Những nhà báo mang thương hiệu... PX15

21/06/2018 08:23

Những nhà báo mang sắc phục công an. Với họ làm báo không chỉ là nghề mà còn niềm đam mê. Họ là các cán bộ Phòng Công tác chính trị trực thuộc công an các tỉnh.

Thiếu tá Nguyễn Thị Duyên, cán bộ Phòng Công tác chính trị Công an tỉnh Cao Bằng tâm sự: Với biên chế cán bộ khiêm tốn, trong khi đó phải thực hiện nhiệm vụ ở một địa bàn rộng lớn, địa hình chia cắt, đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, để thực hiện tốt công tác tuyên truyền báo chí, anh em trong Đội ai cũng phải “đa năng”, tự dàn dựng, đạo diễn, ghi hình, chụp ảnh, thu tư liệu, viết bài, dựng hậu kỳ và liên hệ để đăng tải và phát sóng. Mỗi người phải thực hiện tất cả các công đoạn báo chí để có một sản phẩm báo chí hoàn chỉnh.

Đại tá Thẩm Quang Biển, Trưởng phòng Công tác chính trị Công an tỉnh Hà Giang chia sẻ: Do đặc điểm là tỉnh miền núi nên việc cán bộ, chiến sĩ đi công tác phải băng rừng, vượt lũ, nằm bờ, ngủ bụi cùng với các đơn vị nghiệp vụ để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền là chuyện như cơm bữa. 

Có những lần lội suối nước ngập ngang người, cũng có lúc lưng áo ướt đẫm mồ hôi trong đêm đông rét buốt để cùng đồng đội theo dấu chân tội phạm và đã từng có những giây phút sinh tử khi bị các nhóm tội phạm tấn công trong khi tác nghiệp… 

Cán bộ, chiến sĩ Đội Tuyên truyền Công an tỉnh Hà Giang tác nghiệp tại địa bàn.

“Năm 2011, hôm đó mọi người đang ăn trưa thì tổ mình nhận được lệnh phân công của đơn vị tới hiện trường ghi hình, phản ánh vụ việc có nhóm người rất đông gây rối trật tự. Sau khi nắm bắt thông tin nạn nhân đã được đưa vào bệnh viện cấp cứu, mình và một đồng đội liền tức tốc phi nhanh vào tác nghiệp thì bị một số thanh niên ngổ ngáo, xăm trổ đầy người đến gây sự… Kết thúc công việc, thấy nhóm này bỏ đi, bọn mình mới dám ra về. Ai ngờ, vừa tới cổng bệnh viện, hai anh em bắt gặp hơn 20 thanh niên đèo nhau trên 5 - 6 xe máy chỉ tay văng tục, hùng hổ đuổi theo…” – Thượng úy Hoàng Thị Hiền, cán bộ Đội Tuyên truyền, Phòng Công tác chính trị Công an tỉnh Hà Giang nhớ lại lần bị nhóm côn đồ truy đuổi.

Để có được hiệu quả trong công tác tuyên truyền, đòi hỏi mỗi chiến sĩ phải đi thực tế nắm bắt, phản ánh tình hình, tâm huyết với nghề báo để vượt qua được những khó khăn vất vả cũng như sự nguy hiểm. Đến được các bản làng phải đi bộ có khi hàng mấy giờ đồng hồ, trên vai mang vác đủ thứ “đồ nghề”, camera, máy ảnh và các phụ kiện kèm theo... 

Tới nơi rồi, việc ghi hình, thu tư liệu cũng gian nan chẳng kém, nhất là việc phỏng vấn, người cần phỏng vấn thì không biết tiếng phổ thông nên lại phải nhờ đến phiên dịch, nhiều trường hợp phiên dịch cũng biết chưa hết tiếng phổ thông. Đó là chưa kể những khó khăn về kỹ thuật, những máy móc, thiết bị mang theo do vận chuyển va đập, hỏng hóc...

Thiếu tá Nguyễn Minh Phong, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, Phòng PX15 Công an tỉnh Sơn La (người đi sau) trong lần tác nghiệp tại "rốn lũ" Phù Yên (10/2017).

