Phác đồ mới cai nghiện MTTH: Đề cao vai trò sàng lọc và điều trị tâm lý

22/04/2019 15:04

Theo đánh giá của Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Nhân, phác đồ cai nghiện ma túy tổng hợp do Bộ Y tế ban hành ngày 1/3/2019 là một tài liệu quý giá bởi phác đồ đề cao vai trò của công tác sàng lọc và điều trị tâm lý - đây là vấn đề cốt lõi để phát hiện sớm, điều trị hiệu quả và chống tái nghiện.

Bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Điều trị nghiện chất Bệnh viện Tâm thần Bến Tre

Rối loạn tâm thần

Đến nay, ngành y tế tỉnh Bến Tre chưa tiếp nhận phác đồ cai nghiện ma túy tổng hợp của Bộ Y tế, nhưng thông tin phác đồ được ban hành ví như “cơn mưa giải nhiệt” cho một số cơ quan chức năng tỉnh nhà gồm: Sở Y tế, Cơ sở Cai nghiện ma túy Tân Xuân (huyện Ba Tri) và Bệnh viện Tâm thần tỉnh.

Không ít lần, trong các cuộc họp chuyên môn, Cơ sở Cai nghiện ma túy Tân Xuân đã kiến nghị ngành chức năng, lãnh đạo tỉnh việc cần có phác đồ riêng điều trị cai nghiện ma túy tổng hợp. “Chúng tôi phải bố trí một khu riêng và xa dành cho đối tượng nghiện ma túy tổng hợp có biểu hiện rối loạn tâm thần nặng. Đối tượng này cần có phác đồ riêng để chữa bệnh, vì ma túy tổng hợp ảnh hưởng nặng nề sức khỏe tâm thần người nghiện hơn ma túy thông thường”, bác sĩ Nguyễn Văn Đấu, Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy Tân Xuân từng kiến nghị tại cuộc gặp với Bí thư Tỉnh ủy năm 2018.

Theo số liệu cập nhật mới nhất, Cơ sở Cai nghiện ma túy Tân Xuân đang điều trị cho 159 học viên cai nghiện ma túy. Trong đó, 137 học viên nghiện ma túy tổng hợp, 15 học viên nghiện heroin và 7 trường hợp vừa nghiện ma túy tổng hợp và heroin. Chỉ trong vài tháng đầu năm 2019, có 32 học viên phải điều trị rối loạn tâm thần, nhiều người trong số này phải điều trị bằng thuốc rối loạn tâm thần lâu dài bên cạnh việc cai nghiện.

Thời gian qua, Bệnh viện Tâm thần tỉnh đã tiếp nhận và điều trị các rối loạn tâm thần do sử dụng ma túy tổng hợp theo đúng chức năng, nhiệm vụ của một bệnh viện chuyên khoa. “Thực trạng sử dụng chất kích thích ở tỉnh cũng như cả nước diễn biến phức tạp. Số lượng lạm dụng chất ma túy tăng nhanh, trong 3 tháng đầu năm 2019, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị nội trú 56 trường hợp (năm 2018 số bệnh nhân điều trị nội trú là 165 trường hợp). Bên cạnh đó, tình trạng lạm dụng ma túy ngày càng phức tạp do dùng nhiều chất cùng lúc như ma túy đá methamphetamin, ectasy, cả heroin và rượu”, bác sĩ Trần Ngọc Nhân thông tin.

Trong năm 2018, bệnh viện đã tổ chức thành công hội nghị khoa học kỹ thuật chuyên ngành về đề tài nghiện chất, những báo cáo chuyên đề và những kết quả nghiên cứu chỉ ra gánh nặng của rối loạn tâm thần trên nhóm người nghiện ma túy rất nghiêm trọng, đáng báo động cho toàn xã hội. Tại Khoa Điều trị nghiện chất của bệnh viện, giường bệnh gần như luôn kín (54 giường), các bệnh nhân đều là người nghiện ma túy và rượu. Đa số bệnh nhân nghiện ma túy đều có tuổi đời trẻ.

Vai trò của cộng đồng

Ngày 1/3/2019, Bộ Y tế có Quyết định số 786 ban hành hướng dẫn điều trị các rối loạn do ma túy tổng hợp dạng Amphetamine gây ra (thường được gọi là phác đồ cai nghiện ma túy tổng hợp).

“Dưới góc độ chuyên môn của bác sĩ lâm sàng, đây là một tài liệu quý giá, kịp thời mang tính cập nhật, khoa học rất cao vì bộ tài liệu này được xây dựng trên nguyên tắc y học bằng chứng. Nếu trước đây việc điều trị những rối loạn tâm thần do sử dụng ma túy tổng hợp ở bệnh viện chỉ dừng lại là điều trị cắt cơn, giải độc và điều trị triệu chứng mang tính cấp tính, thì bây giờ điều trị mang tính chất toàn diện, cá thể hóa với những nguyên tắc được cập nhật từ WHO nhưng vẫn mang tính đặc trưng cho từng quốc gia trong đó có Việt Nam. Những kiến thức điều trị chuyên môn được cập nhật và hệ thống khá thiết thực và tôi muốn nhấn mạnh một điểm mới rất hay của phác đồ có liên quan đến cộng đồng”, bác sĩ Trần Ngọc Nhân chia sẻ.

Điểm mà bác sĩ Nhân tâm đắc là vai trò của công tác sàng lọc và điều trị tâm lý, đây là vấn đề cốt lõi để phát hiện sớm, điều trị hiệu quả và chống tái nghiện. Vai trò điều trị nghiện ma túy phụ thuộc rất nhiều vào gia đình và xã hội, bộ tài liệu cũng có những hướng dẫn rất cụ thể về vấn đề này. Tuy nhiên, theo góc nhìn và kinh nghiệm của bác sĩ Nhân, việc áp dụng điều trị tại cộng đồng bước đầu sẽ gặp khó khăn do thiếu về nhân sự, cán bộ xã hội cũng như sự đồng thuận từ phía bệnh nhân và gia đình.

Tương lai gần, việc cần làm để đối phó với thực trạng nghiện ma túy là phải thay đổi tư duy và cách tiếp cận những người nghiện. Việc nhìn nhận họ là khách hàng (không phải đối tượng xã hội, không phải bệnh nhân) sẽ mở ra cơ hội cho họ tiếp cận những sàng lọc sớm, từ đó kịp thời phát hiện những vấn đề về hành vi sử dụng ma túy và cả những rối loạn tâm thần. “Điều này giúp ích rất nhiều cho công tác điều trị, chống tái nghiện và giúp người nghiện tái hòa nhập với cuộc sống”, bác sĩ Trần Ngọc Nhân kỳ vọng.

Top