Những điều “lạ” ở Gia Minh

24/09/2020 15:14

Từ con đường trải nhựa phẳng lỳ, thẳng tắp nối Quốc lộ 10 tới khu di tích Bạch Đằng giang lịch sử – nơi ngàn năm vang vọng tiếng gươm khua từ dòng sông ba lần vùi chôn xác giặc ngoại xâm, xe chúng tôi rẽ phải vào Cơ sở cai nghiện ma túy (CSCNMT) Gia Minh, Thủy Nguyên, Hải Phòng. Một tấm biển nhỏ nhắn, lặng lẽ núp bóng dưới hàng cây với dòng chữ xanh hiện ra “ Chào mừng người bạn mới ”.

Cơ sở cai nghiện với hàng rào ‘mềm’

Đến gần ngôi nhà điều hành trong khuôn viên, chúng tôi lại thấy một tấm đá màu nâu sẫm khiêm tốn đặt dưới gốc cây khắc câu nói nổi tiếng của Karl Marx “Người nào đem lại hạnh phúc cho nhiều người nhất thì người đó là hạnh phúc nhất”. Một triết lý đơn giản nhưng để thực hiện thì... không hề đơn giản chút nào.

Sau cái bắt tay, anh Trịnh Quốc Hùng, Phó Giám đốc CSCNMT Gia Minh dẫn chúng tôi đi thăm khu ăn ở của học viên. Khi ngang qua khu vườn, vừa đi vừa chỉ tay xuống lùm cây lá lốt, nơi đang phát ra tiếng nhạc du dương, anh Hùng cười dí dỏm: các anh có thấy ở giữa vạt cây là... tượng con cóc không. Nó ‘ngày thì phát nhạc, tối khạc ánh sáng’ đấy. Con cóc theo dân gian là ‘cậu ông giời’ hô mưa gọi sấm, địa vị to là thế nhưng khi không chịu ‘nghe lời’ thì... những chiếc lá lốt kia sẽ là gia vị cho mấy món ngon đấy.

Rồi chúng tôi đi xuyên qua con đường vành đai đến thăm khu vực sản xuất giấy. Một bên đường sát với những hộ dân sinh sống, một bên là đất của Cơ sở với những vườn cây xanh lá đủ các loại và những ô nuôi trùn quế. Tuyệt nhiên ở đây không có hào sâu, tường cao. Khi được hỏi: Chỉ mấy bước chân là học viên có thể ra khỏi nơi đây, thế các anh không sợ họ bỏ trốn à? Anh Hùng lại cười hiền: “Nếu sợ thì chúng tôi đã...”, rồi bỏ lửng câu nói.

Trò chuyện bên chén trà, như đoán biết được băn khoăn của chúng tôi, anh Nguyễn Hải Hưng, Giám đốc chia sẻ: được thành lập tháng 12/2003, hiện nay, CSCNMT Gia Minh đang quản lý, điều trị cai nghiện cho hơn 1.000 học viên. Với xu thế sử dụng ma túy hiện nay thì rất đáng lo ngại, tỷ lệ người nghiện ATS (ma túy tổng hợp) lên tới hơn 80% với nhiều hình thức “siêu maketing” đến tận gia đình, kể cả nơi biên giới, hải đảo. Người nghiện thì ngày càng trẻ hóa, có em đang là học sinh, mới 14, 15 tuổi đã nghiện ma túy, thấy xót xa vô cùng... Đối với Cơ sở, nhiều năm qua, chúng tôi thực hiện tiêu chí xây dựng một “không gian mở” với hàng rào “mềm” (không có tường bao quanh). Khi các em đến đây cai nghiện thì việc đầu tiên phải xác định ý thức rèn luyện, tự tin vượt qua chính mình. Không có hàng rào nào vững chắc bằng hàng rào “tự giác”, làm chủ bản thân.

Những cộng tác viên “đặc biệt”

Gặp gỡ và trò chuyện với cộng tác viên Vũ Đình D. (sinh năm 1986) tại phòng ở sau khi anh cùng một số học viên vừa hoàn thành công việc chăm sóc vườn rau buổi sáng, chúng tôi nhận thấy đây thực sự là gia đình thứ hai của họ.

