Ninh Bình: Đưa nhiều đối tượng đi cai nghiện bắt buộc

15/02/2019 09:10

Việc áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc mặc dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng đã được tỉnh Ninh Bình quan tâm chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời, do đó đã đưa được nhiều đối tượng đi cai nghiện bắt buộc, giảm số người nghiện ngoài xã hội, góp phần quan trọng kiềm chế tội phạm, tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh.

Hơn 2 nghìn trường hợp nghiện ma túy trên địa bàn

Theo số liệu thống kê, tổng số người nghiện ma tuý trên toàn tỉnh tính đến nay là 2.133 người, trong đó: Đang cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy của tỉnh là 288 trường hợp; đang ở ngoài xã hội là 1.845 trường hợp.

 Tổ chức dạy nghề cho các học viên cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy Ninh Bình. Ảnh: Thùy Chi

Tổng số bệnh nhân đang điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone là 756 bệnh nhân (đạt 55,7%  so với chỉ tiêu giao), đa số bệnh nhân đều tuân thủ tốt các quy định trong quá trình điều trị. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp bắt buộc phải rời bỏ chương trình, lý do thường gặp nhất là do vi phạm pháp luật trong quá trình tham gia điều trị, một số do bệnh tật không đủ sức khỏe...

Thực hiện Kế hoạch đổi mới công tác cai nghiện ma túy theo Quyết định số 2187/QĐ-TTg ngày 5/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về công tác chuyển đổi các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội thành Cơ sở cai nghiện đa chức năng, ngày 14/7/2017 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 922/QĐ-UBND về việc chuyển đổi Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh Ninh Bình thành Cơ sở cai nghiện ma tuý tỉnh Ninh Bình.

Đối với công tác rà soát, phân loại đối tượng, sau khi tiếp nhận để quản lý đã bảo đảm an ninh trật tự, tổ chức tốt việc cai nghiện ma túy trong các cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Ninh Bình đóng trên địa bàn thôn I, xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp. Tổng số học viên hiện đang quản lý có mặt tại Cơ sở: 288 học viên, trong đó: 265 học viên bắt buộc; 23 học viên tự nguyện.

Các đối tượng đưa vào cai nghiện bắt buộc đa phần tuổi đời còn trẻ, tỷ lệ sử dụng ma túy tổng hợp chiếm 75-80% nên thường có tư tưởng, tâm lý không ổn định, dễ bị kích động, liều lĩnh, nhiều trường hợp bị ngáo có những hành động khó lường... một số trường hợp thường xuyên không chấp hành quy định của cơ sở và tìm cách trốn khỏi cơ sở, nên việc quản lý, giáo dục và hướng nghiệp cho học viên còn gặp nhiều khó khăn.

Việc cai nghiện tự nguyện gặp nhiều khó khăn do người cai nghiện không muốn đi cai, thường lẩn trốn khi gia đình có ý định cho đi cai tự nguyện. Khi vào làm hợp đồng cai nghiện thì thuận lợi, nhưng sau 15 đến 20 ngày cắt cơn, giải độc xong người cai nghiện tự nguyện luôn đòi thanh lý hợp đồng để về và đưa ra nhiều lý do.

Chú trọng chế độ học nghề và lao động trị liệu cho học viên

Để thực hiện tốt công tác điều trị cho người cai nghiện, Cơ sở cai nghiện ma túy Ninh Bình chú trọng các khâu, từ công tác tiếp nhận, quản lý học viên và phân loại, đến các chế độ ăn và sinh hoạt, chế độ văn hóa, thể dục thể thao, chế độ học nghề, tái hòa nhập cộng đồng...

Căn cứ nghị định 221/NĐ-CP, khi tiếp nhận cán bộ kiểm tra đối chiếu người, giấy chứng minh nhân dân hoặc dấu vân tay với các thông tin trong hồ sơ bảo đảm đúng người bị áp dụng biện pháp đưa vào Cơ sở cai nghiện bắt buộc. Học viên được khám sức khỏe, xét nghiệm chất ma túy có đủ sức khỏe điều trị cắt cơn không. Cơ sở lập biên bản bàn giao có ghi rõ tình trạng sức khỏe, tài liệu, hồ sơ, tư trang đồ dùng cá nhân mang theo. Sau khi tiếp nhận học viên được đưa về khu y tế để cắt cơn, giải độc, được cấp phát đồ quân tư trang cá nhân theo quy định.

