Những nguyên tắc vàng trong điều trị Methadone

18/07/2018 18:12

Việc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone được xem là một biện pháp hữu hiệu, giúp người nghiện thoát khỏi sự lệ thuộc vào ma túy, giảm các bệnh lây truyền qua đường máu. Tuy nhiên, để việc điều trị thành công, mang lại sức khỏe tốt cho người bệnh cần tuần thủ các nguyên tắc sau đây.

Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone được xem là một biện pháp hữu hiệu, giúp người nghiện thoát khỏi sự lệ thuộc vào ma túy, giảm các bệnh lây truyền qua đường máu. Ảnh: Thùy Chi

Tuân thủ điều trị Methadone

Giải quyết được vấn đề lệ thuộc ma túy, thông thường sau 3-5 ngày điều trị, bệnh nhân giảm hoặc mất hoàn toàn hội chứng cai, người bệnh không còn ngáp, vã mồ hôi, nóng lạnh, mệt mỏi, đau xương khớp, mất ngủ, dòi bò trong xương, không còn bồn chồn, lo lắng như trước, tinh thần thoải mái. Tuy nhiên, sự thèm nhớ ma túy vẫn còn, cần thời gian từ 2-4 tuần dò liều bệnh nhân mới mất hẳn cơn thèm nhớ mãnh liệt.

Cơn thèm nhớ sẽ giảm dần tùy theo mức độ nghiện nặng hay nhẹ, trong những ngày đầu cơn them, nhớ xuất hiện 3-4 lần trong ngày, thời gian khoảng 30-50 phút, trong các ngày sau cơn thèm nhớ chỉ xuất hiện 1-2 lần trong ngày và chỉ kéo dài từ 10-15 phút.

Những lúc xuất hiện cơn thèm nhớ bệnh nhân cần phải biết những kỹ năng đối phó và từ chối để quên và gạt bỏ sự thèm nhớ bằng cách: Không tìm đến những nơi mà trước đây hay tụ tập tiêm chích, không nhìn các vật dụng có liên quan đến ma túy, không tiếp xúc với bạn nghiện. Lúc này cần tìm một trò giải trí, làm một công việc gì đó, hay uống một cốc nước mát, gội đầu, đi tắm…

Liều Methadone sẽ được tăng dần đến khi nào bệnh nhân mất hoàn toàn hội chứng cai, không còn thèm nhớ, giấc ngủ trở lại bình thường, không giật mình, không còn nằm mơ đi tiêm chích, không ác mộng thì được duy trì ở liều điều trị ổn định. Thời gian điều trị liều ổn định kéo dài bao lâu tùy thuộc vào thời gian sử dụng và độ dung nạp của người bệnh, theo khuyến cáo thời gian điều trị Methadone tối thiểu là 1 năm để tế bào não có thời gian hồi phục. Không nên bỏ trị đột ngột hoặc giảm liều không đúng quy trình, như thế sẽ có nguy cơ tái nghiện rất cao.

Thiết lập mối quan hệ với nhóm hỗ trợ kỹ thuật

Nhóm này gồm bác sĩ điều trị và tư vấn viên hỗ trợ tâm lý. Việc thiết lập mối quan hệ giữa nhóm hỗ trợ kỹ thuật và bệnh nhân đóng vai trò khá quan trọng và phải dựa trên nguyên tắc: Tự nguyện, bảo mật, tin cậy, không phán xét, tôn trọng, an toàn và gắn kết dịch vụ.

Tư vấn viên cần có kỹ năng và thái độ chân thành, thân thiện, chia sẻ, thấu hiểu với bệnh nhân, tạo cho bệnh nhân cảm giác ấp áp, tìm được giải pháp phù hợp, không xem thường, khinh bỉ, kỳ thị người nghiện. Từ đó, người nghiện sẽ tin tưởng và phối hợp điều trị hiệu quả.

Quyết tâm chữa trị

Bệnh nhân tự nguyện tham gia chương trình điều trị Methadone phải có ý chí và quyết tâm cao để đối phó với cơn thèm nhớ ma túy và các thói quen về việc tiêm chích ma túy hàng ngày. Phải có ý chí để từ chối sự rủ rê, lôi kéo việc tái sử dụng ma túy của bạn nghiện.

Với những người nghiện nặng, đòi hỏi thời gian điều trị càng lâu, có thể kéo dài từ 3-5 năm. Người tư vấn viên cần tạo động lực, niềm tin, động viên và bao dung để giúp bệnh nhân vượt qua tất cả, tạo quyết tâm tuân thủ điều trị lâu dài, có nghĩa là không bỏ cuộc, không đầu hàng, không buông xuôi. Phải giải thích cho bệnh nhân hiểu xung quanh bệnh nhân còn gia đình, con cái, công việc, nếu điều trị methadone sẽ có cơ hội làm lại cuộc đời.

Quyết tâm của bệnh nhân đóng vai trò quan trọng. Những bệnh nhân nghiện ma túy hãy quyết tâm điều trị, nỗ lực vươn lên để đạt được mục tiêu: Từ bỏ ma túy, tìm kiếm việc làm để ổn định cuộc sống, làm người có ích và xây dựng một gia đình hạnh phúc. 

Hỗ trợ gia đình, người thân

Trong thời gian bệnh nhân tham gia điều trị cai nghiện, sự quan tâm hỗ trợ của gia đình rất quan trọng. Người thân nên theo dõi những diễn biến, thay đổi của bệnh nhân, cho bệnh nhân ở nơi yên tĩnh để tránh những kích thích, không quát tháo la mắng, thách thức, tranh cãi khi bệnh nhân nóng nảy, khó tính.

Khuyến khích bệnh nhân ăn uống chung với gia đình, chú ý chế độ ăn tăng cường dinh dưỡng, thực phẩm rau quả, hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá, nên luyện tập thể dục thể thao.

Lập kế hoạch sinh hoạt, công việc hàng ngày cho bệnh nhân, tránh để thời gian nhàn rỗi, nhắc nhở bệnh nhân vệ sinh cá nhân và thực hiện một số quy định của gia đình. Người thân bệnh nhân cũng nên tham gia sinh hoạt hỗ trợ người nhà bệnh nhân nhằm chia sẻ, trao đổi những kinh nghiệm trong việc chăm sóc bệnh nhân.

Không chỉ các y, bác sĩ, cần có thái độ thân thiện, chia sẻ, thấu cảm với bệnh nhân, những người thân, người nhà của bệnh nhân cũng nên hỗ trợ, nhẹ nhàng giải quyết những mâu thuẫn nội tâm, tái tạo nhân cách, phục hồi các giá trị và kỹ năng sống, giúp bệnh nhân thay đổi hành vi, thói quen như khi đang còn nghiện và tránh việc tái sử dụng ma túy, đồng thời giúp bệnh nhân vươn lên, tái hòa nhập cộng đồng.
Top