Những thay đổi tích cực từ một chính sách nhân văn

22/01/2018 15:49

Chính sách cho người yếu thế vay vốn phát triển sinh kế theo Quyết định 29/2014/QĐ-TTg là một chính sách nhân văn của Nhà nước và nhận được sự quan tâm, đón nhận của cá nhân và hộ gia đình người sau cai nghiện ma túy, người nhiễm HIV, người bán dâm hoàn lương.

* Tín dụng cho người yếu thế: Cần tạo cơ chế thông thoáng

* Tình nguyện viên với việc hỗ trợ người yếu thế vay vốn

* Kinh nghiệm hỗ trợ, giúp đỡ người yếu thế vay vốn phát triển sinh kế

* Phối hợp hỗ trợ tín dụng cho người yếu thế

Anh Bùi Việt Cường-Ảnh: Nhật Thy

2 năm qua, hơn 500 khách hàng được vay vốn đã có những thay đổi tích cực về mặt kinh kế, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, có điều kiện chăm lo cho việc học hành của con cái.

Tiêu biểu như trường hợp chị Bùi Thị Lệ, sinh năm 1974, thôn Quần Mục 3, xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, TP.Hải Phòng. Chị Bùi Thị Lệ bị lây nhiễm HIV từ người chồng nghiện ma túy. Từ khi mắc bệnh, sức khỏe yếu cộng với việc chồng nghiện ma túy nên cuộc sống gia đình chị Lệ vô cùng khó khăn. Được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 20 triệu đồng, chị đã góp vốn với người cháu ruột để trồng nấm, đồng thời kết hợp đi vá lưới để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Nhờ đó, kinh tế gia đình chị đã được cải thiện, sức khỏe 2 vợ chồng cũng được nâng cao. Chị cũng thường xuyên, gặp gỡ, trao đổi với những người cùng cảnh ngộ để chia sẻ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Hàng tháng chị đều trả lãi trước thời hạn.

Đối với anh Bùi Việt Cường, sinh năm 1980, thường trú tại tổ 6, phường Bắc Lệnh, TP.Lào Cai, việc được vay vốn đã giúp anh có thêm nguồn động viên để quyết tâm cai nghiện ma túy, lấy lại được niềm tin của gia đình, xã hội. Anh Cường đã từng có một việc làm ổn định, gia đình yên ấm với vợ và con cái. Tuy nhiên, từ khi dính vào ma túy, anh mất tất cả, từ gia đình, công việc đến sức khỏe. Từ năm 2013, anh bắt đầu tham gia Chương trình điều trị methadone tại Lào Cai.

Năm 2016, gia đình anh được vay vốn 30 triệu đồng. Với số tiền này, gia đình anh đã dùng 20 triệu để mua 1 con bò giống. Sau hơn 1 năm, gia đình anh đã có thêm 1 con bê con và bò mẹ lại sắp đẻ. Còn 10 triệu đồng còn lại, anh đã bàn với bố mẹ mua 100 cây mít thái và 100 giống bưởi trồng trên diện tích 1 ha. Đến nay đã hơn một năm trồng, cây mít và bưởi sinh trưởng và phát triển tốt, dự tính 2 năm nữa cây mít ra quả sẽ đảm bảo cho anh và gia đình có nguồn thu nhập ổn định.

Hàng tháng gia đình anh đều trả tiền gốc và tiền lãi hàng tháng đầy đủ cho Tổ tín dụng. Đến nay, đàn bò của gia đình đã sinh lời đủ tiền trả vốn cho ngân hàng. Từ khi được vay vốn, có việc làm ổn định, anh Cường chấp hành quy trình điều trị methadone tốt hơn; hiện anh đang trong giai đoạn giảm liều, sức khỏe, tinh thần cải thiện rõ rệt, anh đã lấy lại niềm tin của gia đình, hàng xóm, láng giềng.

Một trường hợp khác cũng ở Lào Cai là anh Nguyễn Bá Thuật, sinh năm 1985, gia đình gồm 1 vợ và 2 con, thường trú tại Tổ 14, phường Phố Mới, TP.Lào Cai. Anh Thuật bắt đầu sử dụng ma túy từ năm 2006, đã đi cai nghiện nhiều lần, trong đó có hai lần ở Trung tâm Giáo dục - Lao động - Xã hội tỉnh Lào Cai, hai lần ở nhà cai nghiện ma túy phường Phố Mới và rất nhiều lần tự cai tại nhà nhưng đều tái nghiện do bị bạn bè xấu rủ rê và không có việc làm. Đến tháng 10/2013, anh Thuật đã đăng ký tham gia điều trị thay thế bằng methadone. Song song với việc điều trị Methadone, công việc hàng ngày của hai vợ chồng anh là đi bán và giao mỹ phẩm đến các đại lý, bán thêm quần áo tại các chợ huyện ở gần TP.Lào Cai. Đến trước những ngày Trung Thu, hai vợ chồng lại về làm bánh cùng với bố mẹ và đi bán tại các chợ huyện. Do không có vốn nên việc buôn bán, kinh doanh của gia đình anh rất vụn vặt, thu nhập bấp bênh.