 Học viên làm may túi công nghiệp tại Cơ sở. Ảnh: Thùy Chi

Học viên vào cai nghiện ma túy tại cơ sở được tổ chức cắt cơn giải độc theo phác đồ quy định số 4358/ĐTr ngày 26/6/1995 của Bộ Y tế  về an thần kinh và điều trị bằng Cedemex theo quy định chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 5/6/2017 của Thủ tướng chính phủ về tăng phòng chống ma túy trong tình hình mới.

Hiện nay Cơ sở cai nghiện ma túy Ninh Bình đang thực hiện theo Quyết định số 277/QĐ-UBND ngày 3/2/2016 của UBND tỉnh về việc trợ cấp cho các đối tượng tại Cơ sở.

Bên cạnh đó, thực hiện tổ chức các lớp tư vấn, tư vấn cá nhân, tư vấn nhóm, tư vấn pháp luật, nội quy, quy định của Cơ sở. Tổ chức dạy xóa mù chữ cho những học viên không biết chữ, đến nay không có học viên mù chữ. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được diễn ra hàng ngày trong tuần.

Đặc biệt, Cơ sở chú trọng chế độ học nghề, thực hiện mức hỗ trợ cụ thể theo từng đối tượng, từng nghề, thời gian học thực tế và hình thức học nghề tối đa không vượt quá mức quy định tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009; không hỗ trợ tiền học nghề cho học viên vào cai nghiện lần thứ 2 trở đi đã được học nghề. Năm 2016 Cơ sở đã tổ chức dạy nghề đan thủ công cho 125 học viên; năm 2017 đã tổ chức dạy nghề kỹ thuật xây dựng cho 50 Học viên; năm 2018 đã tổ chức dạy nghề đan thủ công cho 50 học viên.

Các học viên được tổ tham gia lao động trị liệu và được phân công việc phù hợp với sức khỏe, độ tuổi, giới tính. Lao động trong Cơ sở nhằm mục đích trị liệu, giúp cho học viên nhận thức được giá trị của lao động và phục hồi kỹ năng lao động đã bị suy giảm do nghiện ma túy.

Thời gian lao động của học viên không quá 4 giờ/ngày. Học viên được nghỉ lao động các cuối tuần, ngày lễ, Tết theo quy định của pháp luật. Không tổ chức lao động cho học viên trong giai đoạn cắt cơn giải độc. Học viên được hưởng tiền công lao động 60% từ kết quả lao động. Hiện Cơ sở đang tổ chức cho học viên làm may túi công nghiệp và đan bèo bồng xuất khẩu và chăn nuôi trồng trọt.

Chế độ tái hòa nhập cộng đồng cũng rất quan trọng đối với các học viên cai nghiện. Trước khi hết thời hạn chấp hành quyết định 03 tháng, cán bộ tư vấn hướng nghiệp tái hòa nhập cộng đồng như các chế độ, các dịch vụ y tế liên quan đến cai nghiện ma túy và dự phòng lây nhiễm HIV tại cộng đồng. Hết hạn chấp hành quyết định, Cơ sở cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong quyết định cai nghiện.

Để bảo đảm an ninh trật tự, hàng năm, Cơ sở xây dựng các phương án bảo đảm tình hình an ninh trật tự, chống trốn, chống thẩm lậu trong các dịp Tết nguyên đán, các ngày lễ, kỷ niệm lớn của đất nước; cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ công tác bảo vệ an ninh do công an tỉnh tổ chức, tập huấn cho cán bộ Cơ sở sử dụng cụng cụ hỗ trợ. Phân công lịch trực, ca trực, vị trí trực, tuần tra 24/24 giờ, sẵn sàng  triển khi các phương án đảm bảo an ninh, trật tự, chống học viên bỏ trốn trong mọi tình huống. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng cấm, thẩm lậu, không để ma túy lọt vào Cơ sở.

Mới đây Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh đã ký kết với Công an tỉnh Ninh Bình mở lớp huấn luyện nghiệp vụ bảo vệ cho cán bộ nam tại Cơ sở và được cấp chứng chỉ nhằm bảo đảm, an ninh trật tự, tránh các trường hợp bỏ trốn, thẩm lậu vào các cơ sở cai nghiện.

Top