy bà cháu chẳng còn biết dựa vào đâu. Hiện 3 đứa cháu ở cùng bà, đứa lớn đi làm thuê, 1 đứa học lớp 5, còn 1 đứa bị bệnh tâm thần phân liệt (cháu Nguyễn Hữu Hạnh, SN 1995) chỉ biết quanh quẩn xó nhà. Dù tuổi cao sức yếu, bà Phức vẫn cố làm thêm việc đồng áng để kiếm tiền nuôi các cháu, đặc biệt là cháu Hạnh. Mỗi lần không để ý là Hạnh lại bỏ đi lang thang, nhiều đêm bà soi đèn đi tìm thì thấy cháu ngã ở vũng nước, có lần ở cái mương, người đầy bùn đất.

Năm nay, sức khỏe của bà Phức đã yếu đi nhiều, bà vô cùng lo sợ nếu mai này nằm xuống thì ai sẽ thay bà chăm sóc mấy đứa cháu côi cút. Bà buồn bã nói: “Tôi già rồi, cũng chỉ mong sống khỏe được ngày nào hay ngày ấy, để chăm lo cho các cháu. Nhưng tuổi già như “lá rụng”, chẳng biết ngày mai thế nào, chỉ thương mấy đứa cháu…”.

Chị Nguyễn Thị Huệ - Hội trưởng hội “Hoa sim tím” chuyên giúp đỡ những người bị nhiễm HIV ở Sóc Sơn - cho biết: “Những trường hợp như gia đình chị Hương hay gia đình bà Phức vô cùng đáng thương. Cần sự giúp đỡ chung tay của xã hội bởi họ là những nạn nhân của hậu quả HIV”.

Top