Thiếu tá Nguyễn Kỳ Lân, Đội phó Đội Tuyên truyền, Phòng Công tác chính trị Công an tỉnh Hà Giang tâm sự về những kỷ niệm sau hơn 15 năm làm báo, đã có lúc anh đứng ngây người, mắt nhòe đi trước hình ảnh của hai đứa trẻ len lén bấu chặt lấy nhau khi thấy các chiến sĩ Công an dẫn giải mẹ đi vì hành vi đầu độc chồng bằng lá ngón. Bố mất, mẹ đi tù, các em phải nhờ cậy vào sự giúp đỡ của cộng đồng mới có thể trụ vững trong giông bão của cuộc sống… 

Rồi cả những hình ảnh tử tù run rẩy cầm bút khi viết những dòng chữ cuối cùng gửi gia đình trước khi ra pháp trường trả án. “Đi xong về trăn trở với những trang viết, vì mình cảm nhận được ở tận sâu trong tâm hồn của họ, lương tâm của một con người đang trỗi dậy, trách cho những phút giây không thắng nổi bản thân, đánh mất phần Người để đến khi hối hận thì đã quá muộn màng… Chỉ thương những đứa trẻ, cuộc sống đã khổ nay lại khó khăn trăm bề” – Thiếu tá Nguyễn Kỳ Lân chia sẻ.

Thượng úy Ngô Thị Thủy (bút danh Ngô Thủy), Phó Đội trưởng Đội Tuyên truyền Phòng Công tác chính trị (Công an tỉnh Hòa Bình) cùng đồng đội đã trở thành cộng tác viên tích cực của nhiều cơ quan báo chí trong và ngoài lực lượng CAND. 

Ngô Thủy công tác tại Đội Tuyên truyền đến nay đã được 9 năm. Ứng với từng ấy thời gian là vô số kỷ niệm không bao giờ quên. Đợt mưa lũ lịch sử xảy ra vào tháng 10-2017 trên địa bàn đã khiến hàng chục người chết và bị thương. 

Chiều 11-10-2017, nhận được thông tin về việc tại khu vực giáp ranh giữa xã Lập Chiệng và Nật Sơn – huyện Kim Bôi xảy ra vụ sạt lở đất khiến chị Quách Thị Hà My (ở xã Mỹ Hòa) và Nguyễn Thị Hương (ở xã Kim Bình) cùng ở huyện Kim Bôi bị vùi lấp và lực lượng Công an đang tích cực tìm kiếm cứu nạn, chị đã cùng Đại úy Nguyễn Thị Phượng, Phó trưởng Phòng PX15 vượt qua hàng chục cây số có mặt tại hiện trường. Trời tối như mực. 

Nhà báo Tống Huệ trong một lần tác nghiệp tại huyện Bát Xát.

Khu vực quả đồi bị sạt có dốc thẳng đứng cao khoảng 200m. Bên dưới là hàng trăm mét khối bùn đất nhão nhoét. Trời cứ mưa rồi tạnh, tạnh rồi mưa. Mặc cho quần áo ướt sũng, vắt rừng không ngừng tấn công, chị dùng lá khoai che máy quay, bám trụ vị trí và ghi lại những thước phim chân thực từ hiện trường xảy ra vụ việc.

Đến 1h, thi thể cả hai nạn nhân lần lượt được tìm thấy. Toàn bộ thông tin ban đầu về vụ việc và những nỗi lực tìm kiếm cứu nạn của lực lượng CAND đã được nhà báo Ngô Thủy ghi hình. 

“Trở về cơ quan trời đã gần sáng, nhưng mình vẫn cùng anh em tập trung xử lý tin bài và truyền về cho Báo CAND, Truyền hình CAND cùng một số cơ quan báo chí khác. Sau đó, khoảng 4h, mình và anh em trong Đội tiếp tục nhận được lệnh lên đường đến xóm Khanh, huyện Tân Lạc – nơi xảy ra vụ sạt lở đất khiến 18 người thiệt mạng và mất tích!”, nhà báo Ngô Thủy nhớ lại.