Giữa năm 2016, chuẩn bị đến thời điểm làm bánh Trung Thu, anh biết được thông tin về chương trình vay vốn theo Quyết định 29/2014/QĐ-TTg. Anh bàn với vợ rồi qua phòng tư vấn để tìm hiểu về chương trình vay vốn. Được cán bộ phòng tư vấn hướng dẫn và sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền phường Phố Mới, tổ trưởng Tổ vay vốn nơi gia đình anh sinh sống, anh đã được vay 30 triệu đồng.

Với số vốn được vay, anh đã đầu tư máy móc mới, mua được nhiều nguyên liệu làm bánh trung thu. Bây giờ, không chỉ làm bánh vào dịp rằm tháng tám mà hàng tháng, đến ngày mùng một, ngày rằm, vợ chồng anh cũng làm bánh phục vụ các gia đình có nhu cầu. Ngoài ra, anh còn tìm kiếm các nguồn mỹ phẩm chất lượng tốt để đi giao hàng cho các đại lý.

Từ khi được vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh, cuộc sống gia đình anh đã thay đổi rất nhiều, hai vợ chồng không còn mâu thuẫn về vấn đề kinh tế; sức khỏe, tinh thần của anh đã được cải thiện rõ rệt.

Anh Từ Văn Chì, sinh năm 1980, là người sau cai nghiện ma túy ngụ tại ấp 4, xã Phong Thạnh Tây B, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu. Được sự hướng dẫn của cán bộ phòng, chống tệ nạn xã hội và công an xã, anh Chì đã làm thủ tục hồ sơ vay vốn theo Quyết định 29/2014/QĐ-TTg và được duyệt vay 30 triệu đồng. Anh Chì đã đầu tư tiền được vay vào việc cải tạo lại vuông tôm của gia đình và nuôi thả tôm giống. Nhờ đó, thu nhập từ việc nuôi tôm được cải thiện, cuộc sống gia đình bớt khó khăn; sức khỏe bản thân được cải thiện, tâm trạng vui vẻ. Bản thân anh Chì tích cực tham gia các hoạt động truyền thông, tư vấn, giúp đỡ người cùng cảnh ngộ vươn lên, ổn định cuộc sống.

Anh Lê Quang Dũng, sinh năm 1977, tổ 2, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội nghiện ma túy từ năm 2004. Năm 2005, anh Dũng đi cai nghiện tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội. Sau 2 năm cai nghiện ở Trung tâm, anh trở về địa phương và tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ B93.

Năm 2016, được sự hướng dẫn, hỗ trợ của Ban Chủ nhiệm CLB B93, anh Dũng đã làm đơn xin vay vốn và được xét duyệt vay với số tiền là 20 triệu đồng, lãi suất thấp 0,55%/tháng, thời hạn vay là 1 năm. Sau khi được vay vốn, anh đã mua máy ép nước mía, đầu tư mở cửa hàng tạp hóa, tạo việc làm cho cả hai vợ chồng, ngoài ra, anh còn làm thêm nghề xe ôm.

Có tiền, mở rộng kinh doanh, thu nhập cũng theo đó tăng thêm, cuộc sống gia đình anh đã bớt khó khăn. Anh Dũng thường xuyên động viên, giải thích và giúp đỡ để những người có hoàn cảnh như anh phấn đấu vươn lên ổn định cuộc sống.

Anh Nguyễn Xuân Trường, Tổ dân phố số 4, thị trấn Mường Ảnh, huyện Mường Ảnh, tỉnh Điện Biên là người nghiện ma túy đang điều trị thay thế bằng methadone. Tháng 12/2016, gia đình anh được vay 30 triệu đồng theo Quyết định 29. Cùng với số vốn của gia đình va vay thêm bạn bè, người thân, gia đình anh đầu tư nuôi gà, bò, trồng cà phê và cây ăn quả. Hiện tại gia đình anh có 1 ha trồng cà phê xen canh các loại cây ăn quả, nuôi 200 con gà và 3 con bò. Nguồn thu nhập từ chăn nuôi, trồng trọt đã giúp anh ổn định kinh tế gia đình, sức khỏe bản thân ngày càng cải thiện, gia đình hạnh phúc.

Trên đây chỉ là một vài những cá nhân tiêu biểu đã thành công trong việc phát triển sinh kế từ nguồn vốn tính dụng theo Quyết định 29. Hy vọng có thêm nhiều người biết đến Quyết định 29 và ngày càng có thêm nhiều người được vay vốn, để chính sách nhân văn này thực sự đi vào đời sống.

Top