“Tôi mong muốn là sau này đừng có anh em nào có những phút nông nổi như tôi và nếu nghiện rồi thì vào đây với quyết tâm vượt qua để trở về với gia đình. Mục đích ở lại của tôi là vì cơ sở đã tạo điều kiện cho tôi có công ăn việc làm, có thu nhập cho bản thân và gia đình. Tôi cảm nhận khi nghĩ về những cán bộ ở đây ngày đêm như “người thầy” chăm sóc từng bữa cơm ăn, thuốc uống, thực sự như những người chở chuyến đò qua sông mong đến bến bờ”, anh D. tâm sự.

Ảnh Đỗ Doãn Tuấn là một cộng tác viên tại Gia Minh. Ảnh Như Ngọc

Sau khi hoàn thành thời gian cai nghiện, anh Đỗ Doãn Tuấn đã từ bỏ ma túy và xin ở lại cơ sở làm cộng tác viên. Hai năm sau “thử thách”, anh trở thành cán bộ bảo vệ, được hưởng lương và các chế độ như các nhân viên khác. “Trong quá trình làm cộng tác viên, tôi đã tự rèn luyện bản thân mình và được sự giúp đỡ của Ban Giám đốc, các cán bộ trong Đội động viên, an ủi, nay tôi đã là một nhân viên bảo vệ, làm việc chính thức trong cơ sở. Tôi rất cảm ơn lãnh đạo và anh em đã giúp tôi từ một người lầm lỡ trở thành người có ích cho xã hội”, anh Tuấn chia sẻ.

Vũ Đình D. và Đỗ Doãn Tuấn là hai trong số cộng tác viên đang làm việc ở CSCNMT Gia Minh, bản thân họ đã trải qua những năm tháng vật vã đau khổ đến tận cùng vì những cơn “phê” ma túy. Với tấm lòng bao dung của lãnh đạo, cán bộ, nhân viên cơ sở, họ tiếp tục quy trình cai nghiện đang và đã trở thành những cộng sự, những “đồng nghiệp” hàng ngày giúp đỡ những “người bạn mới” đến cai nghiện ma túy.

Tìm hiểu về mô hình cộng tác viên trong CSCNMT Gia Minh, Giám đốc Nguyễn Hải Hưng cho biết thêm: mô hình này thực hiện hơn 10 năm qua với quy trình “chọn lọc” 4 bước. Thứ nhất, người cai nghiện đã cai nghiện thành công ít nhất 2 năm. Thứ hai, có sự tự nguyện. Thứ ba, phải tạo được niềm tin. Thứ tư, phải học việc ít nhất 2 năm. Sau đó mới được xem xét, tuyển vào làm việc. Đến nay đã có một số anh em đã được tuyển vào làm việc trong Cơ sở, một số khác đang còn trong thời gian “tập sự”.

“Sau khi hoàn thành thành quy trình cai nghiện, một số anh em được xét duyệt ở lại cơ sở làm cộng tác viên và được coi như người “thầy” để dìu dắt những người khác đi tiếp. Họ là những người hiểu hơn ai hết, dám nói lên tất cả. Anh em coi họ như ân nhân, như những người “thầy” vì họ có kiến thức thực tế, gần gũi để hướng dẫn họ cai nghiện thành công”, Giám đốc Nguyễn Hải Hưng chia sẻ.

Chúng tôi nhận ra rằng, trong cuộc sống, tình yêu thương đã làm cho mỗi người trong chúng ta “lớn lên từng chút”. Và những vĩ nhân đâu cần phải làm những việc vĩ đại mà ít ai có thể làm được, chẳng hạn như các cộng tác viên của CSCNMT Gia Minh đang thực hiện triết lý: “Người nào đem lại hạnh phúc cho nhiều người nhất thì người đó là hạnh phúc nhất”. Và tự trong lòng, chúng tôi chúc cho những người “thầy” đặc biệt   tiếp tục đồng hành với những người trót mắc nghiện trên con đường từ bỏ ma túy. Như nhà văn Lỗ Tấn đã viết: “Cũng giống như những con đường trên mặt đất; kì thực, trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi”./.

Top