Những góc nhìn mới về mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam

19/02/2019 11:00

Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) vừa công bố tài liệu chính sách này cung cấp các thông tin cập nhật về mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam và bối cảnh văn hoá-xã hội liên quan, đồng thời phân tích những xu hướng phát triển nhân khẩu học gần đây.

Ảnh minh họa. Nguồn internet

Theo UNFPA, ở Việt Nam, chế độ phụ hệ/và phong tục cư trú bên nội thường dẫn đến sự phân biệt đối xử dựa trên cơ sở giới trong gia đình, trong đó bao gồm tâm lý ưa thích con trai.

“Chế độ phụ hệ” là hệ thống gia đình trong đó sự duy trì các thế hệ sau phụ thuộc vào người nam giới, mọi người tin rằng chỉ có con trai mới có thể duy trì dòng họ. Phong tục “cư trú bên nội” là việc các cặp vợ chồng về ở cùng hoặc ở gần gia đình của người chồng, trong khi người vợ phải rời gia đình bố mẹ đẻ sau khi kết hôn. Theo chế độ phụ hệ/phong tục cư trú bên nội, những người con trai lớn trong gia đình thường có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ khi về già, thường ở cùng nhà với cha mẹ ruột, và con trai thường thừa kế từ cha mẹ nhiều hơn so với con gái. Trái lại, trong hệ thống lưỡng hệ, con trai và con gái trong gia đình được đối xử bình đẳng hơn.

Trong khi tâm lý ưa thích con trai đã có lịch sử lâu dài ở Việt Nam, việc tiếp cận kỹ thuật mới để lựa chọn giới tính gia tăng mạnh mẽ trong thập kỷ vừa qua. Hầu hết người dân đều có thể tiếp cận dịch vụ siêu âm, phá thai với mục đích lựa chọn giới tính với giá cả phải chăng. Mặc dù Chính phủ Việt Nam đã tăng cường khung pháp lý để giải quyết sự gia tăng mất cân bằng tỷ số giơi stinhs khi sinh (TSGTKS) (đã có các quy định cấm xác định giới tính thai nhi và tất cả các hình thức lựa chọn giới tính nhằm đưa TSGTKS trở lại mức sinh học bình thường vào năm 2025), các ông bố, bà mẹ tương lai vẫn có thể dễ dàng có được thông tin về giới tính thai nhi. Do vậy, thực hành lựa chọn giới tính trên cơ sở giới - được thực hiện thông qua siêu âm kết hợp với phá thai - vẫn đang tiếp tục diễn ra ở Việt Nam.
 
Một yếu tố nữa không kém phần quan trọng dẫn đến lựa chọn giới tính thai nhi là các chính sách dân số của Chính phủ và xu hướng mong muốn quy mô gia đình hai con hoặc ít hơn ở nhiều vùng ở Việt Nam. Cả ba yếu tố này tạo ra các điều kiện kinh tế-xã hội cho việc lựa chọn giới tính thai nhi.

Một số nghiên cứu cho thấy sự khác biệt lớn về TSGTKS giữa 6 vùng miền của Việt Nam: vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Đông Nam Bộ, vùng Duyên hải miền Trung, vùng Tây Nguyên và vùng Đồng bằng sông Cửu Long
 
Vùng Đồng bằng sông Hồng là vùng có TSGTKS tăng ở mức cao nhất kể từ năm 2010 cho đến nay. Mặc dù khu vực này chiếm chưa đầy 1/4 số trẻ em ở Việt Nam nhưng chiếm tới 45% tổng số trẻ em trai dư ra do mất cân bằng giới tính khi sinh.

Đáng chú ý, các vùng có TSGTKS cao lại chính là những vùng mà chế độ phụ hệ/ phong tục cư trú bên nội còn phổ biến trong khi các vùng có hệ thống gia đình lưỡng hệ lại có mức độ chuộng con trai thấp hơn. Sự khác biệt về TSGTKS giữa các vùng ở Việt Nam cho thấy rằng: Để nâng cao bình đẳng giới và đưa TSGTKS trở lại mức bình thường, Việt Nam cần phải có các tác động tới các thực hành về hệ thống gia đình.

Bên cạnh đó, có những khác biệt kinh tế-xã hội đáng kể liên quan tới TSGTKS giữa các nhóm dân cư khác nhau ở Việt Nam: việc lựa chọn giới tính để có con trai trong những nhóm dân cư có điều kiện kinh tế xã hội cao thường cao hơn so với nhóm dân cư có điều kiện kinh tế xã hội thấp.

Tuy nhiên, hiện tại, có xu hướng tăng TSGTKS ở tất cả các nhóm kinh tế-xã hội ở Việt Nam: từ năm 2009, TSGTKS đã tăng lên trong các nhóm dân cư có điều kiện kinh tế-xã hội nghèo nhất, trong khi đó TSGTKS vẫn ổn định ở các nhóm dân cư giàu hơn. Điều này cho thấy xu thế lựa chọn giới tính để có con trai hiện đang ngày trở nên phổ biến ở Việt Nam.

Vậy điều gì có thể giải thích cho xu thế lựa chọn con trai cao hơn ở những nhóm dân cư có thu nhập cao hơn? Cả 3 yếu tố nguyên nhân của lựa chọn giới tính khi sinh  đều cần được xem xét

Thứ nhất, các cặp vợ chồng có điều kiện kinh tế - xã hội tốt thường có nhiều khả năng tiếp cận với công nghệ y tế cao và họ thường có tỷ suất sinh thấp hơn. Hơn nữa, gia đình họ thường có tài sản kinh tế và hầu hết họ muốn có con trai thừa kế để tránh những tài sản này bị chuyển sang một dòng họ khác - dòng họ bên chồng của mà con gái của họ sẽ gia nhập sau kết hôn.

Điều này chỉ ra rằng trong các vùng có chế độ phụ hệ/phong tục cư trú bên nội, con trai của các hộ gia đình có điều kiện kinh tế tốt thường có xu hướng nắm giữ tài sản của dòng họ. Một số nghiên cứu định tính được thực hiện ở Đồng bằng sông Hồng đã chỉ ra rằng người dân thường chế giễu các cặp vợ chồng không có con trai về việc tài sản của những gia đình này sẽ để rơi vào tay dòng họ khác và chính những lo ngại này khiến người ta phải cố gắng sinh con trai.

Top