Những cái ‘được’ khi điều trị nghiện bằng Methadone

24/09/2020 16:14

Methadone hiện nay vẫn là giải pháp ưu việt trong điều trị nghiện các các chất dạng thuốc phiện trên thế giới. Việc sản xuất, dự trữ và sử dụng Methadone trên toàn cầu vẫn liên tục gia tăng trong 20 năm qua. Cùng với nhu cầu điều trị bằng thuốc Methadone vẫn gia tăng hàng năm trên toàn thế giới. Tổ chức Y tế thế giới coi Methadone là thuốc thiết yếu.

Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone được triển khai tại Việt Nam từ năm 2008 tại Hải Phòng và TPHCM. Đến nay, chương trình đã mở rộng tại 63 tỉnh/thành phố với hơn 52.000 bệnh nhân hiện đang điều trị với hiệu quả rõ rệt.

Bệnh nhân uống Methadone tại cơ sở điều trị. Ảnh Nhật Thy

Cụ thể, những bệnh nhân tham gia chương trình, trước đó 100% sử dụng và nghiện Heroin/chất dạng thuốc phiện; 93,6% bệnh nhân sử dụng từ 3-5 lần/ngày. 24 tháng sau khi tham gia,15,8% còn sử dụng Heroin/chất dạng thuốc phiện (Nghệ An 15.8%; Hải Phòng 15%; Hòa Bình 12%; Hà Nam 5.6%). Không có bệnh nhân nào sử dụng trên 2 lần/ngày. Chủ yếu sử dụng 2-3 lần/tháng.

Bệnh nhân cũng giảm sử dụng và sử dụng chung bơm kim tiêm. Tăng sử dụng bao cao su. Chỉ có 1 trường hợp nhiễm mới HIV trong số 1.000 trường hợp nghiên cứu. Đa số bệnh nhân có cải thiện tốt về sức khỏe như tăng cân, ăn uống tốt hơn, không còn tình trạng mất ngủ.

Bên cạnh đó, có chuyển biến tích cực về thái độ cũng như chất lượng cuộc sống. Chất lượng cuộc sống của bệnh nhân đang điều trị Methadone cao hơn bệnh nhân không điều trị Methadone (đánh giá bằng thang đo EQ-5D-5L và thang đo VAS). Nhân cách phục hồi, bệnh nhân đã biết quan tâm đến bản thân và gia đình. Bước đầu đã dành lại được niềm tin của gia đình và xã hội sau một thời gian tham gia điều trị.

Theo WHO việc tuân thủ điều trị sau 1 năm, nếu đạt 60%-80% là trung bình; đạt trên 80% là thành công. Tại Việt Nam con số này là trên 80%, một số tỉnh lên tới trên 90% (tại Pháp 64%; Trung Quốc 57%; Malaysia 75%)

Tỷ lệ bệnh nhân có hành vi vi phạm pháp luật bình quân giảm từ 40,8% xuống còn 1,34% sau 2 năm (khu vực can thiệp). Cụ thể, Đồng Tháp: 80,8% xuống 4,04%;  Đồng Nai: 54,6% xuống 2,8%; Nam Định: 36,3% xuống 2,0%; Điện Biên: 8,5% xuống 1%. Mâu thuẫn bệnh nhân với gia đình và xã hội giảm mạnh. Bệnh nhân được gia đình tin tưởng. An ninh trật tự quanh địa điểm cơ sở điều trị cũng có chuyển biến tích cực.

Về hiệu quả kinh tế, bệnh nhân không mất tiền mua ma túy; không mất tiền đi cai nghiện; không tốn tiền điều trị các bệnh liên quan đến sử dụng ma túy; giảm các chi phí cho xã hội khắc phục hậu quả ma túy; giảm tần suất sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Hiện nay giá thuốc Methadone giảm nhiều: Trung bình chỉ còn hơn 2.000 đồng/bệnh nhân/ngày. Tỷ lệ bệnh nhân tìm được việc làm sau điều trị tăng lên.

Top