Sáng 19-7-2014, nhận được tin dữ về việc rạng sáng cùng ngày trong lúc truy quét các đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy tại khu vực Thung Cuông, xã Vân Hồ (huyện Vân Hồ - Sơn La), Đại úy Lường Phát Chiêm, cán bộ Phòng Cảnh sát bảo vệ và cơ động – Công an tỉnh Sơn La đã hy sinh, tôi cùng Đoàn công tác của Báo CAND lên Sơn La thăm hỏi, sẻ chia mất mát với gia đình đồng chí Chiêm. 

15h30, có mặt tại trụ sở Công an huyện Mộc Châu, tôi thấy nhà báo Minh Phong (bút danh của Thiếu tá Nguyễn Minh Phong), Đội trưởng Đội Tuyên truyền, Phòng Công tác chính trị (Công an tỉnh Sơn La) tất bật với việc xử lý thêm các thông tin liên quan đến vụ việc và gửi cho một số cơ quan báo chí. 

Khoảng 5h ngày 19-7, nhận được lệnh, chị tức tốc cùng đồng nghiệp mang theo máy quay, máy ảnh về Vân Hồ. Khi Minh Phong đến Vân Hồ cũng là lúc thi thể đồng chí Chiêm được đưa đến Nhà tang lễ - Bệnh viện Đa khoa Thảo Nguyên (huyện Mộc Châu). Thoáng thấy đồng chí Chiêm nằm bất động, nước mắt chị cứ thế trào ra. Thông tin ban đầu sau đó đã được Minh Phong nhanh chóng truyền về cho Báo CAND, Báo Hòa Bình đăng tải.

Đại úy Nguyễn Huy Vũ cùng đồng nghiệp sản xuất chương trình cho chuyên mục “Vì An ninh Tổ quốc”.

Năm 2013, tội phạm ma túy ở một số địa bàn trở nên “nóng” gây bức xúc dư luận. Phương án chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy tại xã Lóng Luông và vùng phụ cận từ tháng 7/2013 đã được lực lượng Công an triển khai. 

Và nhà báo Minh Phong được giao nhiệm vụ sát cánh, hỗ trợ công tác tuyên truyền cho phương án. Tuy không trực tiếp tham gia truy quét các đối tượng có hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, nhưng hầu hết thông tin về các vụ việc, tấm gương chiến đấu quả cảm của các cán bộ, chiến sĩ nơi tuyến lửa ma túy Vân Hồ, Mộc Châu đều được Minh Phong cùng anh em trong đơn vị thu thập, phản ánh một cách sinh động, chân thực, kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng. 

Chính vì đam mê, vượt khó trong công việc, nên thời gian qua, nữ nhà báo xinh đẹp Minh Phong đã cùng đồng đội gặt hái nhiều giải thưởng trong các kỳ cuộc liên hoan phim Truyền hình CAND toàn quốc, như: 1 giải Vàng (năm 2015); 1 giải Vàng, 3 giải Bạc (năm 2017)… và tới đây vào ngày 11/6, chị còn vinh dự nhận giải B – cuộc thi viết về gương người tốt, việc tốt trong phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh Sơn La do tỉnh Sơn La phát động.  

Thiếu tá Dương Thành Trung, Đội trưởng Tuyên truyền Phòng PX15 Công an tỉnh Điện Biên tác nghiệp dưới địa bàn.

Tôi gặp Đại úy Tống Thị Huệ (bút danh Tống Huệ), Đội trưởng Đội Tuyên truyền, Phòng Công tác chính trị - Công an tỉnh Lào Cai lần đầu vào một ngày cuối tháng 10-2008. Tống Huệ cùng lứa với tôi. Huệ kể, ngày mới về công tác tại Công an tỉnh, do học ngành ngoài, nên thấy nhiều điều lạ lẫm. Để làm tròn nhiệm vụ, Tống Huệ đã tự tìm hiểu về các mặt công tác, chiến đấu của lực lượng Công an và trau dồi thêm kiến thức từ những người đi trước.

