Ninh Bình: Điều trị Methadone đạt 88% so với chỉ tiêu Chính phủ giao

16/09/2019 17:17

Sau hơn 7 năm triển khai điều trị Methadone trên địa bàn, các cơ sở điều trị đã tiếp nhận và duy trì điều trị thường xuyên cho các bệnh nhân. Tính đến tháng 5/2019, tổng số bệnh nhân hiện đang tham gia điều trị trên địa bàn tỉnh là 794 bệnh nhân, đạt 88% so với chỉ tiêu kế hoạch. Trong đó, số bệnh nhân điều trị liều duy trì trên 6 tháng là 693 người, chiếm 87%.

Nhờ thực hiện chương trình điều trị Methadone, số người tái nghiện trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể. Ảnh: Thùy Chi

Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadonne được tỉnh Ninh Bình đưa vào hoạt động từ năm 2012. Hiện trên địa bàn tỉnh có 6 cơ sở điều trị Methadone đặt tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và các huyện Kim Sơn, Gia Viễn, Nho Quan, Hoa Lư, thành phố Tam Điệp.

Riêng huyện Nho Quan, năm 2019 đã mở thêm 2 điểm cấp phát thuốc Methadone tại Trạm Y tế xã Gia Lâm và Phòng khám Đa khoa Quỳnh Sơn - xã Quỳnh Lưu. Việc mở thêm 2 điểm cấp phát thuốc này góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân không phải đi quá xa, thời gian và chi phí đi lại ít hơn, bệnh nhân được uống thuốc đều, đủ liều và chấp hành tốt quy định của chương trình.

Nhờ thực hiện chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone, số người tái nghiện đã giảm đáng kể. Trong quá trình điều trị, hầu hết người nghiện đều chấp hành tốt quy định giờ uống thuốc cũng như các tư vấn, khuyến cáo của cán bộ, bác sỹ, nhân viên y tế để bảo vệ sức khỏe. Đa số bệnh nhân sau một thời gian điều trị tại các cơ sở đều có chuyển biến tích cực, sức khỏe được cải thiện rõ rệt, tinh thần, tâm trí ổn định, thêm nghị lực, niềm tin, kiên trì điều trị hòa nhập cuộc sống.

Không chỉ giảm tần suất và ngừng sử dụng ma túy, bệnh nhân còn được cải thiện rõ nét về mặt tinh thần, tâm trí ổn định để kiên trì điều trị. Kết quả này mở ra hướng đi mới trong công tác phòng, chống ma túy và lây nhiễm HIV/AIDS, góp phần giảm gánh nặng kinh tế cho các gia đình có người nghiện và giữ vững ổn định trật tự xã hội.

Tại các cơ sở điều trị, đội ngũ cán bộ, bác sĩ, nhân viên luôn thực hiện nghiêm túc các hoạt động chuyên môn, đảm bảo cho người bệnh được uống thuốc hàng ngày; tăng cường hoạt động tư vấn, hỗ trợ cho người bệnh tuân thủ điều trị; phối hợp tốt với các đơn vị liên quan trong việc tổ chức thực hiện các biện pháp hỗ trợ tâm lý, xã hội, gần gũi lắng nghe, sẵn sàng chia sẻ hỗ trợ người bệnh về mặt tinh thần để động viên giúp đỡ người bệnh kiên trì tham gia cai nghiện tốt nhằm nâng cao hiệu quả điều trị; đặc biệt, quan tâm đến tuyên truyền về lợi ích của điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện thay thế...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được đáng ghi nhận, chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone trên địa bàn tỉnh vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn. Cụ thể, do hiện nay cán bộ làm việc tại cơ sở điều trị Methadone chưa có chuyên trách mà phải kiêm nhiệm; công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế; số người nghiện ma túy chưa hiểu đúng và đầy đủ về chương trình cai nghiện bằng Methadone còn nhiều...

Đặc biệt, nhiều gia đình và người nghiện chưa dám công khai đến điều trị do sợ bị kì thị; một số bệnh nhân uống thuốc không đúng giờ, hoặc tự ý bỏ liều thường xuyên, ảnh hưởng lớn đến kết quả điều trị, tạo dư luận không tốt về chương trình điều trị Methadone...

Vì vậy, để giúp người nghiện gạt bỏ tự ti, mặc cảm, thu hút người nghiện ma túy tự nguyện tham gia điều trị tại các cơ sở điều trị Methadone, rất cần sự chung tay, góp sức của toàn xã hội, gia đình và cộng đồng, đặc biệt là sự hợp tác, thực hiện nghiêm túc của người bệnh, góp phần từng bước đẩy lùi tệ nạn ma túy, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, chống tái nghiện khi bệnh nhân ra khỏi chương trình, hướng tới mục tiêu cộng đồng trong sạch, vững mạnh, không có tệ nạn xã hội.

Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền bằng viết bài tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Kết hợp lồng ghép công tác truyền thông giáo dục cho bệnh nhân và gia đình vào các cuộc tư vấn nhóm, tư vấn cá nhân, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh tại các huyện, xã, thị trấn trên địa bàn được tham gia điều trị, góp phần hạn chế và đẩy lùi tệ nạn và tội phạm ma túy trên địa bàn.
Top