Nhức nhối nạn bạo lực tình dục ở Nam Sudan

22/10/2014 14:59

Bạo lực tình dục đang là một vấn đề rất nhức nhối trong bối cảnh xung đột tiếp diễn tại Cộng hòa Nam Sudan thuộc Đông Phi.

 

Bà Zainab Hawa Bangura

Bà Zainab Hawa Bangura - Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về vấn đề bạo lực tình dục trong bối cảnh xung đột đã nhận định như trên sau chuyến thăm tới Nam Sudan để đánh giá tình hình bạo lực giới tại quốc gia này.

Đặc phái viên Bangura cho biết, kinh nghiệm 30 năm làm việc, bà lần đầu tiên chứng kiến vấn nạn bạo lực tình dục “kinh hoàng” ở phía bắc thị trấn Bentiu, nơi hàng trăm dân thường đã bị tàn sát trong tháng 4/2014 và nhiều rất người bị hãm hiếp.

Những người vô gia cư đã phải lang thang đi tìm kiếm nơi trú ẩn và phải đối mặt với rất nhiều vấn đề nảy sinh do tình trạng thiếu an ninh, trật tự, điều kiện sống “tồi tệ” và bạo lực tình dục tràn lan ở khắp mọi nơi.

“Những người sống sót và các nhân viên y tế đã kể lại những câu chuyện đau lòng về những người bị hãm hiếp, hiếp dâm tập thể, bị bắt cóc làm nô lệ tình dục và cưỡng ép hôn nhân. Họ đã cố gắng chống lại kẻ tấn công nhưng nhiều nạn nhân thậm chí bị hãm hiếp đến chết”, bà Bangura nói.

Theo số liệu thống kê cho thấy, nạn nhân của bạo lực tình dục gồm cả phụ nữ, nam giới, trẻ em, trong số đó có tới 74% là trẻ em dưới 18 tuổi.

Trong chuyến thăm tới Nam Sudan, Đặc phái viên Bangura cũng đã gặp các đại diện đến từ Chính phủ Nam Sudan, nhiều đối tác xã hội dân sự và các tổ chức của Liên hiệp hội phụ nữ.

Tại chuyến thăm này, bà Bangura đã cùng với Chính phủ Nam Sudan đưa ra những thông báo và kế hoạch chung với những giải pháp ngăn chặn các tội ác về bạo lực tình dục. Trong đó, bao gồm việc ban hành, thực thi lệnh cấm bạo lực tình dục; quy định nhằm bảo đảm y tế, tâm lý, xã hội và pháp lý đối với các nạn nhân. Đồng thời, cải cách lĩnh vực an ninh, tư pháp và đảm bảo vấn đề tội phạm bạo lực tình dục cần được giải quyết dứt khoát trong tiến trình hòa bình.

Nam Sudan là một quốc gia độc lập từ tháng 7/2011 và phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Đến tháng 12/2013, chiến sự nổ ra sau nhiều tháng căng thẳng chính trị giữa Tổng thống Salva Kiir và đối thủ chính trị của ông là cựu Phó Tổng thống Riek Machar. Mặc dù, nhiều cuộc đàm phán hòa bình do Cơ quan Phát triển liên Chính phủ Đông phi (IGAD) đứng ra làm trung gian hòa giải, nhưng vẫn chưa chấm dứt được tình hình xung đột.

Theo Liên Hợp Quốc, xung đột tại quốc gia này đã khiến hơn 10.000 người thiệt mạng, hơn 1 triệu người đã chạy khỏi đất nước và khoảng 11 triệu người cận kề với nạn đói. Đến cuối năm nay, 1/3 số dân nước này có thể phải đối mặt với mối đe dọa nạn đói và nạn bạo hành tình dục.

Top