Tỉnh Lào Cai có hơn 200km đường biên, thành phần dân tộc đa dạng, dân cư phân bổ không đều. Ở một số nơi, trình độ dân trí còn thấp. Một số đối tượng xấu đã lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để lôi kéo, xúi giục, xuyên tạc chủ trương đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. 

Nhằm nâng cao ý thức cảnh giác cho bà con, trong đó có người dân tộc Mông, năm 2015, Tỉnh ủy đã giao Công an tỉnh Lào Cai xây dựng phóng sự phục vụ công tác tuyên truyền. “Ngày ấy, nhận được sự chỉ đạo của cấp trên, mình cùng anh em đã xây dựng kịch bản phóng sự với tựa đề “Nhà nước Mông và những ảo tưởng”, nhà báo Tống Huệ kể. 

Để có chất liệu cho phóng sự trên, sau gần 1 năm ròng rã thu thập tư liệu, lăn xả đến các địa bàn, “3 cùng” với bà con người Mông ở vùng sâu, vùng xa trong tỉnh như: huyện Bát Xát, Si Ma Cai, Bắc Hà, Mường Khương… tác phẩm có nội dung vạch trần thủ đoạn của các đối tượng hòng tạo dựng “nhà nước Mông” để gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất ANTT, được thể hiện bằng hai thứ tiếng Mông và phổ thông được hoàn tất. Tác phẩm này sau đó được sao thành 1.000 bản và phát hành rộng rãi tới các thôn, bản trên địa bàn, góp phần phản bác, vạch mặt âm mưu của các thế lực thù địch.

“Một tay hai súng”, cách nói ví von với những nhà báo mang quân hàm của Đội Tuyên truyền Phòng Công tác chính trị, Công an tỉnh Đồng Tháp. Những lần trực tiếp tác nghiệp tại hiện trường, đồng nghiệp dễ nhận ra các anh cùng lúc thực hiện thao tác trên cả máy ảnh và camera mang trên mình. 

Thiếu tá Trần Thanh Phong, Đội trưởng Đội Tuyên truyền và Văn hóa văn nghệ Công an Đồng Tháp cho biết: Chuyên mục “Vì An ninh Tổ quốc” thu hút đông đảo người dân quan tâm, đây là “thương hiệu” của Công an và đặc biệt với vùng sông nước miền Tây. 

Các chuyên mục phát sóng giúp người dân, cán bộ trong tỉnh hiểu rõ hơn vai trò xung kích của lực lượng CAND trên lĩnh vực đảm bảo an ninh trật tự, phong trào CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và cuộc vận động “Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân dân, vì nhân dân phục vụ”.

Phóng viên PX 15 tác nghiệp

Được sự quan tâm chỉ đạo của Ban giám đốc Công an tỉnh Đồng Tháp, từ năm 2010 đến nay, Đội Tuyên truyền được trang bị phòng thu âm chuyên nghiệp, máy thu hình, máy dựng và sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình, chủ động thực hiện các chuyên đề có tính đấu tranh cao, kịp thời phản ánh diễn biến an ninh trật tự xảy ra trên địa bàn.

Chia sẻ về nghề, Đại úy Nguyễn Huy Vũ, Phó Đội trưởng Đội Tuyên truyền kể: Cận Tết Nguyên đán năm 2011, tình hình buôn lậu thuốc lá hoạt động khá phức tạp. Anh được lãnh đạo phân công tham gia cùng Cảnh sát kinh tế bắt thuốc lá lậu với quy mô lớn. Anh nhanh chóng chuẩn bị máy ảnh, camera, phương tiện tác nghiệp. Đúng 14h, anh theo chân tổ trinh sát đi đường sông lênh đênh trên chiếc xuồng câu. 

Với quyết tâm bắt quả tang và triệt xóa tụ điểm buôn lậu này, anh cùng với trinh sát bám trụ 2 ngày 2 đêm trên chiếc xuồng. “Thức trắng đêm cùng anh em trên sông, ấy vậy mà tôi cảm thấy vui vì đã hoàn thành nhiệm vụ, kịp thời đưa tin, bài tuyên truyền hoạt động của Công an tỉnh”, Đại úy Vũ nói.

Thảo Vy - Trần Huy - Như Anh (Báo CAND)
Top